Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề An toàn thực phẩm trong tình hình mới

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW ngày 21 tháng 10 năm 2011 của Ban Bí thư khóa XI “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, công tác ATTP ngành Công Thương đã đạt được một số kết quả nhất định, tạo được sự chuyển biến đáng kể trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng hóa bảo đảm an toàn.

Chỉ đạo quyết liệt

Trong 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương luôn coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, chủ động rà soát, đánh giá tình hình, xây dựng và triển khai các chương trình hành động, kế hoạch từng bước giải quyết những khó khăn, thách thức về công tác an toàn thực phẩm (ATTP); Nhận thức đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới không ngừng được cải thiện, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, tăng cường hiểu biết về ATTP; Ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc bảo đảm chất lượng ATTP, việc phòng, chống có hiệu quả ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm được nâng lên; qua đó giúp kiểm soát tốt ATTP, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao sức khỏe người dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, nhằm cụ thể hóa các chủ trương, nhiệm vụ của Chỉ thị 08-CT/TW, Bộ Công Thương đã chủ động, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện như: Chiến lược quốc gia về ATTP giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia về ATTP, các chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm ATTP. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp về ATTP trong thời gian qua, liên Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới.

Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã tổ chức quán triệt, triển khai Chỉ thị 08-CT/TW và các văn bản liên quan một cách kịp thời, nghiêm túc. Đảng bộ Bộ Công Thương đã đưa yêu cầu về quán triệt thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW vào nội dung công tác thường xuyên của từng Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc.

Tại địa phương, báo cáo của 51/63 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, Ban Thường vụ Đảng ủy các Sở Công Thương đã ban hành kế hoạch về thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW và chỉ đạo các cấp ủy đảng tổ chức học tập, quán triệt Chỉ thị số 08-CT/TW cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và tuyên truyền đến các tổ chức doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố ban hành Chương trình hành động và triển khai, phổ biến đến các sở, ngành và ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trực thuộc trên địa bàn quản lý. Các tỉnh, thành phố đã cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu nêu trong Chỉ thị số 08-CT/TW và đưa các tiêu chí về ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương.

Hành động thiết thực

Theo báo cáo của Vụ Khoa học và Công nghệ, việc triển khai Chỉ thị 08-CT/TW còn được thực hiện thông qua các cuộc vận động, các phong trào, tháng cao điểm về ATTP; Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng..v..v.. qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật và đưa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về ATTP đi vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, định kỳ hàng năm, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo Sở Công Thương/Ban quản lý ATTP các tỉnh, thành xây dựng kế hoạch để kiểm tra công tác đảm bảo ATTP trong các đợt cao điểm trong năm như: Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân; Tháng hành động vì ATTP; Tết Trung thu.

Thực hiện chức năng quản lý ngành, tính đến hết năm 2018, Bộ Công Thương đã chỉ định, ủy quyền cho 07 đơn vị trong và ngoài Bộ hỗ trợ người lao động trực tiếp của hơn 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nâng cao, cập nhật và được xác nhận kiến thức về việc bảo đảm ATTP đối với người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thông qua lớp tập huấn, các học viên đều nắm được các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm, cách bảo quản thực phẩm an toàn, các điều kiện bảo đảm ATTP.

Hơn nữa, triển khai áp dụng các mô hình quản lý vệ sinh ATTP tiên tiến như  HACCP, ISO trên diện rộng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp, thông qua nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh ATTP giai đoạn 2011-2015 và Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương đã hỗ trợ kinh phí cho hơn 100 cơ sở triển khai áp dụng mô hình quản lý tiên tiến nêu trên nhằm hướng đến mục tiêu cải thiện rõ rệt tình trạng bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm được nêu Chiến lược quốc gia ATTP giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030. 

Sau khi Luật ATTP và Chỉ thị 08-CT/TW được ban hành, Bộ Công Thương tập trung chủ trì/phối hợp hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về ATTP thực hiện có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, sau khi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật ATTP có hiệu lực đã khắc phục tình trạng chồng chéo trong quản lý nhà nước về ATTP.

