Nông dân sản xuất nông nghiệp không cày xới đất có thể cắt giảm việc sử dụng thuốc diệt cỏ, kiểm soát cỏ dại, bảo vệ lợi nhuận

Theo một nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu Đại học bang Pennsylvania, nông dân sử dụng phương pháp sản xuất không cày xới đất - trong đó đất không bao giờ hoặc hiếm khi bị cày xới hoặc xáo trộn - có thể giảm sử dụng thuốc diệt cỏ và vẫn duy trì năng suất cây trồng bằng cách thực hiện các phương pháp quản lý cỏ dại tổng hợp.

 

Tác giả chính của nghiên cứu, Heather Karsten, Phó Giáo sư về sản xuất và sinh thái cây trồng, cho biết, trong khi nông nghiệp không cày xới có thể bảo tồn đất và năng lượng, sản xuất nông nghiệp hiện tại chủ yếu dựa vào thuốc diệt cỏ để kiểm soát cỏ dại. Khi nông dân không còn sử dụng phương pháp xới đất để ngăn chặn sự phát triển của cỏ dại, họ thường sử dụng nhiều thuốc diệt cỏ hơn để kiểm soát cỏ dại.

Bà nói: “Nông dân đặc biệt phụ thuộc vào một số loại thuốc diệt cỏ phổ biến khi trồng  ngô và đậu nành, chẳng hạn như glyphosate, dẫn đến sự phát triển của cỏ dại kháng thuốc trừ cỏ vốn hiện đang rất đối phó. Với hơn 65% cây trồng nông học không được xới đất ở Pennsylvania, những loại cỏ dại này đang lan rộng, làm giảm năng suất cây trồng và trở nên rất khó kiểm soát”.

Nhóm nghiên cứu của Karsten tại Đại học Khoa học Nông nghiệp đã nghiên cứu chăn nuôi bò sữa bền vững trong hơn một thập kỷ trong các thí nghiệm tại Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Russell E. Larson của bang Pennsylvania tại Rock Springs.

Để kiểm tra xem liệu việc sử dụng thuốc diệt cỏ có thể giảm trong sản xuất không cày xới, giảm tác động đến môi trường và áp lực lựa chọn đối với đặc tính kháng thuốc diệt cỏ hay không, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thử nghiệm kéo dài 9 năm sử dụng các biện pháp giảm thiểu thuốc diệt cỏ trong luân canh trồng cây nuôi bò sữa.

Việc luân canh bao gồm đậu tương, ngô với cây che phủ trồng vào mùa thu, và cỏ linh lăng ba năm, sau đó là cải dầu mùa đông. Các phương pháp sau đây đã được sử dụng để giảm lượng thuốc trừ cỏ đầu vào, đó là: chỉ sử dụng thuốc diệt cỏ theo dải trên các hàng ngô và đậu tương và sử dụng phương pháp canh tác xen canh với lượng tàn dư cây trồng sau thu hoạch ở mức cao; gieo hạt giống cây trồng hạt nhỏ như yến mạch với cỏ linh lăng lâu năm và cỏ vườn; và cày một lần trong sáu năm để diệt cỏ lâu năm thay vì sử dụng thuốc diệt cỏ.

Những thực hành này được so sánh với việc quản lý cỏ dại dựa trên thuốc diệt cỏ tiêu chuẩn trong chế độ không cày xới liên tục, bao gồm việc sử dụng thuốc diệt cỏ lặp đi lặp lại. Để đo lường kết quả, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu sinh khối cỏ dại trong đậu tương, ngô và cỏ linh lăng trong hai năm đầu tiên.

Những phát hiện gần đây được công bố trên Tạp chí Nông học, các nhà nghiên cứu báo cáo rằng có nhiều sinh khối cỏ dại hơn trong phương pháp giảm thuốc diệt cỏ, dẫn đến nhiều cỏ dại hơn trong những năm qua ở phương pháp trồng ngô và đậu tương giảm thuốc trừ cỏ - nhưng áp lực cỏ dại tăng thêm về cơ bản không ảnh hưởng đến năng suất cây trồng hoặc sự khác biệt trong lợi nhuận ròng. Trong năm gieo hạt cỏ linh lăng tiếp theo, sinh khối cỏ dại hiếm khi lớn hơn khi giảm thuốc diệt cỏ.

Karsten chỉ ra rằng năng suất cây trồng và sự khác biệt về thu nhập ròng là tương tự nhau ở hầu hết các vụ mùa và năm, giải thích rằng kết quả nghiên cứu cho thấy rằng việc sử dụng phương pháp quản lý cỏ dại tổng hợp với giảm lượng thuốc diệt cỏ đầu vào có thể có hiệu quả.

Bà nói: “Trong nghiên cứu dài hạn này, chúng tôi đã chứng minh rằng việc giảm thiểu thuốc diệt cỏ là khả thi với điều kiện là có sự luân chuyển đa dạng với một loạt các phương pháp kiểm soát. Tăng cường đa dạng vòng đời cây trồng có thể làm giảm sự bùng phát của cỏ dại và áp lực lựa chọn đối với cỏ dại kháng thuốc diệt cỏ. Việc sử dụng phương pháp tổng hợp có thể làm cho nông nghiệp bền vững hơn và thân thiện với môi trường hơn mà không làm giảm năng suất”.

Lê Hồng Vân (Theo sciencedaily) -  mard.gov.vn

Link nội dung: https://vsta.org.vn/nong-dan-san-xuat-nong-nghiep-khong-cay-xoi-dat-co-the-cat-giam-viec-su-dung-thuoc-diet-co-kiem-soat-co-dai-bao-ve-loi-nhuan-21124.html