Thực hiện tự chủ tại các viện nghiên cứu tạo đòn bẩy phát triển ngành Công Thương

Vấn đề tự chủ trong các tổ chức sự nghiệp công lập nói chung và tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập nói riêng đã được đề cập nhiều trong thời gian vừa qua. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn việc thực hiện tự chủ tại các đơn vị.

Trong đó có Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác; và Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

Bằng các hướng dẫn chi tiết, các Nghị định hướng dẫn của Chính Phủ đã đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, thực tiễn thời gian qua cho thấy còn tồn tại một số hạn chế. Chính vì vậy, ngày 21/6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP (Nghị định 60) quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập để thay thế cho tất cả các Nghị định kể trên, đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại. 

Hoạt động của nhiều tổ chức KH&CN công lập vẫn chủ yếu dựa vào hỗ trợ từ ngân sách nhà nước mà chưa chủ động thu hút nguồn tài chính từ xã hội. (Ảnh: most.gov.vn)

Bộ Công Thương tích cực triển khai cơ chế tự chủ

​Bộ Công Thương đang  lý mạng lưới các viện nghiên cứu gồm 13 đơn vị, trong đó có 2 viện đã thực hiện cổ phần hóa (chưa kể các viện nghiên cứu trực thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty ngành Công Thương và một số tổ chức KH&CN tại các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ). Trước khi Nghị định 60 được ban hành, việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các viện thuộc Bộ Công Thương được triển khai dựa trên 2 căn cứ pháp lý hướng dẫn việc thực hiện là Nghị định 115/2005/NĐ-CP và Nghị định 54/2016/NĐ-CP.

Bộ Công Thương là một trong những Bộ, ngành rất tích cực trong triển khai thực hiện cơ chế tự chủ. Ngay từ  cuối năm 2006, Bộ Công Thương đã hoàn thành phê duyệt phương án tự chủ cho 15/24 viện thuộc Bộ và có 3 đơn vị chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN. Trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2012, Bộ Công Thương và các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ đã phê duyệt đề án chuyển đổi mô hình hoạt động cho 21 Viện. Cho đến hết năm 2015, tất cả các tổ chức KH&CN thuộc Bộ Công Thương đã chuyển đổi mô hình hoạt động theo quy định của Nghị định 115.

Đối với việc thực hiện cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập theo quy định tại Nghị định 54, Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong số 11 đơn vị, có 7 viện đảm bảo chi thường xuyên; 2 viện đảm bảo một phần chi thường xuyên ở mức từ 30% đến dưới 70%; 1 viện đảm bảo một phần chi thường xuyên ở mức trên 70%.

Mặc dù đã có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện, trong đó có Nghị định 60 mới được Chính phủ ban hành gần đây, nhưng việc chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các viện nghiên cứu trực thuộc Bộ Công Thương còn gặp không ít khó khăn. TS. Nguyễn Mạnh Đạt - Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm bày tỏ áp lực về tự chủ tài chính, trong khi văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng là một vướng mắc cần được nhanh chóng tháo gỡ cho các viện. Các viện nghiên cứu rất cần nguồn thu nhập mới không phụ thuộc theo hình thức cũ để người làm khoa học giảm bớt áp lực về kinh tế, yên tâm theo đuổi nghiên cứu, cống hiến nhiều hơn cho ngành và cho đất nước.

Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Hòa, Nghị định 60/2021/NĐ-CP đã phân loại mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công thành 4 nhóm, gồm đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1), đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 2), đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (nhóm 3) và đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 4). Việc nâng dần mức độ tự chủ chi thường xuyên, tiến tới đảm bảo 100% chi thường xuyên của các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đang có tỷ lệ thấp. Điều này đồng nghĩa với việc cơ quản quản lý nhà nước sẽ cơ cấu lại nguồn ngân sách thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, gây áp lực lớn cho các viện. "Đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị nhằm khuyến khích tính năng động, sáng tạo trong các hoạt động của đơn vị là một trong những định hướng nhiệm vụ của các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2021-2030", Vụ trưởng Trần Việt Hòa nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Hòa tại buổi làm việc với Viện Công nghiệp thực phẩm chiều ngày 7/10/2021

