Đề nghị này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu khi kết luận Đại hội đại biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngày 31/12. Tại đại hội này VCCI vừa được đổi tên.
Thủ tướng cho rằng, hai năm ứng phó với dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần vượt khó, nỗ lực thích ứng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm và thu nhập cho người lao động. "Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp, doanh nhân đối mặt", ông nói.
VCCI - tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, doanh nhân thời gian qua đã chủ động tham gia xây dựng và hoàn thiện các chính sách quan trọng với doanh nghiệp; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua nghiên cứu, công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững (CSI). Hiện tổ chức này đã quy tụ trên 200.000 doanh nghiệp hội viên, tăng hơn 70% so với thời điểm năm 2015.
Tuy vậy, người đứng đầu Chính phủ nhận định, còn nhiều điều VCCI có thể làm tốt hơn. Một trong số đó, là ưu tiên, tham gia tích cực, góp phần ngày càng quan trọng vào thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng cơ chế, chính sách. Việc này nhằm cùng Chính phủ nâng cấp môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam lên nhóm các quốc gia đứng đầu khu vực.
"Hoạt động tham gia xây dựng chính sách của VCCI với nhiều vấn đề quan trọng của nền kinh tế đất nước cần được đẩy mạnh hơn nữa. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp và chất lượng hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp chưa cao", Thủ tướng nói.
Ông cũng giao nhiều nhiệm vụ trọng tâm cho VCCI, trong đó, ưu tiên là tham gia tích cực vào thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và dẫn dắt doanh nghiệp hội nhập thành công.
"Chúng ta không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Vì vậy, vai trò của doanh nghiệp doanh nhân có tính quyết định. Chúng ta quán triệt tinh thần này. Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững", Thủ tướng nói.
Ông cũng lưu ý phát triển văn hoá kinh doanh cũng là một trụ cột để kinh tế phát triển bền vững.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động thiên tai, căng thẳng thương mại giữa các nước thì nền tảng văn hoá kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp chống chọi được với sức ép từ bên trong và các biến động lớn từ bên ngoài. Văn hoá kinh doanh tạo ra sức mạnh mềm của doanh nghiệp và cũng góp phần xây đắp hình ảnh, vị thế quốc gia dân tộc trên trường quốc tế.
Hiện Việt Nam đã ký, tham gia 17 hiệp định thương mại tự do. Chính phủ là chủ thể ký kết, nhưng doanh nghiệp mới chính là chủ thể thực hiện và hưởng lợi từ các hiệp định này.
Do vậy, Thủ tướng đề nghị VCCI cần tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, tìm kiếm bạn hàng, xử lý và hỗ trợ khi có các tranh chấp trong quá trình hoạt động. "Lớn mạnh nhưng phải vững mạnh, nhanh nhưng phải bền vững", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại.
Năm 2021, tình hình kinh tế hết sức khó khăn, nhưng tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam vẫn đạt được con số kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay, gần 670 tỷ USD, tăng hơn 22% so với 2020.
Anh Minh - vnexpress.net
Link nội dung: https://vsta.org.vn/thu-tuong-dua-moi-truong-kinh-doanh-viet-nam-len-top-dau-khu-vuc-21857.html