Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp đẩy mạnh tự chủ tài chính

Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp đẩy mạnh các dịch vụ khoa học công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện Nghị định số 60/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Nghị định số 60/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong đó có đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2021. Về cơ chế tự chủ tài chính gồm có: Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và không sử dụng ngân sách nhà nước và các nội dung quản lý khác.

Chúng tôi giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Chu Văn Giáp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp, Bộ Công Thương (SSTTCN), phân tích các tác động tích cực, khuyến khích của Nghị định số 60/NĐ-CP đối với Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp trong việc tối đa hóa nguồn lực thực hiện các dịch vụ khoa học công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước tại Viện. Thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện tự chủ tài chính tại Viện.  

Dịch vụ khoa học công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước

Nghị định số 60/NĐ-CP quy định dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước gồm: “Dịch vụ không thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại Điều 4 Nghị định này; Dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp từ hoạt động sản xuất kinh doanh, liên doanh liên kết phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đơn vị để đáp ứng nhu cầu của xã hội theo quy định của pháp luật có liên quan”. 

Dịch vụ sự nghiệp công của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập bao gồm ba nhóm chính: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; dịch vụ khoa học và công nghệ (phân tích, thử nghiệm, chứng nhận, giám định, tư vấn và các hoạt động khác); sản xuất, kinh doanh sản phẩm thử nghiệm, giới thiệu sản phẩm.

Dịch vụ khoa học công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước có thể thuộc cả ba nhóm hoạt động trên. Trên thực tế, với chức năng nhiệm vụ, các đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ thực hiện các dịch vụ phân tích, thử nghiệm, chứng nhận, giám định hoàn toàn không sử dụng ngân sách nhà nước. 

Hay nói cách khác, dịch vụ khoa học công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập tập trung vào các hoạt động dịch vụ phân tích, thử nghiệm, chứng nhận, giám định. 

Dịch vụ KHCN không sử dụng ngân sách nhà nước của các tổ chức KH&CN công lập tập trung vào các hoạt động dịch vụ phân tích, thử nghiệm, chứng nhận, giám định. Trong ảnh: Cán bộ Viện SSTTCN thực hiện nung mẫu gốm sứ kỹ chịu nhiệt trên lò nung 1800oC

Nghị định số 60/NĐ-CP còn cho phép đơn vị sự nghiệp công được tự chủ sử dụng tài sản và các nguồn lực ở đơn vị để cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật, được quyết định giá dịch vụ bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.

Tài sản và các nguồn lực ở các tổ chức khoa học và công nghệ được sử dụng phục vụ các dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước bao gồm các thiết bị, máy móc thí nghiệm, thử nghiệm; nguồn nhân lực khoa học và công nghệ; hệ thống quản lý chất lượng như ISO 17025 và các nguồn lực khác. 

Đây chính là các lợi thế của các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập. Việc cho phép sử tự chủ sử dụng tài sản và các nguồn lực này để cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước là động lực quan trọng để các tổ chức khoa học và công nghệ công lập thúc đẩy các hoạt động dịch vụ công. 

Như vậy với Nghị định số 60/NĐ-CP, các quy định cụ thể về dịch vụ khoa học công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức khoa học và công nghệ công lập tăng dần tỷ lệ tự chủ về tài chính theo hướng đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước.  

Dịch vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước của Viện SSTTCN

Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp là đơn vị thực hiện dịch vụ khoa học và công nghệ có phạm vi phân tích và thử nghiệm rộng nhất ở Việt Nam hiện nay trong lĩnh vực gốm sứ thủy tinh. 

Về phạm vi dịch vụ khoa học và công nghệ: Hệ thống phân tích và thử nghiệm của Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp bao gồm 11 bộ chỉ tiêu với 30 chỉ tiêu thử nghiệm hóa học và cơ lý đối với các nguyên vật liệu, sản phẩm gốm sứ thủy tinh.

