Trí tuệ nhân tạo ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19 bùng phát trong gần 2 năm nay, nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã giúp giảm gánh nặng cho đội ngũ y tế, lực lượng phòng, chống dịch thông qua các ứng dụng thiết thực, phát huy hiệu quả cao như: Các ứng dụng truy vết người tiếp xúc đã phát huy hiệu quả khi có ổ dịch hoặc ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, giúp đội ngũ y tế điều tra lịch trình, lấy thông tin dịch tễ. Hệ thống bản đồ dịch tễ, phần mềm đánh giá nguy cơ lây nhiễm cũng phát huy hiệu quả tại các địa phương có dịch.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Anh, Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam: “Công nghệ AI có thể ứng dụng được rất nhiều nơi. Bất cứ nơi nào hoạt động sản xuất, kinh doanh có phát sinh dữ liệu thì đều có khả năng ứng dụng AI được. Tuy nhiên, khả năng ứng dụng cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất là quy mô, trình độ ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp, thứ hai là nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp có sẵn sàng ứng dụng AI hay không? Ngược lại đội ngũ nghiên cứu phát triển AI cũng phải đưa ra được những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người dùng thì 2 bên mới gặp nhau được”.
Khi những khó khăn của COVID-19 ngày càng đè nặng lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, các chuyên gia nhận định, chuỗi sản xuất kinh doanh có thể bị đứt gãy. Từ đó, các ứng dụng AI cũng được kỳ vọng sẽ kết nối các doanh nghiệp trở lại, thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong thời gian ngắn nhất.
Bên cạnh đó, việc thu thập và bảo đảm chất lượng dữ liệu là yếu tố rất quan trọng trong bất kỳ ứng dụng nào của trí tuệ nhân tạo. Dữ liệu cần phải đủ lớn, được gắn nhãn, dễ dàng tiếp cận và đáng tin cậy. Theo PGS.TS Nguyễn Long Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Tiên tiến về Trí tuệ nhân tạo, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, để phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo thì việc đầu tiên chúng ta phải làm đó là đầu tư vào hạ tầng chia sẻ dữ liệu và hạ tầng mạng lưới tính toán. Đây là yếu tố cốt lõi để có thể phát triển những ứng dụng về trí tuệ nhân tạo. Nó là nền tảng cho các nhóm nghiên cứu cùng xây dựng những mô hình chia sẻ các công cụ về trí tuệ nhân tạo từ đó phát triển các giải pháp giải quyết các bài toán cụ thể.
Cùng với vấn đề dữ liệu, phát triển nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo cũng là bài toán cần được quan tâm. Đó phải là nguồn nhân lực vừa chất lượng, vừa đủ số lượng, đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu, kết nối giữa nghiên cứu và ứng dụng để tạo được những sản phẩm tốt.
Trao đổi về các giải pháp thúc đẩy phát triển và ứng dụng AI tại Việt Nam, ông Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ: "Chúng tôi sẽ xây dựng hệ thống văn bản chính sách về quyền sở hữu trí tuệ trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Thứ hai là xây dựng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo. Thứ ba là đầu tư cho nghiên cứu phát triển, triển khai chương trình nghiên cứu quốc gia về trí tuệ nhân tạo. Và cuối cùng là mở rộng các mối hợp tác quốc tế để triển khai nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam".
Và để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam đã và đang từng bước đầu tư mạnh mẽ vào phát triển hạ tầng công nghệ. Đồng thời tích cực xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu mở, phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo, xây dựng hệ thống cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, tạo đà để đẩy nhanh nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo thúc đẩy kinh tế, xã hội.
Những giải pháp trên được kỳ vọng sẽ tạo đà cho sự phát triển AI tại Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về AI trong khu vực và trên thế giới theo "Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030" mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.
Nguồn doanhnghiepvn
Link nội dung: https://vsta.org.vn/thuc-day-he-sinh-thai-tri-tue-nhan-tao-lam-thay-doi-cuoc-song-20942.html