Nền tảng công nghệ chống dịch cần phải dùng chung toàn quốc

Tính đến thời điểm này, nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa Telehealth đã kết nối với 100% bệnh viện. Bộ Y tế sẽ yêu cầu tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc bắt buộc phải sử dụng "Sổ sức khỏe điện tử" để thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lớn nhất trong lịch sử.

0153thu-tuong-1628643148.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ công bố kết nối Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa tới 100% tuyến huyện. Nguồn ảnh: MIC

Nền tảng Telehealth kết nối tới 100% bệnh viện tuyến huyện

Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa tới 100% bệnh viện huyện đã chính thức ra mắt từ ngày 8/8/2021. Tại buổi Lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp kiểm tra kết nối giữa các Trung tâm y tế huyện trên nhiều vùng miền của cả nước với nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa Telehealth, từ Cà Mau, Cần Thơ, Tiền Giang, Bình Dương (các tỉnh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16), các tỉnh Tây Nguyên như: Đắc Lắc, Lâm Đồng cho đến các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn....

Qua kiểm tra, kết nối với các điểm cầu, Thủ tướng nhận định, đã có thể yên tâm về vận hành thông suốt của hệ thống trong thời gian tới. Về lâu dài, nền tảng khám chữa bệnh từ xa Telehealth cũng là hệ thống hạ tầng quan trọng phục vụ khám chữa bệnh từ xa, từ cơ sở với mọi loại bệnh tật khác nhau nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, phục vụ Nhân dân.

Việc kết nối 100% cơ sở y tế tuyến huyện với nền tảng Telehealth có ý nghĩa rất lớn với công tác điều trị, giúp nâng cao năng lực chuyên môn của các Trung tâm y tế tuyến huyện. Với sự giúp đỡ của các bác sĩ giỏi nhất đến từ các bệnh viện tuyến Trung ương, các Trung tâm y tế tuyến huyện sẽ có đủ năng lực, đủ tự tin, tận dụng “giờ vàng” để cứu chữa cho bệnh nhân, giảm tối đa tử vong. Tuyến dưới có thể tự tin chữa bệnh sẽ giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Điều này thực sự có ý nghĩa tại thời điểm hiện nay khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Bộ Y tế cần tiếp tục hoàn thiện quy trình phòng chống COVID-19. Nếu như trước đây là 5K, rồi đến 5K + vaccine, tiến tới sẽ là “5K + vaccine + thuốc + công nghệ + những biện pháp khác”. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa đông y và tây y, áp dụng biện pháp tâm lý học, xã hội học để người bệnh yên tâm, cộng tác trong điều trị…

Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao hơn nữa năng lực đội ngũ y tế tuyến huyện, tuyến cơ sở, tạo độ bao phủ an toàn lớn hơn cho người bệnh. Thiết lập các trung tâm cấp cứu, hồi sức tích cực tại tuyến huyện để người bệnh không phải chuyển đi xa, nhiều người bệnh được cứu sống hơn.

Bộ TT&TT, Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện nền tảng, tổ chức tập huấn để các y bác sĩ tuyến huyện sử dụng nhuần nhuyễn, phát huy cao nhất hiệu quả của nền tảng hỗ trợ tư vấn.

Dịch bệnh lây lan nhanh không phân biệt ranh giới địa lý. Do đó, sử dụng chung nền tảng công nghệ thống nhất trên toàn quốc là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để chống dịch. Ngành TT&TT và Ngành Y tế cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo các nền tảng công nghệ phục vụ thiết thực trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, cứu sống được nhiều người bệnh hơn nữa, giảm tối đa tử vong, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Bộ Y tế sẽ bắt buộc tất cả các cơ sở y tế dùng “Sổ sức khỏe điện tử”

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, kết nối truyền hình để thực hiện Telehealth tới huyện là mơ ước nhiều chục năm của ngành y tế. Và mơ ước ấy được thực hiện chỉ trong 2,5 ngày. Chỉ trong 2,5 ngày với sự nỗ lực, sự thần tốc của hai Tập đoàn Viettel và VNPT, 328 huyện, tương đương với 45% tổng số huyện trên toàn quốc đã được kết nối với nền tảng Telehealth. Những huyện này đa phần là những huyện khó khăn. Tính đến ngày 6/8/2021, 100% các Trung tâm tuyến huyện tại Việt Nam đã được kết nối với các bệnh viện Trung ương. Không nhiều quốc gia trên thế giới có được điều này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đánh giá cao nỗ lực của Ngành TT&TT trong việc kết nối toàn bộ cơ sở y tế tuyến huyện trên toàn quốc với nền tảng Telehealth. Trước đây chúng ta mất 45 ngày để kết nối được 1.000 điểm, nhưng lần này chỉ trong 2,5 ngày đã kết nối được 328 điểm tới tất cả các huyện. Cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 còn 2 nhiệm vụ nữa là tiêm chủng và xét nghiệm. Thời gian qua, Bộ TT&TT cũng đã chuẩn bị rất tích cực cho 2 nhiệm vụ này và đang triển khai trên toàn quốc. Tới đây, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc bắt buộc phải sử dụng "Sổ sức khỏe điện tử" để thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lớn nhất trong lịch sử. Với "Sổ sức khỏe điện tử", sau này sẽ triển khai sang một bước nữa, đó là đăng ký khám bệnh, chữa bệnh online, trực tuyến. Như vậy sẽ có một Cổng khám chữa bệnh duy nhất cho người dân.