Các chỉ tiêu về cơ lý bao gồm: Hệ số giãn nở nhiệt; phân tích nhiệt TG-DTA; độ trắng; phân tích thành phần hạt micromet và nanomet; diện tích bề mặt riêng; độ hút nước; độ bền nén, độ bền uốn; độ co sấy, co nung; ứng suất thủy tinh; độ bóng bề mặt; độ cứng. Các chỉ tiêu về hóa bao gồm: lượng thôi ra của chì và cadimi; hàm lượng các oxit kim loại (CaO, K2O, Na2O, Al2O3, MgO, Fe2O3, TiO2, SiO2); thành phần các nguyên tố hóa học, hàm lượng các kim loại nặng; thành phần khoáng vật. 

Hệ thống phân tích và thử nghiệm của Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp bao gồm 11 bộ chỉ tiêu. Trong ảnh: Vận hành máy nghiền siêu mịn gia công nguyên liệu gốm sứ

Về năng lực dịch vụ khoa học và công nghệ: 11 bộ chỉ tiêu với 30 chỉ tiêu thử nghiệm hóa học và cơ lý đối với các nguyên vật liệu, sản phẩm gốm sứ thủy tinh được thực hiện trên hệ thống thiết bị được kiểm định theo quy định và đội ngũ nhân lực đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật và quản lý chất lượng. 

Các thiết bị thí nghiệm, thử nghiệm tiêu biểu bao gồm: Máy quang phổ hấp thụ nguyên tử AAS; Máy quang phổ huỳnh quang tia X – XRF; Máy quang phổ nhiễu xạ tia X – XRD; Thiết bị đo thành phần cỡ hạt nanomet; Thiết bị đo hệ số giãn nở nhiệt. Đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ thực hiện dịch vụ phân tích kiểm định đều có trình độ đại học từ các trường đại học trong và ngoài nước về kỹ thuật hóa học, công nghệ vật liệu silicate và các ngành liên quan khác. Với các trang thiết bị và đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ như trên, các dịch vụ phân tích và thử nghiệm chuyên ngành gốm sứ, thủy tinh của Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp luôn đạt được mục tiêu là: “chính xác - khách quan -  nhanh chóng - hiệu quả ”.

Về hệ thống quản lý dịch vụ khoa học và công nghệ: Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp là đơn vị có dịch vụ phân tích và thử nghiệm được công nhận phù hợp theo ISO/IEC 17025:2017 có phạm vi rộng nhất ở Việt Nam trong lĩnh vực gốm sứ thủy tinh. Hệ thống phân tích và thử nghiệm của Viện đã được cấp Chứng nhận hoạt động thử nghiệm và Công nhận phù hợp theo ISO/IEC 17025:2017.

Như vậy, với năng lực, phạm vi và đáp ứng các yêu cầu về dịch vụ khoa học và công nghệ của Viện, các quy định về dịch vụ khoa học công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước tại Nghị định số 60/NĐ-CP đã đang và sẽ ngày càng tăng trong việc: Thúc đẩy dịch vụ khoa học và công nghệ góp phần thực hiện các định hướng, chỉ đạo, quy định của Đảng và Nhà nước về dịch vụ khoa học và công nghệ; Cung cấp các dịch vụ khoa học và công nghệ góp phần thúc đẩy phát triển ngành gốm sứ thủy tinh công nghiệp trong giai đoạn tới đặc biệt là giai đoạn 2030- 2045; Tiềm năng phát triển của dịch vụ khoa học công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước tại Viện là rất lớn. Để thúc đẩy các dịch vụ khoa học công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước tại Viện cần có các giải pháp cụ thể. 

Trong giai đoạn tới Viện chú trọng tận dụng các nguồn lực đầu tư trang thiết bị phân tích, thử nghiệm, chứng nhận, giám định nguyên liệu, thiết bị, công nghệ và sản phẩm gốm sứ thủy tinh kỹ thuật. 

