Phó Thủ tướng nói về điểm cần 'chuyển biến' của khoa học công nghệ

Nhìn lại năm 2021 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những đóng góp của khoa học công nghệ nhưng cần chuyển biến rõ hơn trong năm 2022.

Sáng 31/12, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổng kết hoạt động năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: nói về đóng góp của khoa học công nghệ, cần nhìn cả quá trình bởi "rất khó để chỉ ra kết quả trong một năm".

Nhìn cả giai đoạn trong 10 năm, Phó Thủ tướng ghi nhận Việt Nam đã đạt những bước tiến, trong đó xuất khẩu tăng nhanh. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 19% (năm 2010) lên khoảng 50% năm 2020.

Đánh giá những đóng góp của ngành, Phó Thủ tướng cho rằng "khoa học công nghệ đã đi đúng hướng, dù nhiều việc còn chưa được như ý, chưa đúng kỳ vọng".

Theo đó trong năm tới, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiều việc phải làm. Trong đó, hệ sinh thái khởi nghiệp (một phần trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo) cần có điểm nhấn. Cơ chế chính sách xây dựng để doanh nghiệp thực sự là trung tâm. Làm thế nào để doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ nhiều hơn... "Bộ Khoa học và Công nghệ phải là nơi tập hợp các nhà khoa học, đưa ra đề xuất cụ thể, chủ động đề xuất với Bộ Tài chính để xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp", Phó Thủ tướng nói.

Ông cũng nhắc lại việc quy hoạch hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học, tính đến mạng lưới liên kết với các trung tâm nghiên cứu ở nước ngoài. "Trong năm tới Bộ cần làm với tinh thần quyết liệt", Phó Thủ tướng nói.

Ông yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ phải tiên phong về khoa học trong quản lý, từ cái nhỏ nhất. Trong quản lý khoa học phải hình thành nếp mới, mọi công việc (từ khâu đăng ký, phản biện đề tài...) phải hình thành cơ sở dữ liệu, minh bạch và được giám sát bởi giới khoa học. Những việc này Phó Thủ tướng cho rằng, đã có bước tiến so với cách đây sáu năm nhưng năm tới phải được đẩy mạnh hơn. "Cần tạo bước chuyển biến rõ rệt, tạo đà cho nhiều năm sau", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ. Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ. Nam

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, năm 2021 khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã đóng góp hiệu quả trong nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển kinh tế. Trong đó, "chỉ số giá trị sản phẩm công nghệ và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt trên 50% GDP", ông Định nói.

Trong năm 2021, Việt Nam tiếp tục duy trì xếp hạng trong nhóm 45 quốc gia dẫn đầu toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII). "Trong báo cáo GII 2021 do WIPO phát hành, Việt Nam tiếp tục được WIPO nêu trong báo cáo như quốc gia đạt tiến bộ về đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn", Thứ trưởng Định dẫn thông tin.

Trong bối cảnh Covid-19, Bộ Khoa học và Công nghệ là đầu mối triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa. Các dự án, nhiệm vụ của đề án này tập trung phát triển các ứng dụng để hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19. Cập nhật dữ liệu cho các phân hệ và dự án trên Hệ tri thức Việt số hóa; Kết nối, hỗ trợ và chia sẻ dữ liệu về Covid-19 cho tất cả các tỉnh, thành phố; Triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo Callbot gọi điện hỗ trợ khai báo y tế cho người dân trong vùng dịch, vùng có nguy cơ cao; Triển khai hệ thống quản lý xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19...

Ở từng lĩnh vực, khoa học công nghệ có đóng góp rõ nét. Trong đó, nông nghiệp đã nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ và ứng dụng khoa học công nghệ từ sản xuất giống, quy trình canh tác, bảo quản, chế biến. Có 54 giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản được chuyển giao cho các doanh nghiệp làm tăng năng suất và chất lượng của sản xuất nông nghiệp, 80 tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới đã được nghiên cứu, chuyển giao áp dụng vào sản xuất.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (bìa trái) và Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt điều hành hội nghị. Ảnh: Đ. Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (bìa trái) và Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt điều hành hội nghị. Ảnh: Đ. Nam

Ở lĩnh vực y tế, các nhiệm vụ nghiên cứu cấp quốc gia thực hiện, chủ động phát triển vaccine trong nước phòng Covid-19, thuốc điều trị Covid-19; robot hỗ trợ y tế... Theo ông Định, các nghiên cứu, phát triển sản phẩm, hỗ trợ chuyển giao công nghệ đã kịp thời phục vụ mục đích phòng chống dịch Covid-19 trong điều kiện cấp bách.

Minh họa thêm đóng góp của khoa học công nghệ trong lĩnh vực y học, GS.TSKH Phạm Gia Khánh nhắc nhiều nghiên cứu nổi bật đã giúp Việt Nam làm chủ công nghệ ghép tạng và kỹ thuật nội soi. Trong đó ghép tạng hiện đã trở thành kỹ thuật thường quy ở nhiều bệnh viện của Việt Nam. Một trung tâm có thể ghép tạng đồng thời cho 5 bệnh nhân trong một ngày. "Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới ghép chi từ người cho sống. Đây là một kỳ tích", GS Khánh nói và cho rằng nhiều kỹ thuật khó đã được thực hiện ở trong nước.

Năm 2021, các chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ; khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao; đẩy nhanh tốc độ và hiệu quả phát triển trí tuệ nhân tạo; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước... đã được xây dựng và ban hành.

Tham luận từ các bộ, trường đại học và viện nghiên cứu, địa phương, doanh nghiệp cũng chỉ ra nhiều dữ liệu cho thấy, các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ đang đóng góp vào phát triển kinh tế chung và từng ngành. Nhiều sản phẩm chủ lực như vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), gà đồi Yên Thế... được bảo hộ sở hữu trí tuệ nên giá trị sản phẩm tăng. "Vải thiều xuất khẩu ổn định dù có thời điểm Bắc Giang trở thành tâm dịch cả nước", ông Mai Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nói và ghi nhận khoa học công nghệ đang giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ, xây dựng chính sách để các doanh nghiệp tăng cường trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ; quy hoạch lại hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Việt Nam trong thời kỳ mới... đang được thực hiện.

Theo Bộ trưởng, trong năm 2022 các cơ chế, chính sách giải pháp sẽ tập trung để đại học thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ. Hiện nay, Bộ đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo Nghị định quy định hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.

"Bộ Khoa học và Công nghệ đang rất quyết tâm, tuy nhiên, vẫn vướng rất nhiều. Rất mong tiếp tục nhận được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Phó Thủ tướng và sự phối hợp của các cơ quan ở Trung ương, địa phương, sự vào cuộc của các tổ chức nghiên cứu, các nhà khoa học", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.

Bích Ngọc - vnexpress.net

Link nội dung: https://vsta.org.vn/pho-thu-tuong-noi-ve-diem-can-chuyen-bien-cua-khoa-hoc-cong-nghe-21851.html