Đợt dịch thứ nhất, cách đây gần 20 tháng, chỉ có vài chục ca nhiễm F0 thì tất cả có thể đưa về Trung ương chữa trị. Nhưng đợt dịch thứ 4 này là hàng trăm ngàn ca nhiễm, lớn hơn hàng ngàn lần, thì không thể đưa về Trung ương được nữa. Các ca F0 hiện nay đang được điều trị tại các Trung tâm y tế tuyến huyện. Và việc tư vấn chữa trị từ xa qua cầu truyền hình từ Trung ương tới các huyện là vô cùng quan trọng, nhiều khi là quyết định thành công.

4d6y-te-1628643148.jpg
Lễ công bố kết nối Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa tới 100% tuyến huyện.

Nền tảng công nghệ chống dịch phải dùng chung toàn quốc

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các nền tảng công nghệ phòng chống COVID-19 phải được dùng chung toàn quốc, dữ liệu phải liên thông, dữ liệu phải tập trung để Trung ương có thể nhìn thấy tình trạng dịch và việc triển khai phòng chống dịch trên toàn quốc, để có thể điều hành thống nhất, để có thể phân tích dữ liệu phục vụ cho việc ra quyết định nhanh và chính xác. Trước đây thì trăm hoa đua nở, nơi có, nơi không, mỗi nơi mỗi khác, dữ liệu không liên thông, báo cáo về Trung ương phải làm bằng tay và không cập nhật.

Trong vòng chưa đầy 2 tháng, gần 1.500 tỷ thiết bị phần cứng được các doanh nghiệp tập trung về cho Trung tâm công nghệ phòng chống COVID-19 quốc gia, gần 1.000 người làm việc miễn phí cho Trung tâm, 18 doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu Việt Nam cung cấp hạ tầng và phát triển các nền tảng số chống dịch, 18 nền tảng số đã đưa vào khai thác, phục vụ cho tất cả các khâu chống dịch, từ: Sổ sức khoẻ điện tử, tới nhập cảnh, tới khai báo y tế, truy vết, cách ly, xét nghiệm, tiêm chủng, giám sát giãn cách xã hội, tư vấn hỗ trợ người bệnh, hỗ trợ người dân gặp khó khăn, cơ sở dữ liệu về người cao tuổi cần được ưu tiên tiêm vắc xin, cơ sở dữ liệu về những người vô gia cư, không giấy tuỳ thân cần trợ giúp,... Mỗi ngày Trung tâm đang phục vụ 20 triệu người và tiến tới khi tất cả các tỉnh dùng thì sẽ là 100 triệu người.

Công nghệ số thì càng nhiều người dùng sẽ càng rẻ, càng dùng nhiều thì càng hoàn thiện, càng nhiều dữ liệu thì càng tạo ra nhiều giá trị. Bởi vậy mà nó chỉ phát huy hiệu quả khi là nền tảng dùng chung toàn quốc. Những nền tảng thiết yếu thì nên là đầu tư của Trung ương và dùng chung bắt buộc.

Các nền tảng số dùng chung toàn quốc sẽ biến Việt Nam thành một cơ thể thống nhất, chỉ như vậy mới có thể kiểm soát được tình hình trên diện rộng toàn quốc, mới có thể phản ứng nhanh, linh hoạt, hành động thống nhất và triệt để, và vì vậy mà có sức chống chịu cao; Với cái mới thì sự tự giác chỉ đến sau khi bắt buộc; Dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu sẽ luôn chỉ ra cho chúng ta cả đường gần và gợi ý cho chúng ta đường xa phía trước.

Nguồn doanhnghiepvn

Link nội dung: https://vsta.org.vn/nen-tang-cong-nghe-chong-dich-can-phai-dung-chung-toan-quoc-20845.html