Nghiên cứu phát triển trong doanh nghiệp, thực trạng tại Việt Nam

Trong mỗi doanh nghiệp, bộ phận R&D có thể được tổ chức dưới hình thức có phòng kỹ thuật, phòng công nghệ hay phòng R&D hoặc được tổ chức dưới hình thức khác như có các dự án, chương trình nghiên cứu trong doanh nghiệp (DN) có sự phối hợp với các viện nghiên cứu, các trường đại học

Vai trò của hoạt động nghiên cứu phát triển trong doanh nghiệp

          Trong mỗi doanh nghiệp, bộ phận R&D có thể được tổ chức dưới hình thức có phòng kỹ thuật, phòng công nghệ hay phòng R&D hoặc được tổ chức dưới hình thức khác như có các dự án, chương trình nghiên cứu trong doanh nghiệp (DN) có sự phối hợp với các viện nghiên cứu, các trường đại học,…Hoạt động R&D trong doanh nghiệp có 4 vai trò cơ bản sau:

          - Tăng cường năng lực công nghệ, dễ tiếp cận và thích ứng với việc nâng cấp, đổi mới công nghệ;

          - Nâng tầm vị thế của đơn vị;

          - Thuận lợi trong việc tiếp cận, xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường khó tính;

          - Giúp cho doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển bền vững.

          Các DN dẫn đầu thị trường luôn có tỷ lệ đầu tư vào R&D cao nhất. Tuy nhiên, R&D là đầu tư mạo hiểm và khó kiểm soát hiệu quả hơn so với các hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường vì DN khó có thể tính toán trước giá thành và hiệu quả. Nhưng nếu không đầu tư vào R&D, DN lại khó giữ được vị trí cạnh tranh.

          Vì vậy, việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới cũng như cải tiến/đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất là hoạt động quan trọng và đem lại nhiều lợi ích cho DN như tạo ra lợi thế cạnh tranh so với đối thủ, tăng thị phần và lợi nhuận độc quyền.

          Thực trạng hoạt động nghiên cứu phát triển các doanh nghiệp tại Việt Nam

          Tại Việt Nam, số DN tham gia đầu tư cho R&D chưa nhiều. Một số nhân tố ảnh hưởng đến số lượng doanh nghiệp đầu tư R&D phải kể đến: nhận thức của doanh nghiệp, tiềm lực tài chính, cơ chế chính sách, nhân lực…

          Về nhận thức và văn hóa R&D của các doanh nghiệp tại Việt Nam

          Ở nước ta, DN nhỏ và vừa chiếm 96,7% tổng số doanh nghiệp cả nước, do đặc thù về quy mô doanh nghiệp, tư duy hoạt động, hầu hết hoạt động R&D không có  hoặc thiếu bộ phận chuyên trách đảm nhiệm mà thường được lồng vào một trong các bộ phận của DN như bộ phận sản xuất, bộ phận bán hàng,… Tuy nhiên, việc quan tâm tới hoạt động này vẫn thường được đặt ra trong chiến lược phát triển của DN.

          Thực tế cho thấy, từ nhiều năm trước, một số DN đã có ý thức tự làm chủ công nghệ, từ việc phát triển, nghiên cứu cho đến sản xuất, phân phối đã giúp các DN này gia tăng giá trị cho sản phẩm, lợi nhuận thu được cũng cao hơn so với việc phải đi nhập khẩu, mua bản quyền từ các DN khác. Ví dụ, cách đây 3 năm, Tập đoàn Sunhouse đã đầu tư nguồn vốn khổng lồ, lên tới hàng triệu USD vào mở rộng hệ thống nhà máy mới, đầu tư vào hoạt động R&D nhằm hoàn thiện chuỗi sản xuất, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng của dòng sản phẩm phục vụ thị trường nội địa và xây dựng quy chuẩn sản phẩm xuất khẩu đạt chuẩn quốc tế.

