Ngành thủy sản giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Nuôi trồng thủy sản (NTTS) là một trong những lĩnh vực sản xuất đặc thù, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và khó quản lý, kiểm soát, nên mức độ rủi ro lớn hơn so với các ngành sản xuất nông nghiệp khác. Bên cạnh đó, đánh giá thiệt hại đối với NTTS phụ thuộc rất nhiều vào chi phí thức ăn và ngày tuổi vật nuôi, do vậy việc xác định thiệt hại cần phải xem xét mức độ thiệt hại theo từng giai đoạn thời gian.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Việc đánh giá đúng bản chất, lượng hóa rủi ro, thiệt hại trước hiểm hoạ là bước rất quan trọng trong việc xây dựng các kế họach, các hành động giảm nhẹ, giảm tính dễ bị tổn thương…, do đó, cần có cách tiếp cận theo hướng phù hợp với nhu cầu phát triển hiện nay. Xuất phát từ những lý do nêu trên, TS. Nguyễn Xuân Trịnh (Trung tâm Tư vấn và Quy hoạch phát triển thủy sản) và các cộng sự đã thực hiện “Nghiên cứu đánh giá rủi ro đa thiên tai và thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển đồng bằng Bắc Bộ và đề xuất các giải pháp chính sách chia sẻ rủi ro thiên tai” trong thời gian từ tháng 10/năm 2016 đến tháng 12/năm 2019.
Nghiên cứu được thực hiện đối với đối tượng nuôi trồng thủy sản mặn lợ (nuôi bãi triều, nuôi biển và nuôi mặn lợ vùng nội đồng). Vùng nghiên cứu được thực hiện cho các huyện ven biển thuộc 5 tỉnh ven biển Đồng bằng Bắc Bộ: tỉnh Quảng Ninh (các huyện Yên Hưng, Hạ Long, Vân đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng cái, Cô Tô); TP. Hải Phòng (các huyện Cát Hải, Tiên Lãng, Kiến Thụy, TX. Đồ sơn, Quận Hải An, Thủy Nguyên); tỉnh Thái Bình (các huyện Thái Thụy, Tiền Hải); Tỉnh Nam Định (huyện Hải hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy); tỉnh Ninh Bình (huyện Kim Sơn).
Đề tài đã nghiên cứu lựa chọn phương pháp đánh giá rủi ro đa thiên tai từ việc tổng hợp các rủi ro thiên tai đơn (nhiệt độ, mưa lớn và bão) dựa trên đặc trưng chịu rủi ro của lĩnh vực sản xuất NTTS áp dụng cho ở khu vực ven biển đồng bằng Bắc Bộ. Phương pháp lượng hóa giá trị thiệt hại về kinh tế theo thời gian được đề xuất áp dụng để làm cơ sở xác định chỉ số rủi ro. Bên cạnh đó, đề tài cũng đã xây dựng bản đồ rủi ro và thiệt hại cho đối tượng chủ lực là tôm.
Việc đánh giá rủi ro và thiệt hại đối với NTTS khác biệt với lượng hóa thông thường, khi tiến hành cần phải xác định các yếu tố: (1) Khung cửa sổ thời gian; (2) Độ lớn của thiên tai (tích hợp của cường độ và thời gian xảy ra) và cường độ tại các ngưỡng gây rủi ro; (3) Xác định sự phân bố không gian của các phương thức nuôi; (4) Lượng hóa được giá trị chi phí đầu tư theo thời gian của các hình thức nuôi.
Từ những kết quả nêu trên, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp chính sách chia sẻ rủi ro thiên tai trong bối cảnh nhiều thách thức phát triển đòi hỏi tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị và tác động gia tăng của thiên tai và biến đổi khí hậu; Đề xuất các giải pháp thúc đẩy bảo hiểm theo mô hình liên kết hợp tác xã (liên kết ngang) – liên kết chuỗi sản xuất (liên kết dọc – Tín dụng/Ngân hàng – Bảo hiểm là mô hình phù hợp với thách thức phát triển của lĩnh vực NTTS trong giai đoạn mới của thời kỳ hội nhập. Trong đó, giải pháp bảo hiểm được đề xuất áp dụng theo chỉ số thời tiết khi thời tiết vượt ngưỡng rủi ro để khắc phục vấn đề trục lợi bảo hiểm…/
T.P (Nguồn: Báo cáo tóm tắt đề tài “Nghiên cứu đánh giá rủi ro đa thiên tai và thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển đồng bằng Bắc Bộ và đề xuất các giải pháp chính sách chia sẻ rủi ro thiên tai”/ TS. Nguyễn Xuân Trịnh)
mard.gov.vn