Hóa giải thách thức lớn

Một trong những khó khăn trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tại các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương đó chính là cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học không đáp ứng nhu cầu thực tế. Thực tiễn cho thấy, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã góp phần không nhỏ vào thực hiện cơ chế tự chủ của các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương. Tuy nhiên, tại nhiều đơn vị, các máy móc, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu đều đã lạc hậu. Đây là thách thức lớn của các viện, và nếu không tiếp tục có sự hỗ trợ của nhà nước, các đơn vị này sẽ rất khó khăn khi nâng cao mức thu sự nghiệp trong cơ cấu nguồn thu của mình.

Ngoài ra, một vướng mắc nữa chính là việc huy động vốn. Do các viện hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm nên về nguyên tắc không thể sử dụng tài sản như đất đai để thế chấp vay vốn nên hạn mức tín dụng của các viện thấp không đủ để thực hiện các hợp đồng kinh tế lớn. Do đó, hiện nay nhiều viện phải dùng hình thức tín chấp, rất khó cho việc đầu tư sản xuất kinh doanh.

Trước khi Nghị định 60/2021/NĐ-CP được ban hành, vấn đề chi trả tiền lương cho người lao động luôn là một khó khăn, vướng mắc  lớn đối với các viện nghiên cứu trực thuộc Bộ Công Thương. Cụ thể, trước đây, theo quy định của Nghị định 54, việc vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp chỉ áp dụng đối với tổ chức KH&CN tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư và tổ chức KH&CN tự đảm bảo chi thường xuyên. Chính quy định này đã gây khó khăn cho các viện khi tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, như khó khăn trong việc trả tiền lương, tiền công để giữ chân cán bộ giỏi... Theo PGS. TS Nguyễn Chỉ Sáng –  Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí, các cơ chế chính sách vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của tổ chức KH&CN công lập, khi chỉ được lập quỹ lương bằng 2,5 lần quỹ tiền lương ngạch bậc, hạng chức danh nghề nghiệp, chức vụ và khoản phụ cấp lương do Nhà nước quy định. “Như vậy sẽ không thu hút được nhân tài, thậm chí còn làm chảy máu chất xám, nhất là việc thành lập và điều hành các công ty con của tổ chức KH&CN công lập với mục đích để ứng dụng các kết quả nghiên cứu”, PGS.TS Nguyễn Chỉ Sáng nêu. Đây cũng là vấn đề khó khăn mà Viện Năng lượng gặp phải, việc quy định chi trả lương theo quy định thực sự không thể giúp doanh nghiệp giữ được người tài do mức thu nhập quá thấp. 

Để khắc phục hạn chế này, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đã quy định, từ thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên được trả lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp. Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên hoặc đơn vị do Ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên vẫn chi trả tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp theo quy định hiện hành. "Quy định mới này sẽ khuyến khích các viện và người lao động tăng cường khai thác nguồn thu ngoài Ngân sách Nhà nước, nâng cao mức độ tự chủ tài chính", Vụ trường Trần Việt Hòa nhận định.

Hiệu quả từ tự chủ thành công

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng qua thực tế triển khai cho thấy, vẫn có  "điển hình" đã thực hiện tự chủ thành công và hoạt động hiệu quả hơn nhờ tự chủ. Một trong những đơn vị đó là Viện Nghiên cứu Cơ khí (Narime) – cơ quan nghiên cứu triển khai đầu ngành của nhà nước về khoa học - công nghệ trong lĩnh vực cơ khí - tự động hoá với doanh thu hằng năm hơn 500 tỷ đồng. Ngay từ những giai đoạn đầu khi Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2005/NĐ-CP về việc các tổ chức KH&CN công lập phải hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Ban lãnh đạo Viện đã sớm có những định hướng phát triển trong hoạt động nghiên cứu và sản xuất, kinh doanh. Theo đó, lãnh đạo Viện đã lựa chọn phương án liên kết với một số đơn vị nước ngoài, cùng ngành nghề, có đủ tiêu chí để tham gia đấu thầu các dự án. Với hình thức liên kết này, một mặt Viện dần hoàn thiện được hồ sơ năng lực, mặt khác trong quá trình thực hiện, các cán bộ của Viện cũng học hỏi được kinh nghiệm quản lý dự án quy mô lớn.