          Bên cạnh đó, các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D) của DN đầu tư nước ngoài (FDI) xuất hiện ở Việt Nam ngày một nhiều đang phần nào giúp khối DN trong nước định hình lại tư duy kinh doanh trong thời đại mới, tạo ra môi trường giúp Việt Nam cạnh tranh trong vai trò trở thành nước sản xuất công nghệ cao hơn là thay thế vai trò công xưởng giá rẻ từ Trung Quốc.

          Tuy nhiên, số lượng DN nhận thức được sự cần thiết của việc đầu tư R&D đang chiếm tỷ lệ thấp. Một số DN trích lập Quỹ phát triển khoa học, công nghệ hàng năm, nhưng không dùng đến, sau đó phải hoàn nhập. Theo số liệu do Tổng Cục thuế cung cấp năm 2019 cho thấy: cả nước có 138.139 DN thành lập mới, tăng 5,2% so với năm 2018 nhưng số DN trích lập Quỹ lại giảm từ 181 DN( 2018) chỉ có 164 DN(2019). Trong top 10 DN có số trích lập và sử dụng Quỹ nhiều nhất thì 70% là thuộc khối DN nhà nước.

          Một khảo sát thực hiện bởi Khối Thương mại và Cạnh tranh thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới gần đây cho biết, các DN Việt Nam chi 1,6% doanh thu hàng năm cho hoạt động R&D, thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực như Lào (14,5%), Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%), Campuchia (1,9%).

 

Tỷ lệ DN đầu tư cho R&D so với các nước trong khu vực. Nguồn: World bank         

Tuy nhận thức của DN về đầu tư cho R&D đã thay đổi nhưng số lượng DN thực hiện được lại chưa nhiều.

          Về nguồn vốn

          DN còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Cụ thể: 86% DN phải sử dụng vốn tự có cho hoạt động R&D. Thực tế, các DN muốn đầu tư cho R&D đều là DN có quy mô và nguồn vốn cho R&D sẽ được trích từ lợi nhuận. Theo thống kê, 11% DN phải đi vay tín dụng để đầu tư cho hoạt động này. Chỉ có khoảng 3% DN có thể tiếp cận nguồn ngân sách hỗ trợ của Chính phủ. Việc thu hút FDI cũng chưa đạt được thành công như mong đợi.

          Ngoài ra, lý do thị trường khoa học công nghệ chưa phát triển cũng khiến DN gặp khó khăn khi muốn đầu tư R&D. Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự thiếu hụt về tài chính khiến mức độ sẵn sàng của DN đáng lo ngại, tỷ lệ DN có sử dụng các công nghệ điện toán đám mây, in 3D, robot tiên tiến, cảm biến, ứng dụng dữ liệu lớn…là rất thấp.
 

Tỷ lệ công nghệ được ứng dụng trong DN. Nguồn: Tổng cục Thống kê

         

Về cơ chế chính sách

          Trong những năm gần đây, Chính phủ không ngừng triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện khung pháp lý nhằm đổi mới, tạo động lực cho DN phát triển.

          Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, điều chỉnh tiêu chí DN công nghệ cao nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí xác định DN công nghệ cao mới.

          Để thu hút đầu tư vào R&D, hoạt động đổi mới sáng tạo, Việt Nam đã quyết định xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, khởi công vào cuối năm 2020. Mục tiêu NIC là trung tâm đổi mới sáng tạo duy nhất mà Chính phủ có một nghị định riêng để trao cho các thể chế vượt trội, tạo điều kiện phát triển và hoạt động hiệu quả.

          Do sự bùng phát của Covid-19 cản trở hoạt động kinh doanh, Việt Nam đã ban hành Nghị định số 37/2020 / NĐ-CP (Nghị định 37) vào ngày 30 tháng 3 năm 2021 để cập nhật danh sách các ngành và lĩnh vực tiếp cận ưu đãi đầu tư.

