Theo báo cáo, phần lớn các doanh nghiệp trong nước tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 98% tổng số doanh nghiệp và chiếm 1/2 lực lượng lao động. Khoảng 20% hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế do thiếu quy mô, công nghệ và mức độ tinh vi về kinh doanh để có thể tăng năng suất và mở rộng thị trường.
Báo cáo cũng chỉ ra nhiều cơ hội để cải thiện năng suất doanh nghiệp thông qua việc ứng dụng và phổ biến công nghệ tại Việt Nam. Về công nghệ kỹ thuật số, kết quả khảo sát mới đây về áp dụng công nghệ (2020) cho thấy, với các loại hình kinh doanh khác nhau, trung bình chỉ có 20% doanh nghiệp sử dụng quy trình số hóa hoàn chỉnh trong triển khai các chức năng kinh doanh chung (GBF) tại Việt Nam - bao gồm tiếp thị, thanh toán, lập kế hoạch sản xuất để hỗ trợ bán hàng và quản lý chuỗi cung ứng, bán hàng.
Ví dụ, trong khi hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam có thể thực hiện bán hàng trực tuyến, chỉ có 1% doanh nghiệp bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng sử dụng một số phương thức bán hàng kỹ thuật số thường xuyên hơn các phương pháp khác, hoặc thông qua nền tảng xã hội hoặc (thông thường) trên website của riêng họ. Điều này được thể hiện trong chỉ số kỹ thuật số ở mức 0,1 với hoạt động bán hàng. Mặt khác, có 51% doanh nghiệp sử dụng các công nghệ kỹ thuật số trong hoạt động tiếp thị và quảng cáo. Trong tương lai, Việt Nam sẽ cần tăng cường mức độ sẵn sàng ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số và nền sản xuất linh hoạt hơn trước các thách thức hiện hữu song hành cùng cú sốc của đại dịch COVID-19.
Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế về áp dụng công nghệ kỹ thuật số tồn tại trong tự động hóa các ngành sản xuất. Có lẽ do chi phí lao động còn thấp, số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam có sử dụng các công nghệ Công nghiệp 4.0 như in 3-D, robot còn ít. Việc chỉ có 29% doanh nghiệp sử dụng máy móc được điều khiển bởi máy tính, công nghệ kỹ thuật số của Công nghiệp 3.0 và chỉ 8,7% sử dụng công nghệ này một cách tích cực, hiệu quả là vấn đề đáng lưu ý.
Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục tích lũy năng lực đổi mới, trước hết thông qua chuyển đổi các quy trình sang sử dụng các công nghệ kỹ thuật số sau đó tiến tới các công nghệ công nghiệp 4.0 phức tạp hơn. Lợi ích mang lại từ hoạt động này có thể rất lớn.
Theo các chuyên gia, để thực hiện trọng tâm chiến lược về đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, Việt Nam cần nỗ lực thúc đẩy sự điều phối liên ngành hiệu quả và áp dụng các thực tiễn tốt nhất trong thiết kế và thực thi chính sách đổi mới sáng tạo. Việt Nam cần tái định hướng khung chính sách KHCN và Đổi mới sáng tạo ở tầm chiến lược: Chuyển từ quan điểm tập trung cho hoạt động tạo ra các sản phẩm khoa học và công nghệ, và đổi mới sáng tạo dựa trên nghiên cứu và phát triển (R&D) sang thúc đẩy đổi mới sáng phi R&D và phổ biến các công nghệ mới. Sự chuyển hướng chiến lược này dẫn tới các thay đổi quan trọng về thể chế.
Thứ nhất, chính sách hỗ trợ KHCN và đổi mới sáng tạo sẽ đòi hỏi các cơ quan thực hiện phải phối hợp chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thứ hai, việc triển khai các giải pháp ưu tiên thúc đẩy năng lực hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo phi R&D trở nên ngày càng quan trọng. Thứ ba, các nhà hoạch định chính sách cần cho phép đối tượng thụ hưởng tiếp cận các giải pháp đa ngành, vốn dựa trên bản chất xuyên ngành của đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Trong thời gian tới cần tăng cường phối hợp thực hiện chính sách liên ngành và nâng cao năng lực thể chế để cung cấp dịch vụ có chất lượng cho doanh nghiệp. Việc cải thiện năng lực điều phối đòi hỏi phải rà soát lại mô hình hiện có vốn đang dẫn đến sự phân tán về cách tiếp cận và phân bổ nguồn lực giữa các tổ chức. Cần xây dựng năng lực thể chế mới để tập trung đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp và thiết kế, triển khai chương trình hỗ trợ có chất lượng.
Báo cáo Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam là sản phẩm của Chương trình Hỗ trợ Phân tích và Tư vấn (ASA) của Ngân hàng Thế giới về Nâng cao Đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, được xây dựng theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam và được tài trợ bởi Chương trình quan hệ Đối tác chiến lược giữa Chính phủ Úc và Nhóm Ngân hàng Thế giới giai đoạn II (ABP2).
Báo cáo cung cấp các phân tích hỗ trợ quan trọng cho xây dựng Chiến lược Khoa học, Công nghệ, và Đổi mới sáng tạo và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam. Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mới kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, hướng tới tăng trưởng cao và bền vững cho Việt Nam.
Tác giả: Ngọc Hân - moit.gov.vn
Link nội dung: https://vsta.org.vn/con-nhieu-du-dia-cho-tang-cuong-doi-moi-sang-tao-va-so-hoa-trong-doanh-nghiep-21276.html