Ứng dụng công nghệ hỗ trợ xe lưu thông qua vùng dịch
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ 0h ngày 19/7, ngoài TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, có thêm 16 địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị này để phòng chống COVID-19, bao gồm: Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau và Kiên Giang.
Trước thời điểm các tỉnh, thành trên áp dụng quy định giãn cách theo Chỉ thị 16, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT đã chính thức vận hành phần mềm đăng ký thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” vận tải.
Đây là giải pháp được Công ty cổ phần công nghệ An Vui cùng Tổng cục Đường bộ gấp rút xây dựng để giúp các phương tiện ưu tiên được hoạt động thông suốt 24/24 giờ tại những địa phương áp dụng Chỉ thị 16, vừa giảm thời gian kiểm tra khi phương tiện đi qua chốt kiểm soát vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.
Ông Phan Bá Mạnh, CEO Công ty cổ phần công nghệ An Vui cho biết, sau khi Tổng cục Đường bộ yêu cầu, An Vui đã lập nhóm “đặc nhiệm luồng xanh” với 9 thành viên tham gia phát triển hệ thống phần mềm hỗ trợ đăng ký thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên "luồng xanh".
Phần mềm được áp dụng tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam, 63 Sở GTVT và các doanh nghiệp vận tải để thực hiện đăng ký và cấp trực tuyến thẻ nhận diện phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách được ưu tiên hoạt động trên các “luồng xanh”.
Theo Cổng thông tin Bộ GTVT, trong chiều ngày 18/7, Tổng cục Đường bộ cung cấp tài khoản sử dụng phần mềm cho các địa phương và làm việc với Bộ TT&TT về mã số sử dụng trên QR Code in trên thẻ nhận diện phương tiện để áp thống nhất toàn quốc.
Trong hướng dẫn được Tổng cục Đường bộ gửi 63 tỉnh, thành ngày 18/7 nêu rõ: Việc xây dựng “luồng xanh” vận tải để đảm bảo kết nối liên thông, đảm bảo lưu thông thông suốt cho phương tiện và hàng hóa, giảm ùn tắc giao thông, ùn ứ hàng hóa tại các địa phương áp dụng Chỉ thị 16.
Sở GTVT các tỉnh, thành phố có nhiệm vụ hướng dẫn các đơn vị vận tải trên địa bàn dùng phần mềm đăng ký thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” vận tải. Bố trí cán bộ sử dụng phần mềm để cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” đảm bảo liên tục 24/24 giờ và 24/7 ngày trong tuần. Đồng thời, các Sở GTVT có trách nhiệm hậu kiểm hoặc kiểm tra đột xuất các đơn vị, phương tiện vận tải được cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh”.
Theo hướng dẫn, đơn vị vận tải có nhu cầu được cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh”, sẽ đăng ký và khai báo thông tin trên trang: www.luongxanh.drvn.gov.vn. Sau khi gửi yêu cầu nếu được chấp thuận hệ thống phần mềm sẽ tự động gửi tem nhận diện có chứa QR Code định danh đến email của đơn vị đăng ký.
Sau đó, đơn vị vận tải in thẻ nhận diện phương tiện kèm theo QR Code lên giấy (khổ A5) để dán lên kính trước và in lên giấy (khổ A4) để dán thêm lên kính ở 2 bên xe nhằm tạo thuận tiện cho việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng và hạn chế tiếp xúc để phòng dịch.
Ước tính, với việc triển khai giải pháp phần mềm đăng ký thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh”, thời gian cấp thẻ giảm từ 48 giờ xuống còn khoảng 4 phút. Thời gian kiểm tra, kiểm soát phương tiện đi qua các chốt kiểm soát cũng giảm do cơ quan chức năng chỉ cần quét QR Code.
Các đơn vị vận tải, lái xe phải cam kết, chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã đăng ký cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” và thông tin cung cấp cho các chốt kiểm soát liên ngành, Sở GTVT trong quá trình vận chuyển.
Mã QR trên thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” sẽ tự động hủy trong những trường hợp: khi hết thời hạn ghi trên thẻ nhận diện; cơ quan chức năng phát hiện phương tiện hoạt động không đúng hành trình đã đăng ký; cơ quan cấp thẻ phát hiện đơn vị vận tải khai báo thông tin không trung thực.
Xe nào được ưu tiên hoạt động trên các “luồng xanh” vận tải?
