Nghiên cứu đề xuất hướng tiếp cận xây dựng khung pháp lý về công nghệ thông tin hướng tới phát triển kinh tế số tại Việt Nam

Kinh tế số đang trở thành xu hướng tất yếu trên thế giới và nền kinh tế truyền thống đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Những công nghệ số và những mô hình kinh doanh mới đã làm thay đổi hoàn toàn bản chất kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia. Không phải trong tương lai xa, ở thời điểm hiện tại, xu thế “số hóa” đã xuất hiện ở hầu hết mọi lĩnh vực, từ thương mại, thanh toán cho đến giao thông, giáo dục, y tế như: quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (Facebook, instagram), giải trí (Netflix, Pinterest), đến GTVT (Uber, Grab) đến phân phối, bán buôn và bán lẻ (Lazada, Shoppe)… Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu tham gia vào thương mại điện tử (Vuivui.com, Tiki.vn,...), các nền tảng thanh toán trung gian bằng công nghệ QR Code, ví (123Pay và ZaloPay của ZION, Momo, Webmoney, Payoo...), mạng xã hội (Zalo), thiết bị IoT (máy bán nước, máy bán bánh pizza tự động tích hợp giải pháp thanh toán điện tử cho máy bán hàng VPOS), thanh toán trực tuyến của các ngân hàng... Tỷ trọng của thương mại điện tử trong tổng số doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam chiếm 3,6%. Đây là con số khiêm tốn so với mức trung bình của khu vực Châu Á Thái Bình Dương (14,5%).

Về tương lai kinh tế số Việt Nam, với tổng dân số hơn 90 triệu người, với hơn 58 triệu người dùng Internet, hơn 125 triệu thuê bao di động, hơn 3.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nhiều doanh nghiệp thành công trong các ngành công nghệ thông tin (CNTT), phần mềm, ứng dụng công nghệ số (như FPT, DTT, Viettel...) Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số.

Kinh tế số là nền kinh tế dựa trên tri thức, trên Internet và trên nền tảng chuyển đổi số. Như vậy, có thể thấy kinh tế số chịu tác động rất lớn của các công nghệ mới thuộc lĩnh vực CNTT-TT.

Kinh tế số cần có chính sách để tạo điều kiện phát triển, trong đó đặc biệt là chính sách lĩnh vực CNTT-TT. Trong bối cảnh cách mạng 4.0 và sự bùng nổ các 8 mô hình, sản phẩm, dịch vụ trong thời đại kinh tế số, nhiều doanh nghiệp trong nước đang muốn tham gia phát triển, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ của nền kinh tế số thì các những chính sách hiện hành còn gặp nhiều vướng mắc, ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư, mở rộng thị trường trong lĩnh vực này. Các mô hình kinh doanh trên mạng Internet và qua các ứng dụng di động ra đời như uber, famtech, edutech… nhưng chưa có cơ chế chính sách thử nghiệm và triển khai hỗ trợ. Ngoài ra, việc chia sẻ, kết nối dữ liệu là vấn đề quan trọng đến sự phát triển nền kinh tế số nhưng sự kết nối dữ liệu tại các cơ quan Chính phủ, giữa Chính phủ với các doanh nghiệp chưa tốt…dẫn đến việc tiếp cận các chính sách, thông tin về phát triển kinh tế, thị trường, còn gặp nhiều khó khăn và vấn đề này cần phải được giải quyết bằng các quy định và văn bản cụ thể. Trong nền kinh tế số, một trong những vấn đề cần nghiên cứu là chính sách quản các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ nội dung số xuyên biên giới vào Việt Nam để tạo điều kiện cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp số của Việt Nam.

