Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu 4 ‘trọng tâm’ của Bộ KHCN trong năm 2022

(Chinhphu.vn) - Sáng 31/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Những kết quả đạt được khẳng định ngành KHCN đã đi đúng hướng. Ảnh: VGP/Đình Nam

Thứ trưởng Bộ KHCN Lê Xuân Định cho biết, năm 2021, ngành KHCN, đổi mới sáng tạo đã đóng góp hiệu quả trong nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển kinh tế. Trong đó, chỉ số giá trị sản phẩm công nghệ và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt trên 50% GDP.

Trong năm 2021, Việt Nam tiếp tục duy trì xếp hạng trong nhóm 45 quốc gia dẫn đầu toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII). "Trong báo cáo GII 2021 do WIPO phát hành, Việt Nam tiếp tục là quốc gia đạt tiến bộ về đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn", Thứ trưởng Định dẫn thông tin.

Là đầu mối triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, Bộ KHCN tập trung phát triển các ứng dụng để hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19; kết nối, hỗ trợ và chia sẻ dữ liệu về COVID-19 cho tất cả các tỉnh, thành phố; triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo (Callbot) gọi điện hỗ trợ khai báo y tế cho người dân trong vùng dịch, vùng có nguy cơ cao; triển khai hệ thống quản lý xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19...

Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt: Trong năm 2022, các cơ chế, chính sách, giải pháp của Bộ sẽ tập trung để đại học thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ. Ảnh: VGP/Đình Nam

KHCN góp phần tái cơ cấu và có đóng góp rõ nét trong nhiều ngành, lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp, tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, y tế, quốc phòng…

Năm 2021, các chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; thị trường KHCN; khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao; đẩy nhanh tốc độ và hiệu quả phát triển trí tuệ nhân tạo; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước... đã được xây dựng và ban hành.

Tham luận từ lãnh đạo một số bộ, trường đại học và viện nghiên cứu, địa phương, doanh nghiệp cũng chỉ ra nhiều dữ liệu cho thấy, các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ đang đóng góp vào phát triển kinh tế chung và từng ngành, địa phương.

Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ đang khẩn trương thực hiện xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu KHCN, xây dựng chính sách để các doanh nghiệp tăng cường trích lập quỹ phát triển KHCN; quy hoạch lại hệ thống cơ sở nghiên cứu KHCN của Việt Nam trong thời kỳ mới...

Các kết quả nghiên cứu KHCN đang đóng góp vào phát triển kinh tế chung và từng ngành, địa phương. Ảnh: VGP/Đình Nam

Trong năm 2022, các cơ chế, chính sách, giải pháp của Bộ KHCN sẽ tập trung để đại học thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu KHCN. Hiện nay, Bộ đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo Nghị định quy định hoạt động KHCN trong các cơ sở giáo dục đại học.

"Bộ KHCN đang rất quyết tâm, tuy nhiên, vẫn vướng rất nhiều và rất cần sự quan tâm, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, sự phối hợp của các bộ ngành, địa phương, sự vào cuộc của các tổ chức, các nhà khoa học", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc đánh giá những đóng góp của ngành KHCN cần nhìn cả quá trình chứ không chỉ sau một vài năm hay một số sự kiện nổi bật. Nhìn lại 10 năm qua, ngành KHCN đã có những đóng góp rất quan trọng.

Phó Thủ tướng nêu ví dụ, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP từ mức 33,6% vào năm 2010 lên 45,2% vào năm 2020 vượt mục tiêu đặt ra ở thời điểm năm 2010 là 39%. Tương tự, năm 2010 các mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao chỉ chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu, đến nay tỉ lệ này đã xấp xỉ trên 50% và tiếp tục tăng. Không chỉ trong các ngành công nghiệp, điện tử, máy tính mà ngay trong lĩnh vực nông nghiệp hàm lượng KHCN cao cũng đã tăng lên. Năm 2010, đầu tư cho KHCN chủ yếu từ ngân sách Nhà nước (chiếm 70-80%) nhưng đến năm 2020 tỉ lệ này là 48% từ Nhà nước, 52% từ doanh nghiệp. Những kết quả đó khẳng định ngành KHCN đã đi đúng hướng và cần tiếp tục điều chỉnh thích hợp với những thay đổi trong nước, quốc tế.

Phó Thủ tướng chúc mừng, biểu dương nỗ lực của Bộ KHCN, các nhà khoa học; cám ơn các bộ, ngành, cấp uỷ Đảng, chính quyền từng bước dành sự quan tâm cho KHCN nhiều hơn, thiết thực hơn.

Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN ký kết Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022-2025. Ảnh: VGP/Đình Nam

Về các nhiệm vụ triển khai trong năm tới, Phó Thủ tướng lưu ý một số điểm chính.

Thứ nhất là ngành KHCN phải có cơ chế mạnh mẽ, tạo điểm nhấn trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo như là một bộ phận trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Bộ KHCN phải là nơi tập hợp, chủ động đề xuất rất cụ thể, làm việc với Bộ Tài chính về cơ chế tài chính cho DN; triển khai nhanh hơn nữa mô hình nghiên cứu khoa học trong các trường đại học theo hướng các trường là đầu mối nhận nhiệm vụ khoa học trực tiếp từ Bộ KHCN; quyết liệt quy hoạch lại toàn bộ các cơ sở nghiên cứu khoa học, bao gồm cả các viện nghiên cứu trong DN, trường đại học, đồng thời tính đến mạng lưới liên kết với các trung tâm nghiên cứu ở nước ngoài.

Từ quá trình triển khai thí điểm mô hình Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đề nghị Bộ KHCN cần tháo gỡ các vướng mắc để củng cố mô hình mới trong quản trị khoa học và lan toả các kết quả nghiên cứu.

Thứ hai, Bộ KHCN phải tiên phong trong quản lý một cách khoa học, trên cơ sở hình thành cơ sở dữ liệu về quản lý khoa học, được minh bạch hoá, công khai hoàn toàn, tăng cường sự giám sát đồng đẳng trong giới khoa học. “Bộ đã có những bước tiến đáng kể nhưng năm 2022 phải làm mạnh hơn nữa. Mọi công việc quản lý khoa học phải được tin học hoá, minh bạch, công khai ngay từ khâu đăng ký đề tài, phản biện đề tài”, Phó Thủ tướng nói.

Thứ ba, Bộ KHCN phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, để đẩy mạnh hoạt động KHCN gắn với những vấn đề thiết thực ở cơ sở, qua đó nâng lên vai trò của các Sở KHCN.

Thứ tư, cùng với việc thúc đẩy hơn nữa các khoa học xã hội, khoa học chính trị với nhiều nghiên cứu lớn đang được triển khai, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KHCN lưu ý một số nhiệm vụ như “Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam - Quốc sử”; “Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam – Quốc chí” cần khẩn trương hoàn thành, xuất bản.

Cùng với đó, ngành KHCN phải đẩy mạnh phổ biến tri thức KHCN cho toàn dân, góp phần nâng cao dân trí, trong đó cần thúc đẩy đề án Hệ Tri thức Việt số hoá để “xoá mù tri thức KHCN”.

“Năm 2022, Bộ KHCN cần tạo chuyển biến rõ rệt, tạo đà cho những năm tiếp theo”, Phó Thủ tướng nói.

Đình Nam - baochinhphu.vn

Link nội dung: https://vsta.org.vn/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-neu-4-trong-tam-cua-bo-khcn-trong-nam-2022-21845.html