Tạo thuận lợi cho nhà khoa học, doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ Khoa học-Công nghệ cấp quốc gia

Trong quá trình tái cơ cấu các chương trình KHCN trọng điểm cấp quốc gia, Bộ KH&CN đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành khác hoàn thiện thể chế, thông tư hướng dẫn để cải cách mạnh mẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho các các nhà khoa học, các tổ chức KHCN, các doanh nghiệp tham gia và triển khai các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia.

 

Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt trao tặng Bằng khen cho những cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện các Chương trình KHCN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 - Ảnh: VGP/Hoàng GiangĐó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tại Hội nghị Tổng kết các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 diễn ra ngày 13/12.

Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt trao tặng Bằng khen cho những cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện các Chương trình KHCN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 - Ảnh: VGP/Hoàng GiangĐó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tại Hội nghị Tổng kết các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 diễn ra ngày 13/12.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng cho rằng, các trọng tâm của cải cách sẽ hướng tới bảo đảm sự kết nối, liên thông, không trùng lặp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Song song với việc xây dựng hoàn thiện khung các chương trình KHCN trọng điểm cấp quốc gia trong giai đoạn mới, cũng cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý từ các khâu xác định nhiệm vụ, tuyển chọn và có đánh giá nghiệm thu... để hoạt động của các chương trình ngày hiệu quả hơn.

Làm chủ nhiều kỹ thuật và công nghệ tiên tiến

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, trong giai đoạn 2016-2020, Bộ KH&CN đã thực hiện chủ trì quản lý với 7 chương trình KHCN trọng điểm cấp quốc gia, bao gồm 6 chương trình thuộc lĩnh vực KHCN và một chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Đến nay, các chương trình đã kết thúc thời gian thực hiện. Theo đó, trên 257 nhiệm vụ KHCN được triển khai bởi hơn 9.700 cán bộ nghiên cứu, các nhà khoa học đầu ngành đến từ 155 đơn vị chủ trì, hàng trăm tổ chức trong và ngoài nước phối hợp nghiên cứu với tổng kinh phí 2.145 tỷ đồng.

Đến nay 97% các nhiệm vụ KHCN của các chương trình đã được đánh giá nghiệm thu với 206 nhiệm vụ có kết quả Đạt và 40 nhiệm vụ có kết quả Xuất sắc.

Thông qua việc triển khai các nhiệm vụ, có trên 380 giải pháp kỹ thuật, quy trình công nghệ được nghiên cứu phát triển, trong đó nhiều kết quả đã đạt được trình độ của các nước tiên tiến trên thế giới như: Công nghệ chế tạo động cơ điện tiết kiệm năng lượng; phương pháp đánh giá rủi ro thiên tai, đặc biệt là lũ lụt đối với cuộc sống con người; quy trình kỹ thuật ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống hoặc người cho chết não; kỹ thuật điều trị hội chứng truyền máu song thai và giải xơ buồng ối bằng laser quang đông; quy trình ứng dụng kỹ thuật giải trình tự gene thế hệ mới trong sàng lọc rối loạn nhiễm sắc thể trước chuyển phôi…

Đối với chương trình khoa học xã hội và nhân văn, các kết quả nghiên cứu đã được chắt lọc thành những báo cáo kiến nghị cho việc xây dựng cơ chế chính sách, hình thành những tri thức để nâng cao nhận thức của xã hội về văn hóa, xã hội và con người và đặc biệt là những đóng góp về luận cứ khoa học trong việc kiến nghị nhằm hoạch định chính sách và hoàn chỉnh cơ chế quản lý. Có nhiều kết quả nghiên cứu đã được chắt lọc, tổng hợp kịp thời và chuyển giao cho Tổ xây dựng văn kiện Đại hội Đảng XIII, góp phần xây dựng và hoàn thiện văn kiện phục vụ Đại hội Đảng.

Chia sẻ về một số kết quả, GS.TS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam, nguyên Giám đốc Học viện Quân y, Chủ nhiệm của Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” (KC.10/16-20) cho hay, sau 5 năm triển khai, chương trình đã thực hiện được 2 vấn đề lớn nhất của lĩnh vực ghép tạng, đó là ghép phổi và điều phối ghép tạng.

“Ghép phổi là kỹ thuật phức tạp nhất trong các tạng ghép, do khó về hồi sức và điều trị sau ghép. Đó là lý do vì sao ghép phổi trên thế giới đi sau ghép tạng khác (thận, tim, gan) 20 năm, còn ở Việt Nam, chúng ta đã tiến hành việc ghép thận từ năm 1992, phải 25 năm sau, nhờ chương trình KC10, chúng ta mới ghép phổi thành công. Ghép phổi thành công đã chấm dứt sự tụt hậu của ghép tạng Việt Nam sau 34 năm so với thế giới”, GS.TS Phạm Gia Khánh cho hay.

Ông Trần Đỗ Đạt, Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước cho biết, việc triển khai các chương trình trong giai đoạn vừa qua, bên cạnh những thuận lợi còn có những khó khăn nhất định. Trong đó, hệ thống các văn bản quản lý đã được ban hành tương đối đầy đủ từ khâu xác định nhiệm vụ đến khâu nghiệm thu thanh lý. Từ đó, đã tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý tổ chức triển khai các chương trình cũng như những cơ quan tổ chức, cá nhân có năng lực nghiên cứu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KHCN, tiến hành đăng ký và triển khai nhiệm vụ…

Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập, một số quy định chưa đồng bộ, chưa bao phủ được những phát sinh từ thực tiễn; chưa đẩy mạnh được cơ chế đặt hàng từ các bộ, ban, ngành, việc triển khai chưa đồng bộ các thông tư liên quan đến cơ chế tài chính đã tạo ra những vướng mắc nhất định…

Bên cạnh đó, hoạt động của các chương trình vẫn còn vẫn còn sự dàn trải về nội dung, chưa có nhiều nhiệm vụ có tính quy mô và phạm vi ứng dụng rộng rãi. Trong bối cảnh lấy DN làm trung tâm phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, số lượng 10% nhiệm vụ của các chương trình KHCN có doanh nghiệp hoặc đơn vị nghiên cứu thuộc doanh nghiệp là đơn vị chủ trì là khiêm tốn.

Ông Trần Đỗ Đạt cho rằng, trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường đặt hàng các nhiệm vụ KHCN từ các bộ, ngành để phục vụ Chiến lược phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Đồng thời, đẩy mạnh sự tham gia, đóng góp của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong việc đề xuất và triển khai thực hiện các nhiệm vụ KHCN, đặc biệt trong các khâu xác định nhiệm vụ, chuyển giao ứng dụng kết quả.

Ngoài ra, cần xem xét bổ sung những quy định nhằm khuyến khích, thúc đẩy hoặc ràng buộc sự liên kết, hợp tác của các tổ chức KHCN, các doanh nghiệp ở các vùng miền, địa phương trong việc phối hợp triển khai các nhiệm vụ, các chương trình KHCN. Qua đó, thúc đẩy sự gắn kết giữa các tổ chức và đặc biệt là sự lan tỏa trong nghiên cứu, phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo.

Theo Hoàng Giang/Báo Chính phủ

Link nội dung: https://vsta.org.vn/tao-thuan-loi-cho-nha-khoa-hoc-doanh-nghiep-trien-khai-cac-nhiem-vu-khoa-hoc-cong-nghe-cap-quoc-gia-21717.html