Tham dự Hội thảo phía khách mời quốc tế có ngài Bí thư thứ Hai – Đại sứ quán Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam; lãnh đạo, cán bộ sỹ quan một số cơ quan đơn vị thuộc Bộ Công an và các đại biểu đến từ Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Sở KH&CN tỉnh Bắc Ninh…
Thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ Công an, Thiếu tướng PGS.TS Nguyễn Đăng Tiến- Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật hậu cần Công an nhân dân (CAND) chủ trì Hội thảo.
Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Đăng Tiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật hậu cần CAND- Bộ Công an phát biểu khai mạc Hội thảo (ảnh VISTIP)
Tham dự Hội thảo, đại biểu đã được nghe các báo cáo viên của ngành Công an chia sẻ một số khó khăn, thách thức của ngành khi tội phạm mạng, tội phạm tiền tệ, cờ bạc trên mạng, các thách thức an ninh cả truyền thống và phi truyền thống diễn ra trên địa bàn rộng cả trong nước và quốc tế khó xác định và ngày càng tinh vi, gia tăng ảnh hưởng tới an ninh, trật tự an toàn xã hội. Ngành công an cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật hình sự hiện có cần ứng dụng nhiều hơn nữa các thành tựu tiên tiến nhất của KH&CN để nâng cao hiệu lực hiệu quả trong phối hợp công tác, ngăn chặn, đấu tranh trấn áp tiến tới đẩy lùi hẳn các loại tội phạm này. Cũng theo các tham luận của một số đại diện ngành Công an: Cuộc cách mạng 4.0 tạo ra nhiều loại công nghệ siêu hiện đại, siêu tốc độ kéo theo số lượng và tính chất tinh vi phức tạp của các loại tội phạm gia tăng, từ đó chỉ ra tầm quan trọng, sự cần thiết của việc tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trong việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ số, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, phục vụ các công tác hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm chung hiệu quả hơn trong thời gian tới mà vẫn đảm bảo tính an toàn, bảo mật trong công tác của ngành.
Các cơ chế chính sách về tài chính khi đề xuất kinh phí, thời gian thông quan nhập khẩu các thiết bị, công nghệ mới phục vụ nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm còn có điểm chưa phù hợp cần được các Bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh trong thời gian tới được các diễn giả và đại biểu nêu ra tại Hội thảo.
Một số diễn giả trình bày tham luận tại Hội thảo (ảnh VISTIP)
Hội thảo được nghe đại diện Lãnh đạo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ- Bộ KH&CN, đại diện Sở KH&CN tỉnh Bắc Ninh chia sẻ một số văn bản quy phạm pháp luật, một số định hướng, và chính sách ưu tiên cũng như khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ trong hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tại địa phương và doanh nghiệp. Một số hàm ý chính sách tăng cường tiếp nhận, chuyển giao công nghệ nhất là công nghệ số, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, phục vụ các công tác trọng tâm là xây dựng chính phủ điện tử.
Lãnh đạo Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) chia sẻ kinh nghiệm hợp tác nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng và phát triển công nghệ giữa Việt Nam và Liên Bang Nga phục vụ công tác trong lĩnh vực quốc phòng và cả trong lĩnh vực dân sự trong hoạt động của Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga.
TS. Phạm Thế Dũng- Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN trình bày tham luận tại Hội thảo (ảnh VISTIP)
TS. Lê Xuân Tâm, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bắc Ninh trình bày tham luận tại Hội thảo (ảnh VISTIP)
Đại tá - TS Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (trình bày tham luận tại Hội thảo (ảnh VISTIP)
Tại Hội thảo, bà Bùi Thị Huy Hợp, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế (VISTIP), Bộ KH&CN với bài trình bày “Hội nhập quốc tế về KH&CN- thời cơ và thách thức với tổ chức nghiên cứu - phát triển Việt Nam” đã làm rõ, sâu sắc thêm các nội hàm và vai trò hết sức quan trọng của hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KH&CN. Tham luận đã khái quát thực trạng về nhân lực, đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và một số điểm sáng của các tổ chức NC&PT trong giai đoạn hiện nay, đề ra các giải pháp tăng cường hợp tác hội nhập quốc tế về KH&CN gắn đổi mới sáng tạo với chuyển giao công nghệ và làm chủ công nghệ của tổ chức NC&PT tại Việt Nam trong thời gian tới. Thay mặt cho VISTIP, bà Hợp đã giới thiệu về chức năng nhiệm vụ, chia sẻ kinh nghiệm của VISTIP với vai trò là cầu nối, hỗ trợ các đối tác trong nước và quốc tế trong các hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế về KH&CN và chuyển giao công nghệ quốc tế. Tham vấn “Áp dụng cơ chế thử nghiệm (Regulatory Sandbox) tại các tổ chức NC&PT Việt Nam để thúc đẩy hoạt động hội nhập KH&CN quốc tế” đã được bà Hợp chia sẻ và thảo luận sôi nổi. Sau khi nghe phần trình bày tham luận của lãnh đạo VISTIP, Thượng tá- TS Nguyễn Thế Hải, Phó Cục trưởng Cục V04- Bộ Công An bày tỏ mong muốn trong thời gian tới sẽ có sự hợp tác với VISTIP và được VISTIP trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong hợp tác chuyển giao công nghệ, tiếp nhận các công nghệ tiên tiến từ các đối tác/tổ chức quốc tế.
Bà Bùi Thị Huy Hợp, Chuyên viên cao cấp- Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm NC&PT hội nhập KH&CN quốc tế, Bộ KH&CN trình bày tham luận tại Hội thảo (ảnh VISTIP)
Các đại biểu đã nghiêm túc chỉ ra những tồn tại, hạn chế là những khoảng trống nhưng mặt khác lại là dư địa trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong công tác KH&CN Công an nhân dân. Từ đó các đại biểu đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm về công tác tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng KH&CN trong thời gian tới.
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo (ảnh VISTIP)
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế
Link nội dung: https://vsta.org.vn/hoi-thao-khoa-hoc-nang-cao-nang-luc-tiep-nhan-ung-dung-khoa-hoc-va-cong-nghe-trong-cong-an-nhan-dan-21809.html