Nhật Bản tài trợ Việt Nam thiết bị bảo quản lạnh tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp thủy sản

Chiều 12/10, Lễ ký trực tuyến thỏa thuận tài trợ của Tổ chức Năng suất Châu Á và Chính phủ Nhật Bản dành cho tỉnh Phú Yên đã diễn ra tại 03 điểm cầu: Hà Nội, Thành phố Tuy Hòa, Phú Yên và Tokyo, Nhật Bản. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt tham dự và phát biểu tại buổi Lễ.

Tham dự buổi lễ còn có Ngài AKP Mochtan, Tổng Thư ký Tổ chức Năng suất Châu Á (APO); Ngài Takio Yamada, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam; Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương; Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế.



Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và Ngài AKP Mochtan; Ngài Takio Yamada; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam; Bí thư Tnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương; Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế tại buổi Lễ

 

Tại buổi Lễ, Ngài AKP Mochtan cho biết, đây là hai thiết bị bảo quản lạnh sử dụng công nghệ tiên tiến, độc đáo, hiện đại do các doanh nghiệp của Nhật Bản sản xuất. Mô hình bảo quản này cung cấp thực phẩm tươi sống, thời gian bảo quản thực phẩm tăng từ 3-10 lần so với phương pháp bảo quản lạnh thông thường. Ngài AKP Mochtan cảm ơn sự tin tưởng của Chính phủ Nhật Bản đã giao cho APO thực hiện dự án tại Việt Nam, tin tưởng dự án sẽ tạo sự khác biệt cho tỉnh Phú Yên và hy vọng sẽ tiếp tục được nhân rộng tại các tỉnh, thành khác của Việt Nam.

Ngài Takio Yamada, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, chương trình tài trợ này dành cho 3 nước Việt Nam, Campuchia và Indonesia theo chương trình hợp tác kỹ thuật của APO. “Tôi hy vọng dự án hôm nay sẽ góp phần giải quyết các vấn đề của Phú Yên trong bảo quản sau thu hoạch, đồng thời đào tạo tại chỗ về công nghệ. Mục đích không chỉ phục hồi ngành thủy sản của Phú Yên sau đại dịch Covid-19 mà cả các tỉnh thành khác của Việt Nam”, ngài Takio Yamada nói.

Theo Ngài Takio Yamada, các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm đến sản phẩm cá ngừ đại dương của Phú Yên. Hy vọng công nghệ sẽ giúp đưa sản phẩm cá ngừ tươi ngon của Việt Nam ra thế giới nhiều hơn nữa. Dự án tài trợ này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Nhật Bản.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ Nhật Bản, Ngài Tổng thư ký APO về những hỗ trợ hết sức quý báu đối với Việt Nam và Bộ KH&CN những năm qua, đặc biệt trong xây dựng Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; triển khai chương trình chứng nhận năng suất; hỗ trợ tư vấn và đào tạo trong sản xuất thông minh, nông nghiệp thông minh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số; giúp các doanh nghiệp và địa phương Việt Nam chống chịu tốt hơn trước các thách thức trong và hậu Covid-19.



Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi Lễ

 

Theo Bộ trưởng, Phú Yên là một trong số ít các tỉnh, thành của Việt Nam sớm nhận thức vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội và mới đây, đã có riêng một Nghị quyết của Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Sự ủng hộ, quan tâm sâu sắc và cam kết chính trị của Lãnh đạo Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân Tỉnh dành cho KH&CN đã dần tạo nên sự khác biệt tích cực trong diện mạo phát triển của địa phương.

Dự án của APO sẽ giúp các đặc sản nổi tiếng của Phú Yên như cá ngừ đại dương, sò huyết đầm Ô Loan, tôm hùm Bông, ghẹ sông Cầu, cá Mương sông Ngân Sơn đến với người dân cả nước và vươn ra thế giới.

