Đề nghị tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực KH&CN

Mới đây, Tổng Giám đốc Công ty Busadco đã có ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN). Một trong những vấn đề cần được xem xét tháo gỡ là người có thẩm quyền xử lý vi phạm sở hữu công nghiệp còn bị hạn chế.

Ông Hoàng Đức Thảo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco), cho biết vừa nhận được văn bản của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi các doanh nghiệp, hiệp hội về việc góp ý dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực KH&CN.

Theo ông Thảo, Busadco là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, có số lượng văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp lớn tại Việt Nam, trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ mới của mình vào thực tiễn, thế nhưng công ty thường xuyên bị các đơn vị khác xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Trong quá trình xử lý vi phạm sở hữu công nghiệp, công ty nhận thấy có nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ để các quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khoa học công nghệ có thể được bảo vệ tốt hơn, do đó Tổng Giám đốc Busadco cho rằng, việc góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ là hết sức cần thiết.

1041-1626868574.jpeg
Công trình kè chắn sóng khẩn cấp bảo vệ bờ biển Cà Mau do Busadco thực hiện dài 2,1 km.

Ông Hoàng Đức Thảo cho biết thêm, một trong những vấn đề cần được xem xét tháo gỡ trong xử lý vi phạm sở hữu công nghiệp là việc giới hạn mức giá trị tang vật, phương tiện cần xử lý của người có thẩm quyền vẫn còn bị hạn chế.

Cụ thể: Theo Điều 1, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Tại các khoản 13, 14, 15, 16, 18, 19, 22, 23, 24, 26 và 28 đã tăng mức giá trị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm cho người có thẩm quyền xử lý vi phạm sở hữu công nghiệp thuộc các ngành KH&CN, Thông tin và Truyền thông, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an nhân dân và UBND lên 2 lần mức quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP.

“Tuy nhiên mức quy định này còn rất thấp so với thực tế giá trị tang vật, phương tiện của các đối tượng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”, ông Thảo cho biết.

Lãnh đạo Busadco nêu ví dụ, tại điểm c khoản 1 Điều 16 Nghị định 99 hiện nay quy định Thanh tra viên thuộc Thanh tra Bộ KH&CN, Thanh tra Sở KH&CN đang thi hành công vụ chỉ có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 500.000 đồng. Nếu theo mức dự thảo đề xuất là tăng lên 2 lần, tức là chỉ có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 1 triệu đồng. Mức quy định này là quá thấp so với thực tế giá trị tang vật, phương tiện vi phạm sở hữu công nghiệp hiện nay có thể lên tới nhiều tỷ đồng.

“Rõ ràng mức quy định quá thấp này làm hạn chế rất nhiều hiệu quả xử lý vi phạm, không có giá trị răn đe đối với những đối tượng vi phạm pháp luật sở hữu công nghiệp”, ông Hoàng Đức Thảo cho biết.

Từ đó, Busadco đề xuất tăng cao hơn nữa mức giá trị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm cho những người có thẩm quyền trong quá trình thi hành công vụ nhằm đảm bảo góp phần ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm, giảm thiểu rủi ro thiệt hại cho đơn vị bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, tăng cường tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân có ý định thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, lãnh đạo Busadco tiếp tục đề nghị làm rõ thời gian xử lý vi phạm sở hữu công nghiệp. Cụ thể, tại Điều 25 nghị định 99 có quy định thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, người có thẩm quyền phải thông báo về dự định thời gian xử lý cho người yêu cầu xử lý nhưng lại không quy định thời hạn dự định này là bao lâu. Về vấn đề này, ông Hoàng Đức Thảo đề nghị quy định cụ thể thời hạn này trong dự thảo, thời gian đề xuất cụ thể là không quá 15 ngày.

Nguồn doanhnghiepvn

Link nội dung: https://vsta.org.vn/de-nghi-tang-nang-muc-xu-phat-doi-voi-hanh-vi-vi-pham-trong-linh-vuc-khcn-20750.html