Đáng chú ý, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về ATTP ngành Công Thương được củng cố từ Trung ương đến các địa phương. Tại Trung ương, Bộ Công Thương giao Vụ Khoa học và Công nghệ là cơ quan đầu mối, tham mưu cơ chế chính sách và tổ chức triển khai quản lý nhà nước ATTP trong lĩnh vực Công Thương, phối hợp thực hiện là Tổng cục Quản lý thị trường và Vụ Thị trường trong nước. Ở cấp địa phương, có 03 tỉnh/thành phố thực hiện thí điểm mô hình Ban quản lý ATTP (TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bắc Ninh); 59 tỉnh/thành phố hình thành cơ quan chuyên môn quản lý ATTP trực thuộc Sở Công Thương.

Thanh tra chuyên ngành ATTP trong lĩnh vực Công Thương được tổ chức ở cấp Trung ương (Cục Quản lý thị trường nay là Tổng cục Quản lý thị trường), cấp tỉnh (Chi cục Quản lý thị trường nay là Cục Quản lý thị trường địa phương và Thanh tra Sở Công Thương) và cấp huyện (Đội Quản lý thị trường). Bên cạnh đó, Chính phủ cho thí điểm tổ chức thanh tra chuyên ngành ATTP tại cấp quận/huyện và xã/phường tại 9 tỉnh, thành phố.

Với mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý ATTP, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh xã hội hóa công tác kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước về ATTP và kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu. Lũy tích đến nay, Bộ Công Thương đã chỉ định 29 cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước, trong đó có 13/29 cơ sở ngoài công lập; chỉ định/ủy quyền 11 cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu, trong đó 6/11 cơ quan kiểm tra ngoài công lập; chỉ định 03 cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng. Hoạt động này đã phát huy vai trò của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các tổ chức đoàn thể trong việc tham gia bảo đảm ATTP. Các cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng, cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước và cơ quan kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu đã thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, nhờ đó đã góp phần phòng ngừa các mối nguy ô nhiễm, bệnh truyền qua thực phẩm từ các nước, đặc biệt các nước đã công bố dịch trong thời gian phòng, chống dịch.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm tình trạng nhập lậu, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm trên thị trường. Việc phòng, chống hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc trên thị trường góp phần từng bước hạn chế các hoạt động vi phạm pháp luật về ATTP.

Tăng cường hơn nữa hiệu quả quản lý ATTP

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW của Ban Bí thư, Bộ Công Thương dù đã đạt được những bước đột phá về thể chế, chính sách trong quản lý công tác ATTP nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Theo đó, trong thời gian tới, để hướng đến mục tiêu “tất cả thực phẩm được sản xuất, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam đều là thực phẩm an toàn”, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng cơ quan quản lý ATTP thuộc ngành Công Thương; vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phối hợp thực hiện công tác ATTP.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của ATTP đối với phát triển bền vững của đất nước.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác ATTP. Trong đó, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đánh giá 10 năm triển khai thi hành Luật ATTP và tăng cường giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết số 34/2009/NQ-QH12 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, ATTP để cải tiến hơn nữa cơ chế bộ máy thực thi pháp luật về ATTP, đặc biệt là đối với vấn đề bố trí kinh phí đảm bảo đủ mức cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quản lý ATTP.

Tăng cường đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất và trách nhiệm xã hội của đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước về ATTP, đặc biệt ở cấp huyện (Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng).

Tiếp tục tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, tham gia vào các hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kiểm nghiệm và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào các hoạt động bảo đảm ATTP; phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc cảnh báo, kiểm soát nguy cơ, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Mở rộng hợp tác quốc tế để ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực ATTP theo hướng thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thực phẩm vào các nước có quy định tiêu chuẩn kỹ thuật cao.


 Tác giả: Nguyễn Hường - moit.gov.vn

Link nội dung: https://vsta.org.vn/tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-doi-voi-van-de-an-toan-thuc-pham-trong-tinh-hinh-moi-21103.html