Cả hai nghiên cứu của Anh và Mỹ đều khẳng định vaccine vẫn có hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ bệnh nhân COVID-19 trở nặng và nhập viện |
Kể từ khi được xác định lần đầu tiên ở Ấn Độ vào cuối năm 2020, tới nay, biến thể Delta đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là dễ lây nhiễm nhất trong số các biến thể COVID-19 hiện nay.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, nhóm chuyên gia dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) cho biết, những người nhiễm phải biến thể Delta có tải lượng virus cao hơn 1.260 lần so với chủng SARS-CoV-2 ban đầu, khiến nó rất dễ lây lan.
Ngoài ra, nhóm tác giả cũng cho hay, theo ước tính hiện tại, biến thể Delta có tốc độ lây truyền cao gấp 2 lần so với chủng SARS-CoV-2 gốc. Đồng thời, khả năng sinh sôi của nó cũng vượt trội, thể hiện qua việc biến thể này hiện diện rõ rệt trong cơ thể bệnh nhân chỉ từ ngày thứ 4 sau khi nhiễm bệnh, so với mức trung bình là 6 ngày ở chủng SARS-CoV-2 ban đầu.
Giáo sư Benjamin Cowling, chuyên gia dịch tễ học của Đại học Hong Kong, cho biết tải lượng virus cao kết hợp cùng thời gian ủ bệnh ngắn khiến người mắc phải biến thể Delta sớm có khả năng lây lan mầm bệnh ra cộng đồng nhiều hơn. Từ đó, đặt thách thức lớn cho quá trình truy vết, khoanh vùng mầm bệnh và khiến Delta trở thành biến thể thực sự khó kiểm soát.
Nguy hiểm hơn với trẻ em?
Hiện tại, các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết biến thể Delta đang hướng tới những người “trẻ hơn, nhanh hơn”. Các phòng khám tại Mỹ cho hay số bệnh nhân bị COVID-19 ngày càng ở độ tuổi ít hơn. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân dưới 30 tuổi phải thở máy hoặc tử vong. Bệnh nhân trẻ thường bị nặng hơn và diễn biến bệnh nhanh hơn so với mùa Hè năm ngoái. Tại một số phòng khám nhi, số giường điều trị tích cực đã phải tăng lên. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) đã ra thông báo biến thể Delta "dễ lây lan như bệnh thủy đậu" và nó sẽ gây ra "các đợt bệnh nghiêm trọng hơn so với biến thể Alpha hoặc các biến thể trước đó".
Bà Catherine O’Neal, bác sĩ tại Trung Tâm Y tế Our Lady of the Lake ở Baton Rouge, Louisiana, Mỹ còn nhận định có thể “đó là một loại COVID mới” khi trao đổi với tờ New York Times.
Theo các nhà khoa học, việc giới trẻ bị lây nhiễm biến thể Delta nhiều hơn có thể vì vào thời điểm này, nhiều người cao tuổi đã được tiêm chủng. Theo thông tin sơ bộ trong một nghiên cứu ở Canada, chưa được bình duyệt, thì nguy cơ bị nhập viện ở giới trẻ khi lây nhiễm Delta so với trước đây thậm chí tăng gấp 4 lần.
Ông Joachim Schultze, nhà miễn dịch học và nghiên cứu về gene thuộc Trung tâm Bệnh thoái hóa thần kinh tại Đại học Bonn, Đức cho biết: “Chúng tôi thấy rằng biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn đáng kể so với biến thể “tiền nhiệm” của nó: Một người bị lây nhiễm biến thể Alpha có thể lây lan tiếp cho từ 2 đến 3 người, một người bị nhiễm Delta thì lây lan lên đến 5 đến 6 người. Đó là một khác biệt rất lớn. Biến thể Delta lây lan rộng, đặc biệt trong số những người chưa được tiêm chủng. Chúng tôi đã thấy điều này ở một số quốc gia”.
