Nghiên cứu ứng dụng một số marker sinh học trong chẩn đoán sớm, tiên lượng nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn

Chiều 27/9, tại Sở KH&CN thành phố Hải Phòng, Hội đồng KH&CN thành phố tổ chức Hội nghị tư vấn, đánh giá, nghiệm thu kết quả nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu ứng dụng một số marker sinh học trong chẩn đoán sớm, tiên lượng nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp”. Đề tài do Ths. Bs Lê Bá Long - Trưởng khoa Hồi sức tích cực và các cộng sự thực hiện. Phó Giám đốc Sở Y tế - ông Phan Huy Thục chủ trì hội nghị.

Hiện nay, có một số dấu ấn sinh học được sử dụng để tiên lượng sự tiến triển của nhiễm khuẩn huyết (NKH) và sốc nhiễm khuẩn (SNK) như C-reactive protein và Procalcitonin. Tuy nhiên, C-reactive protein và Procalcitonin có giá trị thấp trong tiên lượng. Các nghiên cứu gần đây cho thấy các marker này không thể giúp phân biệt giữa NKH và hội chứng đáp ứng viêm hệ thống. Chính vì vậy, đề tài đã mở ra một hướng nghiên cứu mới tập trung vào vai trò của một số maker sinh học phân tử trong NKH, phục vụ cho công tác chẩn đoán và tiên lượng kịp thời, hạn chế tiến triển của bệnh đến giai đoạn SNK.



Quang cảnh Hội nghị

 

Trong thời gian từ tháng 7/2019 đến tháng 9/2021, nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu trên 85 bệnh nhân (45 bệnh nhân NHK và 40 bệnh nhân SNK) về định lượng các marker sinh học: Angiopoietin-1, Angiopoietin-2, Interleukin-17 (IL-17), IL-23 và IL-27 trong máu của các bệnh nhân NHK, SNK tại các thời điểm: ngày thứ 1, 3, 7, 14 nhập viện và nhóm chứng.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, nồng độ Angiopoietin-2 tăng cao ở nhóm bệnh nhân NKH và SNK so với nhóm chứng và có xu hướng giảm theo thời gian điều trị. Nồng độ này có tương quan với nồng độ của các marker Angiopoietin-1, IL-17, IL-27 và có tương quan chặt chẽ với các chỉ số lâm sàng và cận lâm sàng như: nồng độ Lactate, Procalcitonin, Creatinin máu và Bilirubin. Điều này cho thấy Angiopoietin-2 có vai trò rất quan trọng trong sinh bệnh học của NKH và SNK.

Trong khi đó, nồng độ Angiopoietin-1 cũng  tăng lên ở nhóm bệnh nhân NKH, SNK và có xu hướng tăng lên theo thời gian điều trị. Nồng độ Angiopoietin-1 có tương quan ở mức độ trung bình với các nồng độ Lactate, số lượng tiểu cầu và nồng độ Bilirubin. Vì vậy, nồng độ Angiopoietin-1 ít có giá trị trong chẩn đoán NKH và  tiên lượng SNK.

Nồng độ IL-17 và I-27 giảm ở các bệnh nhân NKH và SNK, trong khi nồng độ IL-23 không khác nhau giữa các nhóm nghiên cứu. Điều đó chỉ ra rằng, nồng độ các marker này không liên quan tới các chỉ số lâm sàng, cận lâm sàng NKH và không có ý nghĩa trong chẩn đoán NKH và tiên lượng SNK.

Đánh giá về đề tài, các thành viên Hội đồng khẳng định, việc xác định các nhóm marker cũng như các yếu tố liên quan, xác định marker quan trọng giúp việc chẩn đoán NKH và tiên lượng SNK trở nên nhanh và chính xác hơn, giảm nguy cơ tử vong cho các bệnh nhân NKH và SNK./.

Nguồn: Sở KH&CN thành phố Hải Phòng

Link nội dung: https://vsta.org.vn/nghien-cuu-ung-dung-mot-so-marker-sinh-hoc-trong-chan-doan-som-tien-luong-nhiem-khuan-huyet-va-soc-nhiem-khuan-21291.html