Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và những nghiên cứu dịch tễ học ở Việt Nam thì những năm gần đây, dưới tác động bởi nhiều yếu tố như: ô nhiễm môi trường, sự tấn công của virus, lạm dụng kháng sinh, áp lực công việc, chế độ dinh dưỡng,... đã gây ra nhiều căn bệnh như: Tim mạch, huyết áp, đột qụy; suy giảm miễn dịch, ung thư; sệnh đường tiêu hóa; siểu đường.... làm cho chi phí chữa bệnh rất tốn kém, nên vấn đề phòng bệnh và phục hồi chức năng cho người bệnh đang được chú trọng hơn. Do đó, sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN) ngày càng phát triển. Hiện nay, xu hướng phát triển mạnh các sản phẩm TPCN từ nguyên liệu tự nhiên kết hợp với nguyên liệu sinh học. Trên thế giới, một số nước có nền y học phát triển (Mỹ, Nga, Canada, Pháp, Nhật...) đã nghiên cứu và sản xuất nguyên liệu công nghệ sinh học: probiotic, enzym, protein (từ vách tế bào vi khuẩn) để sử dụng với nhiều dạng bào chế khác nhau nhằm tăng cường sức khỏe cho con người. Trong khi đó, Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu công nghệ sinh học ngoại nhập. Bởi vậy, vấn đề tự chủ nguồn nguyên liệu công nghệ sinh học có chất lượng ổn định trong nước là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết.
Hình ảnh dây chuyền cấp sạch D của nhà máy sản xuất thành phẩm
Công ty Công ty TNHH Tư vấn Y dược Quốc tế (IMC) có thế mạnh về nghiên cứu, sản xuất TPCN có nguồn gốc thiên nhiên và là một trong những doanh nghiệp tiên phong đầu tư nghiên cứu, sản xuất TPCN chất lượng cao phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Bởi vậy, nhóm nghiên cứu của Công ty IMC do ông Nguyễn Xuân Hoàng đứng đầu đã được Bộ Khoa học và Công nghệ ủng hộ, hỗ trợ thực hiện dự án “Nghiên cứu phát triển và làm chủ công nghệ sản xuất qui mô công nghiệp một số chế phẩm vi sinh, enzym và protein”.
Ứng dụng nguyên liệu công nghệ sinh học nghiên cứu được, kết hợp với các cao chiết xuất từ dược liệu để sản xuất TPCN có công dụng phòng và hỗ trợ điều trị bệnh, góp phần nâng cao sức khỏe cho cộng đồng. Trong đó, sản xuất được 9 nguyên liệu (bao gồm 6 nguyên liệu vi sinh, 2 nguyên liệu protein, 1 nguyên liệu enzym) và 8 sản phẩm TPCN qui mô công nghiệp.
Sau một gian thực hiện, nhóm thực hiện Dự án đã có những đóng góp mới về mặt khoa học - công nghệ của Dự án như sau:
- Làm chủ công nghệ sản xuất 9 nguyên liệu và 8 sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe qui mô công nghiệp.
- Nghiên cứu và ứng dụng làm chủ công nghệ sinh học đặc biệt là công nghệ lên men, công nghệ enzym, công nghệ protein, công nghệ đông khô…
- Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ chiết xuất dược liệu, công nghệ sản xuất cao khô, công nghệ bào chế các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có kết hợp nhiều thành phần nhằm cung cấp cho thị trường các sản phẩm có nguồn gốc sinh học, nguồn gốc tự nhiên có chất lượng ổn định, dùng trong điều trị và hỗ trợ điều trị các bệnh do suy giảm miễn dịch hay bệnh đường tiêu hóa như DeltaImmune, ImmuneGamma, probiotic….
- Chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, không phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, ổn định được quá trình sản xuất các sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe tạo nguồn cung cho thị trường ổn định.
- Tạo động lực xây dựng được 2 nhà máy mới: nhà máy sản xuất nguyên liệu, nhà máy sản xuất thành phẩm đạt GMP HS (tiên phong triển khai GMP HS theo lộ trình hòa hợp ASEAN)
- Tiến tới định hướng xuất khẩu nguyên liệu và sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe ra nước ngoài.
Dự án thành công là bước đột phá, tạo nền tảng trong nghiên cứu công nghệ sinh học và công nghệ chiết xuất, bào chế thực phẩm chức năng có chất lượng cao, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng. Tạo thế cạnh tranh cho các đơn vị sản xuất thực phẩm chức năng, chủ động trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe, tiến tới hạn chế nhập khẩu.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 16662/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)