Tăng nguy cơ tái nhiễm
Theo thông tin từ WHO, biến thể Delta có khả năng làm gia tăng nguy cơ tái nhiễm COVID-19.
Thống kê của WHO cho thấy, hiện có 142 quốc gia, vùng lãnh thổ đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Delta. Biến thể Delta cũng khiến số ca nhiễm toàn cầu gia tăng nhanh chóng, chỉ trong 6 tháng, thế giới đã ghi nhận thêm 100 triệu ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 toàn cầu vượt 200 triệu ca vào đầu tháng 8.
Giới chức y tế Anh hôm 6/8 cho hay, phân tích ban đầu tại Anh cho thấy những người được tiêm chủng nhưng bị nhiễm biến thể Delta vẫn có thể lây cho người khác dễ dàng như những người chưa được chủng ngừa.
Theo nghiên cứu mới của Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE), một số phát hiện ban đầu cho thấy nồng độ virus ở những người bị nhiễm Delta đã được tiêm phòng có thể tương tự như mức độ được tìm thấy ở những người chưa được tiêm chủng.
Tuy nhiên, PHE cho biết đây là phân tích thăm dò và nhấn mạnh rằng cần có các nghiên cứu sâu hơn để xác định mức độ mà những người được tiêm chủng có thể lây lan biến thể Delta cho những người khác.
Giảm hiệu quả của vaccine?
Những phát hiện trên của Anh tương tự phát hiện từ CDC Mỹ.
Hồi cuối tháng 7, tài liệu của CDC Mỹ cho hay những người được tiêm chủng nhưng nhiễm biến thể Delta vẫn có thể lây cho người khác.
Mới đây nhất, ngày 19/8, nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) và CDC Mỹ cho thấy biến thể Delta có thể làm giảm hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm của một số loại vaccine COVID-19 phổ biến.
Theo Reuters, Pfizer/BioNTech và AstraZeneca là hai loại vaccine được sử dụng phổ biến nhất trong chiến dịch tiêm chủng của Anh. Tại Mỹ, hai loại vaccine được dùng nhiều là Pfizer và Moderna.
Dựa trên hơn 3 triệu mẫu gạc mũi và họng được lấy trên khắp nước Anh, nghiên cứu của Đại học Oxford cho thấy trong vòng 2 tuần sau khi tiêm mũi thứ hai của vaccine Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca, hiệu quả ngăn ngừa nhiễm bệnh đã giảm xuống lần lượt còn 85% và 68%.
Sau 90 ngày từ mũi tiêm thứ hai, hiệu quả ngăn ngừa của vaccine chỉ còn 75% và 61%.
Nhóm nghiên cứu Oxford cũng nhận thấy tải lượng virus của những người đã tiêm vaccine nhưng bị nhiễm biến thể Delta cao tương đương người chưa tiêm và bị bệnh.
Tại Mỹ, CDC cũng công bố nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 7 - giai đoạn biến thể Delta bùng phát mạnh - hiệu quả ngăn lây nhiễm của vaccine giảm từ 91,7% xuống 79,8%.
Tuy nhiên, CDC khẳng định vaccine vẫn có hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ nhập viện tại New York, dao động từ 91,9% đến 95,3%, theo Reuters.
Cả hai nghiên cứu của Anh và Mỹ đều khẳng định vaccine vẫn có hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ bệnh nhân COVID-19 trở nặng và nhập viện.
Mặc dù không ngăn chặn được lây nhiễm 100% nhưng các nhà khoa học và giới chức y tế nhiều nước vẫn kêu gọi người dân tiếp tục đi tiêm vaccine bởi nó giúp giảm nguy cơ nhập viện và tử vong nếu không may bị nhiễm bệnh.
Vũ Phong (tổng hợp) - baochinhphu.vn
Link nội dung: https://vsta.org.vn/bien-the-delta-thach-thuc-ca-the-gioi-20941.html