Chật vật "sinh tồn" giữa đại dịch, Biti's phải đi bán nông sản

Cuộc chiến sinh tồn, kinh doanh trong mùa dịch không hề dễ dàng đối với nhiều doanh nghiệp. Để tiếp tục hoạt động, không ít doanh nghiệp đã phải chuyển hướng. Nhưng việc "quay ngoắt" từ kinh doanh giày, dép sang bán... nông sản thì có lẽ là một trong những câu chuyện vượt dịch đặc biệt đối với Biti's và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 80.000 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, trong 7 tháng từ đầu năm 2021, TP Hồ Chí Minh có 23.199 DN rút lui khỏi thị trường, chiếm 29,1% tổng số của cả nước. Trong số này, có 12.071 DN tạm ngừng kinh doanh, đánh dấu mức kỷ lục số lượng DN phải tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2021.

Đây là minh chứng cho thấy cuộc chiến sinh tồn, kinh doanh trong giữa đại dịch COVID-19 không hề dễ dàng chút nào. Đối với 3 đợt dịch đầu tiên, chúng ta đã nói nhiều đến câu chuyện DN loay hoay vượt qua sóng gió. Tuy nhiên, trong đợt dịch thứ tư, câu hỏi lớn nhất đặt ra khi nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội là làm sao doanh nghiệp có thể tồn tại? Và liệu DN duy trì được bao lâu?...

2vuotdichb-1629113183.jpg
Ứng biến với COVID-19, Biti's quay sang bán nông sản.

Để tiếp tục hoạt động, nhiều DN, trong đó có Biti’s - thương hiệu sản xuất giày, dép nội địa lớn nhất tại Việt Nam, phải tìm hướng đi khác. Biti’s đã triển khai thêm mặt hàng nông sản, một mặt hàng hoàn toàn mới lạ so với những gì tất cả chúng ta hình dung về thương hiệu này từ trước đến nay.

Bà Nguyễn Minh Giang - Trưởng phòng Bộ phận của Biti's chia sẻ, ở Việt Nam, đa phần khách hàng đều biết đến Biti's là thương hiệu giày, dép lâu đời. Thực tế, công ty đã hoạt động trên thị trường gần 40 năm qua. Tuy nhiên, trong suốt lịch sử hoạt động của mình, chưa bao giờ Biti's đối diện với nhiều khó khăn như hai năm trở lại đây khi dịch COVID-19 bùng phát.

Hơn 3/4 số cửa hàng của Biti's trong nước đã phải đóng cửa do yêu cầu của và Nhà nước và chính quyền về phòng, chống dịch; 3/5 nhà máy lớn của Biti's phải ngưng hoạt động, kéo theo hơn 7.000 nhân sự bị giảm lương hoặc công việc bị ảnh hưởng, thậm chí phải nghỉ không lương.

"Vì vậy, nhu cầu tạo ra nguồn thu nhập cho cán bộ công nhân viên là trăn trở rất lớn với đội ngũ lãnh đạo của Biti's. Cùng thời điểm đó, chúng tôi nhận thấy rằng cư dân của TP Hồ Chí Minh đang phải đối diện với vấn đề chưa có tiền lệ, đó là không dễ tiếp cận được nguồn lương thực, thực phẩm và giá că tăng hơn so với bình thường. Quyết định bán nông sản online được bắt đầu từ đó nhằm góp phần đưa nông sản đến tay người dân TP Hồ Chí Minh, đồng thời tạo ra công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động và DN", bà Giang cho biết.

Với giải pháp tình thế nhằm duy trì sự hoạt động của DN và là bước đi hỗ trợ người dân, bà Giang cho hay, việc chuyển hướng sang mua bán nông sản là quyết định táo bạo và có phần nhiều rủi ro của DN. Tuy nhiên, Biti's có nhiều mong muốn và suy nghĩ tích cực về vấn đề này.

"Từ lúc công ty chuyển hướng đến nay mới chỉ khoảng 3 tuần. Ngày đầu tiên, chúng tôi mở bán trên website là ngày 22/7. Liên tiếp trong thời gian đó, chúng tôi đã phải xây dựng website mới, kết nối vào website chính là website bán giày dép, tìm các nhà cung cấp phù hợp, xây dựng mạng lưới vận chuyển đi từng quận, huyện trong TP... Nhiều công việc khác nhau đã được nhanh chóng thực hiện để có kênh bán hàng như hiện nay.

Hai tuần đầu thực hiện chương trình, chúng tôi nhận được những phản hồi tích cực từ phía khách hàng. Và đây này là động lực lớn với DN. Khi Chỉ thị 16+ được chính quyền TP Hồ Chí Minh ban hành với những quy định chặt hơn, việc vận chuyển liên quận khó khăn hơn, công ty lại đối mặt với thách thức mới. Chúng tôi sẽ phải tiếp tục liên hệ với các đối tác để tìm ra giải pháp nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn trong thời gian tới", bà Giang kể.

untitled-1629113183.png
Thông tin rao bán rau củ trên website vốn lâu nay chỉ kinh doanh giày dép của Biti's. Ảnh chụp màn hình.

Cũng theo chia sẻ của bà Giang, khi kế hoạch kinh doanh đã thay đổi hoàn toàn, Biti's đã tận dụng rất nhiều tài nguyên và mối quan hệ có từ trước. Ví dụ, với việc xây dựng website mới, đối tác đã hỗ trợ nhiều về kỹ thuật để website nông sản kết nối với website chính. Đối tác còn hỗ trợ công ty vận hành chức năng đăng ký ship online. Thêm vào đó, Biti's đã làm việc với các đối tác về shipping mà công ty đã từng hợp tác trước đây để thuê dịch vụ.

Trước đây, trên website bán hàng của công ty có kênh thanh toán online, bây giờ Biti's cũng đưa công nghệ đó vào website mới. Hiện nay, website thanh toán của Biti's có thêm chức năng bán rau, củ qua Momo. Về vật lý, những khu vực kho hay khu vực bán hàng trước đây dành cho giày, dép thì giờ thành nơi tập kết và phân loại và đóng gói rau củ. Những nhân viên đang còn làm việc và sinh sống tại TP Hồ Chí Minh và có thể đến công ty làm việc, Biti's đều mời đến chung tay cùng mọi người bán nông sản.

"Việc bán giày, dép dễ dàng hơn nhiều so với việc rau củ vì mặt hàng này có thể hư hỏng, thời gian xoay vòng rất nhanh. Chúng tôi phải rất nhanh chóng trong việc giao hàng và đóng gói, bảo quản. Là lĩnh vực kinh doanh mới, nên chúng tôi học hỏi qua từng ngày, đây là cơ hội nhưng cũng là thử thách để chúng tôi cải thiện năng lực của mình hơn. Chúng tôi hi vọng, câu chuyện vượt dịch bằng việc chuyển hướng kinh doanh có thể giúp các DN khác có định hướng mới, và có thể có động lực vượt qua sóng gió hiện nay", bà Giang bộc bạch.

Nguồn doanhnghiepvn

Link nội dung: https://vsta.org.vn/chat-vat-sinh-ton-giua-dai-dich-bitis-phai-di-ban-nong-san-20895.html