Ở Việt Nam, thoái hóa khớp chiếm 10,41% các bệnh về xương khớp. Những đối tượng trên không còn lựa chọn nào khác ngoài xe lăn, trong khi phần lớn họ là những người nghèo và có hoàn cảnh khó khăn. Theo số liệu khảo sát cách đây 10 năm, cả nước có khoảng 5,3 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 6,34% dân số, trong đó có 1,1 triệu người khuyết tật nặng, chiếm 21,5% tổng số người khuyết tật. Bao gồm 29,41% người khuyết tật vận động, 16,83% thần kinh, 13,84% thị giác, 9,32% thính giác, 7,08% ngôn ngữ, 6,52% trí tuệ và 17% các dạng tật khác. Tỷ lệ nam là người khuyết tật cao hơn nữ do các nguyên nhân hậu quả chiến tranh, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn thương tích.
Địa hình Việt Nam phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, vóc dáng con người nhỏ bé, sức khỏe nhìn chung là yếu khiến cho nhu cầu về thiết bị hỗ trợ lực chân trở nên cấp thiết hơn. Việc “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo bộ thiết bị hỗ trợ lực chân cho người bị liệt, bị thoái hóa khớp chân” do Cơ quan chủ trì Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Tiến sĩ Lê Hồng Kỳ thực hiện đề tài, sẽ giúp cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng triệu người tàn tật có ý nghĩa to lớn trong việc chăm sóc sức khoẻ và phát triển năng lực cá nhân của người tàn tật trong công cuộc đóng góp và phát triển đất nước.
Đề tài nghiên cứu tập trung vào nhóm nhóm đối tượng bị liệt nhẹ, thoái hóa khớp và chỉ giải quyết các vấn đề về kết cấu cơ khí và điều khiển. Những nội dung về vật liệu, năng lượng và cơ - sinh sẽ kế thừa từ các kết quả nghiên cứu ở nước ngoài đã được công bố.
Ở Việt Nam nghiên cứu thiết bị hỗ trợ các hoạt động cơ bắp của con người mới được khởi xướng nhưng nhu cầu cũng khá lớn. Nghiên cứu này hướng vào việc hỗ trợ lực chân cho đối tượng sử dụng là những người bị liệt nhẹ hoặc bị thoái hóa khớp chân. Tức là những người trí tuệ và hai chi trên hoạt động bình thường, vẫn có khả năng nâng đùi nhưng không thể tự đứng lên và đi lại.
Đề tài "Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo bộ thiết bị hỗ trợ lực chân cho người bị liệt, bị thoái hóa khớp chân" đã được hoàn thành, đạt được mục tiêu nghiên cứu đề ra với các sản phẩm theo thuyết minh và hợp đồng nghiên cứu. Với kết quả đạt được, đề tài đã có những đóng góp mới:
- Thiết kế, chế tạo một bộ thiết bị hỗ trợ lực chân cho người bị liệt, bị thoái hóa khớp chân có thể mang trên người, hoạt động đồng bộ với cơ thể người, giúp họ luyện tập để phục hồi chức năng và có thể đi lại.
- Về lý thuyết, nhóm nghiên cứu đã tiếp cận với những vấn đề khoa học và kỹ thuật nền tảng và một số xu hướng phát triển mới của cơ sinh điện tử, làm cơ sở cho thiết kế các robot sinh học dáng người cũng như robot sinh học gắn lên người, phục vụ các mục đích khác nhau.
- Về thực tiễn, thiết bị đề tài có thể ứng dụng hỗ trợ lực chân cho người bị liệt, bị thoái hóa khớp chân ở Việt Nam.
- Về khoa học và đào tạo, đề tài đã bước đầu xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ sinh viên trong lĩnh vực robot sinh học, mở rộng hoạt động nghiên cứu KHCN và đào tạo trong lĩnh vực tự động hoá và cơ điện tử.
Mặc dù có nhiều cố gắng, đề tài không thể tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế về kết cấu cơ khí, điều khiển, vật liệu, năng lượng...
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16881/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)
Link nội dung: https://vsta.org.vn/nghien-cuu-thiet-ke-va-che-tao-bo-thiet-bi-ho-tro-luc-chan-cho-nguoi-bi-liet-thoai-hoa-khop-chan-21775.html