          Một số DN điển hình đầu tư cho R&D

          DN hiểu rõ việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) là giải pháp an toàn và bền vững giúp các DN nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập sâu vào thị trường trong nước và quốc tế. Vì thế, nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư và đạt được hiệu quả cao. Một số ví dụ như:

          Khối DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: Samsung đã đầu tư hơn 17 tỷ đô la vào Việt Nam với các nhà máy sản xuất điện thoại, sản xuất hàng gia dụng và 220 triệu USD xây dựng riêng một Trung tâm R&D tại Hà Nội, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022, thu hút 3.000 kỹ sư tới làm việc và sẽ không chỉ tập trung vào việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm, mà còn ở các lĩnh vực đang là xu hướng của thế giới như trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), mạng 5G.

          Ngoài Samsung, các DN công nghệ khác đã chọn Việt Nam làm điểm đầu tư R&D. Trước đó, LG được cho là sẽ mở trung tâm thứ hai tại Đà Nẵng. Panasonic, Toshiba, cũng đã có các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Mới đây nhất, Qualcomm đã công bố phòng thí nghiệm duy nhất của mình ở Đông Nam Á tại Hà Nội với quy mô 4 phòng lab, tập trung vào các công nghệ có vai trò quan trọng hàng đầu hiện nay, như sóng radio 4G/5G, camera, một phòng chuyên nghiên cứu cải thiện hiệu năng và pin cho thiết bị di động và một phòng giả lập môi trường mạng để phục vụ thị trường Mỹ, châu Âu.
 

Một số DN đạt được hiệu quả cao khi đầu tư cho R&D

          Với khối DN trong nước: Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đã mở rộng hợp tác với các viện nghiên cứu công lập, hợp tác quốc tế trong chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, hợp tác với các nhà chọn tạo giống hàng đầu Việt Nam… Nhờ đó, DN này đã sản xuất được những hạt gạo lọt top gạo ngon nhất thế giới, xuất khẩu thành công sang Hà Lan, Cộng hòa Séc và Australia.

Mô hình điển hình nhất về phát triển công nghiệp hỗ trợ tiến tới R&D tại Việt Nam là VinGroup với hai dòng sản phẩm xe Vinfast và điện thoại VinSmart. Nhờ vào việc mua bản quyền sản xuất công nghệ pin lithium của LG, VinGroup đã có dây chuyền sản xuất pin lithium riêng, sở hữu nhiều chuyên gia hàng đầu, đào tạo được lớp nhân lực mới phù hợp với công nghệ phát triển để sẵn sàng cho bước chuyển sản xuất các sản phẩm R&D của mình.

          Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông là một trong những DN có tỷ lệ trích lợi nhuận đầu tư R&D thuộc top đầu trong các DN trên sàn niêm yết là 20% lợi nhuận sau thuế. DN đã sớm thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển từ năm 2011, với hơn 40 nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, trường đại học lớn. Kết quả, hàng năm DN cho ra đời những sản phẩm mới đột phá ứng dụng vào mọi lĩnh vực nông nghiệp hay chiếu sáng nhân tạo duy trì tăng trưởng doanh thu bình quân trong 10 năm qua đạt 13%/năm.

          Hay như Công ty cổ phần Vicostone đạt mức tăng trưởng bình quân doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 30%/năm và 80%/năm trong 10 năm qua. Để đạt được kết quả này DN đã đầu tư bốn trung tâm, phòng R&D, ba viện nghiên cứu và trường đại học cùng với việc trích doanh thu hàng năm làm chi phí nghiên cứu.

          Qua đó cho thấy, tầm quan trọng của đầu tư vào R&D và đổi mới sáng tạo là chìa khóa vàng giúp tăng trưởng kinh tế. Ở góc độ DN, DN có đầu tư cho R&D có hiệu quả hoạt động tốt hơn hẳn.

 

Nguồn: Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ

Link nội dung: https://vsta.org.vn/nghien-cuu-phat-trien-trong-doanh-nghiep-thuc-trang-tai-viet-nam-21287.html