Giải pháp đẩy mạnh dịch vụ khoa học công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước của Viện 

Từ các phân tích trên, với sự cho phép về tự chủ sử dụng tài sản và các nguồn lực ở đơn vị để cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định số 60/NĐ-CP, định hướng phát triển các dịch vụ khoa học công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước của Viện là: “Phát triển dịch vụ khoa học công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước đồng thời theo cả chiều rộng và chiều sâu chú trọng vào phát triển lĩnh vực dịch vụ gốm sứ thủy tinh kỹ thuật kết hợp với xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tuyên truyền nâng cao nhận thức và tận dụng các cơ hội đầu tư đổi mới các trang thiết bị thí nghiệm, thử nghiệm hiện đại đồng bộ từ chế biến nguyên liệu đến sản xuất sản phẩm”. 

Quy trình giao nhận mẫu phân tích thử nghiệm của Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh công nghiệp với nguyên tắc lấy khách hàng làm trung tâm 

Các giải pháp cụ thể như sau:

1. Phát triển dịch vụ vụ khoa học công nghệ theo chiều rộng: Mở rộng phạm vi dịch vụ khoa học và công nghệ từ phân tích thử nghiệm đến chứng nhận, giám định đối với nguyên liệu, thiết bị, công nghệ và sản phẩm gốm sứ thủy tinh công nghiệp. Tiếp tục đáp ứng các yêu cầu về quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ. Duy trì và cải tiến liên tục hệ thống quản lý các hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ ISO/IEC 17025:2017 (VILAS). 

2. Phát triển dịch vụ vụ khoa học công nghệ theo chiều sâu: Từng bước đáp ứng nhu cầu phân tích, thử nghiệm, chứng nhận, giám định nguyên liệu, thiết bị, công nghệ và sản phẩm gốm sứ thủy tinh kỹ thuật tiên tiến cách điện, cách nhiệt, chịu mài mòn, chịu hóa chất; gốm sứ thủy tinh ứng dụng cho công nghệ cao như pin mặt trời, cáp sợi quang và chất bán dẫn. 

3. Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn: Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phục vụ quản lý nhà nước và làm nền tảng cho phát triển dịch vụ phân tích, thử nghiệm, chứng nhận, giám định các sản phẩm gốm sứ thủy tinh công nghiệp dân dụng và kỹ thuật.    

4. Tuyên truyền nâng cao nhận thức: Từng bước phổ biến thông tin về dịch vụ khoa học công nghệ về ngành gốm sứ thủy tinh công nghiệp đến các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu và sản phẩm gốm sứ thủy tinh công nghiệp phối hợp với dịch vụ chuyển giao công nghệ, tư vấn công nghệ. 

5. Đầu tư trang thiết bị thử nghiệm: Đầu tư trang thiết bị phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn tránh lãng phí. Đầu tư trang thiết bị thử nghiệm phù hợp với trình độ phát triển của ngành gốm sứ thủy tinh công nghiệp trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Trong giai đoạn tới chú trọng tận dụng các nguồn lực đầu tư trang thiết bị phân tích, thử nghiệm, chứng nhận, giám định nguyên liệu, thiết bị, công nghệ và sản phẩm gốm sứ thủy tinh kỹ thuật.

Với các quy định cụ thể về dịch vụ sự nghiệp công nói chung và dịch vụ sự nghiệp khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước nói riêng, Nghị định số 60/NĐ-CP tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức khoa học công nghệ phát triển các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước. 

Thực hiện các hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước mở ra một định hướng phát triển mới và tăng dần tỷ lệ tự chủ về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ, tạo nguồn lực từng bước chuyển dịch sang nghiên cứu các công nghệ dẫn dắt đáp ứng yêu cầu phát triển ngành gốm sứ thủy tinh công nghiệp trong giai đoạn mới tại Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp.

TS. Chu Văn Giáp
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp, Bộ Công Thương


 Nguồn:khcncongthuong.vn - moit.gov.vn

Link nội dung: https://vsta.org.vn/vien-nghien-cuu-sanh-su-thuy-tinh-cong-nghiep-day-manh-tu-chu-tai-chinh-21134.html