Những loại xe được đăng ký thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên khi hoạt động trên các "luồng xanh" vận tải do Tổng cục Đường bộ và các Sở GTVT công bố gồm:
Ô tô chở các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ an sinh xã hội, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, chở thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19… có hành trình đi, đến hoặc đi qua các khu vực đang phong tỏa, giãn cách hoặc khu vực ổ dịch.
Ô tô chở công nhân, người lao động, chuyên gia phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh có hành trình đi, đến hoặc đi qua các khu vực đang phong tỏa, giãn cách hoặc khu vực ổ dịch.
Các lái xe đi vào "luồng xanh" vẫn phải có giấy xét nghiệm COVID-19 theo yêu cầu phòng chống dịch của địa phương.
Tổng cục Đường bộ là cơ quan chủ trì xây dựng, triển khai hướng dẫn sử dụng phần mềm đăng ký, cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên "luồng xanh" vận tải cho các Sở GTVT; phối hợp với Sở GTVT để xây dựng, công bố các tuyến đường ưu tiên làm "luồng xanh" vận tải liên tỉnh.
Các Cục quản lý đường bộ có nhiệm vụ bố trí lực lượng bám sát và phối hợp chặt chẽ với lực lượng của các địa phương trên địa bàn quản lý để điều tiết, phân luồng đảm bảo không xảy ra ùn tắc giao thông.
Các Sở GTVT chủ trì, phối hợp với lực lượng tại địa phương và Cục quản lý đường bộ thực hiện điều tiết, phân luồng đảm bảo không để xảy ra ùn tắc giao thông.
Tổng cục Đường bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tại địa phương phối hợp tổ chức triển khai thực hiện nội dung hướng dẫn xây dựng "luồng xanh" vận tải để ưu tiên phục vụ xe chở hàng hóa, công nhân, chuyên gia được lưu thông thông suốt 24/24 giờ tại các địa phương thực hiện áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Chỉ đạo lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn xem xét chỉ kiểm tra xác suất, đột xuất đối với các xe có dán thẻ nhận diện; hạn chế tối đa việc kiểm tra đối với các xe chở hàng thiết yếu, hàng dễ hư hỏng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xe lưu thông trên "luồng xanh" vận tải được nhanh chóng, tránh ùn ứ hàng hóa tại các chốt kiểm soát dịch bệnh.
Trường hợp xảy ra ùn tắc kéo dài tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, đề nghị cho các xe chở hàng hóa có dán thẻ nhận diện thông qua chốt ngay để đảm bảo hàng hóa được lưu thông thông suốt 24/24 giờ.
Cũng trong hôm nay (19/7), ngành GTVT TP Hồ Chí Minh và 4 tỉnh miền Tây là Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long đã thống nhất mở “luồng xanh đường thủy” để vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng đường thủy giữa TP Hồ Chí Minhvà các tỉnh miền Tây. Theo đó, hàng hóa thiết yếu được vận chuyển bằng tàu cao tốc giữa TP Hồ Chí Minhvà miền Tây gồm gạo, mì gói, bún khô, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả, thủy hải sản, trang thiết bị y tế, nguyên vật liệu phục vụ phòng chống dịch…
Trước đó, chiều ngày 17/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã công bố "luồng xanh" quốc gia trên hệ thống Quốc lộ phục vụ xe ưu tiên lưu thông, Sở GTVT các địa phương cần cập nhật hệ thống "luồng xanh" quốc gia và công bố "luồng xanh" nội tỉnh để kết nối với các địa phương lân cận; lựa chọn vị trí dừng nghỉ cho những phương tiện chở hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu.
Tổng cục Đường bộ cũng thống nhất vị trí 19 chốt kiểm dịch trên các quốc lộ tại 8 tỉnh, thành phố đang đẩy mạnh kiểm soát dịch là Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng.
Từ khi TP Hồ Chí Minhgiãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Bộ GTVT đã phối hợp với các tỉnh phía Nam thực hiện áp dụng "luồng xanh" cho xe chở hàng hóa nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tap, lan rộng đến nhiều tỉnh thành khác, Bộ GTVT tiếp tục nhân rộng phương án tổ chức "luồng xanh" trên cả nước để các tỉnh tổ chức giao thông ngay khi có yêu cầu giãn cách.
Nguồn doanhnghiepvn
Link nội dung: https://vsta.org.vn/khoi-thong-luong-xanh-cap-the-nhan-dien-xe-uu-tien-trong-4-phut-20737.html