Nghiên cứu sản xuất sinh khối nấm men giàu protein bằng công nghệ lên men các nguyên liệu giàu bột đường

Trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2019, ThS. Lê Quang Thành cùng các cộng sự tại công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi Thái Dương đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu sản xuất sinh khối nấm men giàu protein bằng công nghệ lên men các nguyên liệu giàu bột đường”.

Đề tài nhằm mục tiêu tạo được sản phẩm giàu protein bằng công nghệ lên men cao sản từ ngũ cốc và rỉ mật để thay thế đỗ tương và các nguồn protein nhập khâỉ khác trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Sau gần 4 năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả sau:

- Đã chọn lọc được 3 chủng nấm men có khả năng tạo sinh khối và có chức năng probiotic, bao gồm 2 chủng có khả năng tạo sinh khối cao (chủng N1 và N2) và 1 chủng có chức năng probiotic (chủng N3). Những chủng này đã được giải trình tự gen định loại chủng loài.

- Đã tạo ra 2 sản phẩm: sản phẩn protein nấm nem (tên thương mại là PKM-SAN) dạng khô có hàm lượng protein > 46%, dạng sệt có protein >9%, dạng lỏng protein > 4,5%; sản phẩm probiotic nấm men (tên thương mại Acti-SAN) dạng khô có mật độ tế bào >1x109 CFU/ml, dạng lỏng có mật độ tế bào >1x109 CFU/g. Đã sản xuất thành công 120 tấn PKM-SAN dạng lỏng, 120 tấn Acti-SAN dạng lỏng.

- Đã nghiên cứu thành công quy trình sử dụng 2 sản phẩm của đề tài trong chăn nuôi lợn. Tỷ lệ PKM-SAN 8,3% ở đối tượng lợn con và 4,1% ở đối tượng lợn choai và hậu bị là tối ưu. Liều Acti-SAN 2kg/tấn thức ăn ở đối tượng lợn con và 1kg/tấn thức ăn ở đối tượng lợn choai và hậu bị là tối ưu.

- Đã xây dựng được một quy trình sản xuất protein nấm men (PKM-SAN), 1 quy trình sản xuất probiotic nấm men (Acti-SAN), 1 quy trình sản xuất, sử dụng protein nấm men và probiotic nấm men trong chăn nuôi lợn.

- Đã hoàn thiện đầu tư và lắp đặt xong dây chuyền công nghệ sản xuất protein nấm men (PKM-SAN) và probiotic nấm men (Acti-SAN). Tổng đầu tư lên tới 167 tỷ đồng, công suất lắp đặt 15.000 tấn lỏng/ngày đêm. Trình độ công nghệ tự động hóa 99% từ khâu nạp liệu đến khâu đóng gói sản phẩm. Ngoài ra, đề tài cũng đã hoàn thiện lắp đặt phòng thí nghiệm, bao gồm các thiết bị thí nghiệm đạt tốp đầu của châu Âu. Đồng thời, đã đào tạo thành công 10 cán bộ đạt trình độ và kỹ năng vận hành phòng thí nghiệm.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16724/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

N.P.D (NASATI)

Link nội dung: https://vsta.org.vn/nghien-cuu-san-xuat-sinh-khoi-nam-men-giau-protein-bang-cong-nghe-len-men-cac-nguyen-lieu-giau-bot-duong-21326.html