Viện Nghiên cứu Cơ khí cung cấp hệ thống thuyền xỉ tại nhiệt điện Nghi Sơn 2

Điển hình như khi thực hiện đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tổ hợp và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600MW”, Viện đã phối hợp với hãng HAM (Đức) trong thiết kế cơ sở, sau đó tự tiến hành triển khai thiết kế chi tiết. Hay như tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Viện đã hợp tác với Eco-Kondo (Nga) thiết kế, cung cấp toàn bộ hệ thống lọc bụi tĩnh điện. Tương tự, khi thực hiện đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống thải tro, xỉ đồng bộ cho nhà máy nhiệt điện đốt than phun có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW’ tại Dự án nhiệt điện Thái Bình 1, Viện đã phối hợp với UCC (Mỹ) trong công tác thiết kế cơ sở, sau đó tự tiến hành triển khai thiết kế chi tiết.

Công ty cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (Viện IMI) cũng là một ví dụ thực hiện tự chủ thành công của ngành Công Thương. Đây là đơn vị nghiên cứu đầu tiên của Bộ Công Thương chuyển thành công ty cổ phần và hoạt động theo đúng Luật Doanh nghiệp. Tiền thân là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương, năm 2012, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành quyết định cổ phần hóa và chuyển Viện IMI thành doanh nghiệp KH&CN theo hình thức công ty cổ phần kể từ ngày 27/12/2013. Ông Hoàng Việt Hồng - Tổng Giám đốc Viện IMI cho biết, tự chủ tàì chính cho phép Viện xây dựng được một cơ chế hoạt động rõ ràng minh bạch, nguyên tắc làm việc thống nhất, cơ chế khuyến khích động viên các nhà khoa học đổi mới sáng tạo,… Qua đó, đã tạo ra hành lang pháp lý thống nhất, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà khoa học, người lao động sáng tạo để tạo ra nhiều giá trị trong hoạt động nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển của IMI.

Trạm trộn bê tông siêu tính năng, kiểu di động do Viện IMI chế tạo được ứng dụng trong sửa chữa mặt cầu Thăng Long

Hoạt động tự chủ theo mô hình doanh nghiệp KH&CN đã giúp Viện IMI chuyển giao thành công nhiều sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất công nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Tiêu biểu, các sản phẩm cơ điện tử đã chuyển giao vào sản xuất công nghiệp: Máy công cụ 3 - 5 trục điều khiển CNC; máy cắt, máy hàn bằng plasma, laser điều khiển CNC; thiết bị đo lường, robot ứng dụng trong công nghiệp: Các loại cân toa xe, cân ô tô, cân băng tải, cân đóng bao tự động; trạm trộn bê tông xi măng tự động,…

“Thông qua các hợp đồng cung cấp thiết bị gắn với chuyển giao công nghệ, các sản phẩm cơ điện tử của Viện IMI đã thay thế nhập ngoại phục vụ tốt cho nhu cầu trong nước và một số sản phẩm công nghệ đã được xuất khẩu. Qua đó, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội tốt như đem lại doanh thu trung bình 500 tỷ đồng mỗi năm cho Viện IMI và các đơn vị thành viên; tiết kiệm ngoại tệ trung bình 5-7 triệu USD/năm”, ông Hoàng Việt Hồng – Tổng Giám đốc Viện IMI nhấn mạnh.

Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp cũng định hướng đẩy mạnh các dịch vụ khoa học công nghệ không sử dụng Ngân sách Nhà nước thực hiện Nghị định số 60/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ nhằm đạt được hiệu quả hoạt động cao hơn nữa trong thời gian tới. "Nghị định 60/2021/NĐ-CP cho phép tự chủ trong sử dụng tài sản và các nguồn lực ở đơn vị để cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng Ngân sách Nhà nước. Do đó, Viện định hướng phát triển dịch vụ khoa học công nghệ không sử dụng Ngân sách Nhà nước đồng thời theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng vào phát triển lĩnh vực dịch vụ gốm sứ thủy tinh kỹ thuật kết hợp với xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tuyên truyền nâng cao nhận thức và tận dụng các cơ hội đầu tư đổi mới các trang thiết bị thí nghiệm, thử nghiệm hiện đại đồng bộ từ chế biến nguyên liệu đến sản xuất sản phẩm", TS. Chu Văn Giáp - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp cho biết. 

Cần giải pháp tạo đòn bẩy phát triển

Để các viện nghiên cứu có bước phát triển mới, tạo đòn bẩy cho sự phát triển chung của ngành Công Thương, theo PGS.TS. Nguyễn Chỉ Sáng - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí, các viện, cần chủ động xây dựng hoặc điều chỉnh định hướng, chiến lược phát triển của từng viện gắn liền với các chương trình phát triển kinh tế xã hội quốc gia, đáp ứng nhu cầu thị trường, chủ động đề xuất Chính phủ, bộ ban hành những cơ chế, chính sách thích hợp về làm chủ công nghệ, tạo lập, phát triển, bảo vệ thị trường.

Về phía quản lý nhà nước, theo PGS.TS. Nguyễn Chỉ Sáng, Chính phủ cần chỉ đạo xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển tổng thể có lồng ghép chương trình nội địa hóa tại các bộ, ngành để các viện có định hướng nghiên cứu xây dựng chiến lược cho riêng mình.

Đoàn công tác Bộ Công Thương đến thăm và làm việc với Viện Nghiên cứu Cơ khí

Một giải pháp khác được đưa ra là tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế tự chủ tài chính, giao tự chủ tài chính cho các viện; tăng số lượng đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và tự bảo đảm chi thường xuyên; quy định rõ về nguồn thu, nhiệm vụ chi, phân phối thu nhập bổ sung, thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Cùng với đó, chuyển mạnh cơ chế cấp phát theo dự toán sang cơ chế thanh toán theo đặt hàng, giao nhiệm vụ gắn với số lượng, chất lượng sản phẩm dịch vụ, giá cung cấp dịch vụ và nhu cầu sử dụng; có lộ trình cụ thể thực hiện cơ chế đấu thầu cung cấp dịch vụ; giảm dần số lượng sản phẩm, dịch vụ thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ.

Bộ Công Thương quản lý 13 viện chuyên ngành thuộc các lĩnh vực từ nghiên cứu chiến lược, chính sách cho đến các lĩnh vực công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp tiêu dùng. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ là một nội dung quan trong trong công tác tái cơ cấu các tổ chức KH&CN nghệ ngành Công Thương. “ Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát khả năng thực hiện tự chủ trong các tổ chức KH&CN. Từ việc rà soát này, sẽ giảm đầu mối và tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động cho Viện nghiên cứu nào thực sự đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu và có nhiều đóng góp cho việc phát triển ngành. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong thời gian tới”, Vụ trưởng Trần Việt Hòa nhấn mạnh.

Tính đến tháng 5 năm 2021, tổng số lao động của các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương là 1.554 người. Tính bình quân, số lao động mỗi viện nghiên cứu là 120 lao động/viện. Trong đó, đơn vị có số lao động nhiều nhất là Viện Nghiên cứu Cơ khí với 294 người, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Luyện kim với 226 người; đơn vị có số lao động ít nhất là Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp với 41 người.

 


 Nguồn:https://khcncongthuong.vn/

Link nội dung: https://vsta.org.vn/thuc-hien-tu-chu-tai-cac-vien-nghien-cuu-tao-don-bay-phat-trien-nganh-cong-thuong-21456.html