Như vậy có thể thấy hệ thống pháp luật ngành CNTT hiện tại đang chưa theo kịp và có phần cản trở sự phát triển của ngành này. Hiện tại, Việt Nam đã có khung pháp lý về CNTT gồm có Luật công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin, Luật Viễn thông… và các chính sách về ưu đãi về lĩnh vực CNTT luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm ưu đãi ở mức cao nhất trong các lĩnh vực của nền kinh tế. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho nền kinh tế số, Bộ Thông tin và Truyền thông cần sớm vào cuộc để tìm cách hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển thuận lợi hơn trong bối cảnh bùng nổ của nền kinh tế số. Việc cần làm nhất rà soát lại, xây dựng hệ thống văn bản pháp luật cũng như khung pháp lý thuộc lĩnh vực CNTT để loại bỏ sự chồng chéo, mâu thuẫn, những rào cản trở cho sự phát triển. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, rà soát và xây dựng khung pháp lý CNTT để phát triển kinh tế số đóng vai trò quan trọng để giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế số.

Nhóm tác giả đề tài “Nghiên cứu đề xuất hướng tiếp cận xây dựng khung pháp lý về CNTT hướng tới phát triển kinh tế số tại Việt Nam” do Cơ quan chủ trì Vụ Công nghệ thông tin cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Đỗ Trường Giang thực hiện với mục tiêu: Nghiên cứu đề xuất hướng tiếp cận xây dựng khung pháp lý về CNTT hướng tới phát triển kinh tế số tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở để Bộ TTTT nói chung cũng như Vụ CNTT đề xuất xây dựng các chính sách chiến lược liên quan phục vụ phát triển kinh tế số như phát triển doanh nghiệp công nghệ, các sản phẩm 4.0... Các tổ chức, doanh nghiệp nâng cao nhận thức về lợi ích to lớn của kinh tế số, được tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các ứng dụng, sản phẩm và mô hình kinh doanh mới của kinh tế số.

Đề tài đã được thực hiện với các kết quả cụ thể. Một số kết luận chính như sau:

Kinh tế số đang trở thành xu hướng tất yếu trên thế giới. Những công nghệ số và những mô hình kinh doanh mới đã làm thay đổi hoàn toàn bản chất kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia. Không phải trong tương lai xa, ở thời điểm hiện tại, xu thế “số hóa” đã xuất hiện ở hầu hết mọi lĩnh vực, từ thương mại, thanh toán cho đến giao thông, giáo dục, y tế như: quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội, giải trí, đến phân phối, bán buôn và bán lẻ… Kinh tế số với nền tảng là các công nghệ mới thuộc lĩnh vực CNTT đang đặt ra nhiều thách thức cho các nhà quản lý lĩnh vực này về việc cần sớm có chính sách để vừa thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ mới của nền kinh tế số góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi số vừa có biện pháp quản lý để tạo động lực phát triển chung của nền kinh tế, tránh việc cạnh tranh không công bằng và suy giảm năng lực của nền kinh tế hiện tại.

Kinh tế số với các thách thức và cơ hội, được kiểm nghiệm qua những kinh nghiệm của các quốc gia trong phạm vi nghiên cứu của đề tài mang đến một bức tranh tổng quát. Qua đó, Việt Nam có thể nhìn thấy các hướng tiếp cận chính sách để đón nhận nền kinh tế số.

Trong phạm vi rất hạn chế của đề tài, nội dung đề xuất hướng tiếp cận để hệ thống pháp lý CNTT Việt Nam có thể “tương thích” để đón nhận tốt nhất xu thế kinh tế số mới chỉ dừng ở những nội dung sơ lược. Với mỗi hướng chính sách cần có những nghiên cứu kĩ lưỡng, đầu tư nguồn lực và phải được thực hiện bởi nhiều cơ quan, tổ chức theo từng chuyên ngành cụ thể.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16961/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Đ.T.V (NASATI)

Link nội dung: https://vsta.org.vn/nghien-cuu-de-xuat-huong-tiep-can-xay-dung-khung-phap-ly-ve-cong-nghe-thong-tin-huong-toi-phat-trien-kinh-te-so-tai-viet-nam-21796.html