Bộ trưởng đánh giá cao vai trò của APO với tư cách là tổ chức quốc tế uy tín về năng suất khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong các hoạt động thúc đẩy đổi mới năng suất và hỗ trợ các nền kinh tế thành viên khắc phục, giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng đây là một trong những kinh nghiệm tiêu biểu trong việc lựa chọn đối tượng thụ hưởng, qua đó, đưa nguồn lực quốc tế đến với doanh nghiệp, liên kết hợp tác công - tư, song phương và đa phương; trung ương và địa phương vì sự phát triển bền vững; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và hỗ trợ mục tiêu phát triển dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương và đất nước.

Nhấn mạnh vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết, trong tầm nhìn và chiến lược phát triển của tỉnh, Phú Yên luôn coi trọng vai trò của KH&CN, hướng đến sự phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo. Những khó khăn của đại dịch Covid-19 càng cho thấy sức mạnh của KH&CN trong bảo vệ môi trường, năng suất xanh, phát triển bền vững dựa trên đổi mới sáng tạo và tăng năng suất. Sự đồng hành của APO và Đại sứ Nhật Bản là một trong những cơ hội giúp cho Phú Yên tiếp cận được công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp thủy sản. Bí thư Phạm Đại Dương cũng gửi lời cảm ơn tới Bộ trưởng đã dành nhiều sự quan tâm tới Tỉnh cũng như đánh giá cao thành tựu về tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong các hoạt động hợp tác của APO, đóng góp vào công cuộc phát triển bền vững và ĐMST của Việt Nam.



Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và đại diện các đơn vị thuộc Bộ tại buổi Lễ

 

Trước đó, tại phiên họp thứ 62 của Ban chấp hành APO ngày 08/6/2020, Giám đốc APO quốc gia Nhật Bản đã thông báo Chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp một khoản tài trợ đặc biệt theo chương trình hợp tác kỹ thuật thông qua APO và các tổ chức năng suất quốc gia. Ngày 23/9/2020, APO đã ra thông báo về chương trình hỗ trợ khắc phục hậu quả do Covid-19 gây ra đối với chuỗi cung ứng thực phẩm dành cho Việt Nam, Campuchia và Indonesia. Đây là chương trình hỗ trợ kỹ thuật đầu tiên của APO về thiết bị và tư vấn đào tạo trong lĩnh vực bảo quản thực phẩm, nhằm hỗ trợ các nền kinh tế thành viên được lựa chọn khắc phục hậu quả do Covid-19 gây ra.

Theo đó, Chính phủ Nhật Bản thông qua APO sẽ tài trợ 4 thiết bị bảo quản lạnh gồm 2 container bảo quản lạnh Kuraban 20ft, 1 container bảo quản lạnh 40ft và 1 thiết bị làm đá bào từ nước mặn Sea Snow. Phía tài trợ cũng sẽ cung cấp tư vấn, đào tạo liên quan tại các mô hình điểm được chọn.

Container bảo quản lạnh là thiết bị bảo quản lạnh bằng điện từ trường, cho phép duy trì độ tươi và chất lượng sản phẩm được bảo quản lâu hơn ít nhất 5 lần so với các container làm lạnh thông thường. Sản phẩm bảo quản không bị đóng băng trong suốt quá trình lưu trữ.

Thiết bị làm nước đá bào từ nước mặn (nước biển) See Snow tạo vảy đá xốp như tuyết, có khả năng giữ nhiệt độ ở mức -10C với nồng độ muối 1%, cho phép duy trì độ tươi sống của thủy sản mà không làm tổn hại đến sản phẩm.

Chuỗi giữ lạnh tối ưu sử dụng công nghệ của Nhật Bản mang lại giá trị gia tăng lớn hơn nhiều lần cho nông thủy sản tươi sống. Tổng vốn của dự án tài trợ là 57 triệu Yên Nhật, tương đương 11 tỷ đồng.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Link nội dung: https://vsta.org.vn/nhat-ban-tai-tro-viet-nam-thiet-bi-bao-quan-lanh-tien-tien-trong-linh-vuc-nong-nghiep-thuy-san-21352.html