Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh nghiệp của nền kinh tế và có xu thế gia tăng ngày càng mạnh mẽ. Ở Việt Nam, DNNVV chiếm trên 95% tổng số doanh nghiệp. DNNVV giữ vai trò quan trọng trong việc ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cung cấp cho thị trường nhiều loại hàng hóa đa dạng ở mọi lĩnh vực, tạo ra nhiều sự lựa chọn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thúc đẩy sức tiêu thụ của nền kinh tế. DNNVV tạo ra nhiều việc làm, kết nối với các doanh nghiệp lớn tạo mạng lưới hỗ trợ phát triển cho hầu hết các ngành nghề. Để đẩy mạnh phát triển DNNVV việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là hết sức quan trọng. Công tác hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững trên thị trường.
Những năm gần đây Trung tâm Thiết kế, chế tạo và thử nghiệm thuộc Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã có nhiều hoạt động tư vấn, đổi mới/cải tiến quy trình công nghệ cho DNNVV, đồng thời kết hợp với đào tạo theo hình thức “cầm tay chỉ việc” nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giúp đội ngũ lao động hiểu và vận dụng được các phương pháp quản trị công nghệ/thiết bị, tiết giảm các chi phí trong sản xuất. Nhờ đó, quy trình sản xuất của dây chuyền thiết bị được hiệu chỉnh phù hợp, chất lượng cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ của doanh nghiệp được nâng cao, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chủ động tìm kiếm thị trường, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Đặc biệt ở các địa phương miền núi khó khăn, công nghệ thiết bị sản xuất của doanh nghiệp còn hạn chế, trình độ lao động ở mức “thấp”, các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp đã mang nhiều ý nghĩa. Như trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn: Công ty Cổ phần Quang Minh Finance hoạt động trong lĩnh vực chế biến tinh bột, sau quá trình khảo sát, tư vấn, hiệu chỉnh, cải tiến quy trình công nghệ kết hợp với đào tạo trực tiếp cho đội ngũ lao động tại công ty, đã mang lại nhiều hiệu quả cụ thể như có phương án quản trị công nghệ/thiết bị, quản trị sản xuất hiệu quả, giảm thiểu đáng kể chi phí sản xuất như chi phí nhân công giảm hơn 10%, chi phí nước giảm 18%, tỷ lệ thu hồi thành phẩm nâng cao hơn 1%; Công ty Cổ phần nông sản Bắc Kạn hoạt động trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm nông sản, sau hoạt động đào tạo kết hợp tư vấn doanh nghiệp đã hiệu chỉnh/bổ sung công nghệ/thiết bị sấy gián tiếp bằng nồi hơi để thay thế cho công nghệ sấy truyền thống, chất lượng, độ đồng đều của sản phẩm được nâng cao, 100% phụ phẩm trong chế biến sản phẩm từ nghệ được sử dụng hiệu quả (làm tinh dầu và phân bón), đội ngũ lao động của công ty đã tiếp cận và vận hành tốt quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty.
Hình ảnh doanh nghiệp nhỏ và vừa được đào tạo kết hợp với tư vấn cải tiến công nghệ
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp lâm vào khó khăn lớn, phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động. Để giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, Trung tâm Thiết kế, chế tạo và thử nghiệm thường xuyên phối hợp với các chuyên gia theo từng lĩnh vực khảo sát đánh giá, trao đổi với doanh nghiệp về hiện trạng và nhu cầu thực tế của một số doanh nghiệp từ đó xác định phương án cải tiến, hiệu chỉnh công nghệ, thiết bị, xây dựng nội dung đào tạo phù hợp, đào tạo kết hợp với tư vấn công nghệ (theo hình thức online và trực tiếp) nhằm giúp cho đội ngũ lao động có thể vận dụng các kỹ năng, phương pháp đã được truyền đạt áp dụng vào sản xuất.
Qua triển khai thực tế cho thấy để công việc hỗ trợ các DNNVV đạt được kết quả cao cần có nhiều thời gian cho quá trình khảo sát, phân tích đánh giá, xác định các nhu cầu, khó khăn “thực” của doanh nghiệp từ đó đưa ra các phương án giải pháp hỗ trợ đồng bộ từ khảo sát, tư vấn, hỗ trợ công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thương hiệu... khi đó kết quả thu được sẽ mang tính “bền vững” cho doanh nghiệp./.
Nguồn: Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ
Link nội dung: https://vsta.org.vn/doi-moi-cach-lam-trong-hoat-dong-ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua-21340.html