Nghiên cứu đánh giá hiệu quả và xây dựng quy trình kích thích từ xuyên sọ trong điều trị rối loạn trầm cảm

Rối loạn trầm cảm là một trạng thái bệnh lý hay gặp trong thực hành tâm thần học cũng như trong thực hành đa khoa. Rối loạn trầm cảm có xu hướng gia tăng và chiếm tới 20% dân số, trong đó trầm cảm điển hình chiếm 5%, ở Việt Nam là 2,8%. Bệnh thường gặp ở tuổi từ 18 đến 44, nữ bị rối loạn trầm cảm cao gấp 3 lần nam. Khoảng 45-70% những người tự sát mắc bệnh trầm cảm và 15% bệnh nhân trầm cảm chết do tự sát. Rối loạn trầm cảm đặc trưng bởi trạng thái buồn rầu, đau khổ, cảm thấy tương lai ảm đạm, lời nói chậm chạp, liên tưởng khó khăn, giảm sút lòng tin, tự cho mình là hèn kém, mất dần các thích thú và có thể xuất hiện các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng, ảo giác. Rối loạn trầm cảm nặng thường kèm theo rối loạn các chức năng sinh học như mất ngủ, mệt mỏi, chán ăn, khi bệnh nặng có thể từ chối ăn và bệnh nhân sẽ chết trong tình trạng suy kiệt do rối loạn nước và điện giải. Có rất nhiều liệu pháp điều trị trầm cảm như liệu pháp hóa dược, liệu pháp tâm lý, liệu pháp kích hoạt hành vi, liệu pháp sốc điện và liệu pháp mới nhất hiện nay là kích thích từ xuyên sọ. Kích thích từ xuyên sọ là liệu pháp không xâm lấn và vô hại với bệnh nhân. Việc nghiên cứu, áp dụng kích thích từ xuyên sọ điều trị trầm cảm một cách có hệ thống là phù hợp với sự phát triển của nền y học hiện đại.

Ở Việt Nam, chưa có nhiều nghiên cứu kích thích từ xuyên sọ điều trị trầm cảm, có một số nghiên cứu kích thích từ xuyên sọ điều trị tâm thần phân liệt. Như vậy, nghiên cứu kỹ thuật và xây dựng quy trình kích thích từ xuyên sọ điều trị trầm cảm hiện nay có một tầm quan trọng đặc biệt mang ý nghĩa xã hội, kinh tế và nhân văn sâu sắc. Vì các lý do trên, việc áp dụng kỹ thuật mới điều trị trầm cảm là rất cần thiết, do vậy nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Tô Thanh Phương, Bệnh viện Tâm Thần Trung Ương 1 đã tiến hành đề tài: Nghiên cứu đánh giá hiệu quả và xây dựng quy trình kích thích từ xuyên sọ trong điều trị rối loạn trầm cảm nhằm có thể đánh giá hiệu quả của kích thích từ xuyên sọ trong điều trị rối loạn trầm cảm. Xây dựng quy trình điều trị trầm cảm bằng kích thích từ xuyên sọ.

Sau một thời gian triển khai, nhóm đề tài đã thu được các kết quả sau:

1. Một số đặc điểm chung về đối tượng nghiên cứu (Nhóm N1)

Nữ chiếm 83,3%, nam (16,7%). Tỷ lệ nữ cao > 5 lần nam. Tuổi 16-25 chiếm tỷ lệ cao nhất )35,6 %). Thấp nhất là 46-50 (4,4 %). Tuổi khởi phát trung bình: 31,6 ± 10,6. Khoảng 68,9% hết trầm cảm. Hết hoang tưởng 81,4%. Hết ảo thanh 73, 91%.

2. Kết quả điều trị trầm cảm ở nhóm N1

- Các triệu chứng chính sau điều trị còn lại: Khí sắc trầm 31,1%. Giảm sở thích 25,6%. Mệt mỏi 20%, thấp hơn N2. Nhóm N1 hiệu quả>N2 (nhóm đối chứng N2).

- Các triệu chứng thường gặp sau điều trị còn lại: Giảm tập trung 28,9 %. Giảm tự tin 26,7%. Ý tưởng bị tội 4,4%. Ý định và hành vi tự sát 0%, rối loạn giấc ngủ 7,8 %, thấp hơn N2. Nhóm N1 có hiệu quả > N2.

- Các triệu chứng rối loạn cảm xúc còn lại sau điều trị Buồn rầu 31,1%, buồn vì bệnh nặng 5,56%, buồn vì cho là không khỏi 5,56 %, bi quan 16,7%, đau khổ 2,2% đều thấp hơn N2. Nhóm N1 hiệu quả > N2

- Các triệu chứng rối loạn tư duy còn lại sau điều trị: Ít nói 26,7%, không nói 1,1%, ý định tự sát 0%, các hoang tưởng 3,3%, ảo thanh 8,9%, ảo khứu 0%. đều < nhóm N2. Nhóm N1 có hiệu quả > N2.

- Các triệu chứng rối loạn hành vi còn lại sau điều trị từ chối ăn, bất động 0%, hoảng sợ 0%, hành vi tự sát 0%. Giảm vận động 24.4% đều thấp hơn N2. Nhóm N1 có hiệu quả > N2.

- Các triệu chứng cơ thể còn lại sau điều trị: Mất ngủ 7,8%, đau đầu 2,2%, mệt mỏi 7,8%, chán ăn 5,6% thấp hơn N2. N1 hiệu quả >N2

3. Hiệu quả của kích thích từ xuyên sọ điều trị trầm cảm

- Thuyên giảm của các triệu chứng rối loạn cảm xúc: Tần số 5 hz và 4500 xung chỉ có hiệu quả với trầm cảm nhẹ; Tần số 10 hz và 5400 xung có hiệu quả với trầm cảm vừa; Tần số 15 hz, 20 hz, 25 hez có hiệu quả điều trị rối loạn cảm xúc ở bệnh nhân trầm cảm nặng.

- Thuyên giảm của các triệu chứng rối loạn tư duy: Tần số 5 hz và 10 hz không có hiệu quả với các HT- AG - Tần số 10 hz và 5400 xung có hiệu quả với trầm cảm vừa; Tần số 15 hz ít hiệu quả với các hoang tưởng ảo giác; Tần số 20 hz có hiệu quả với các hoang tưởng; Tần số 25 hz có hiệu quả với các hoang tưởng và ảo giác.

- Quy trình áp dụng kích thích từ xuyên sọ điều trị trầm cảm

Bước 1: Chuẩn bị nhân sự (bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên) Bước 2: Quy trình xét chọn bệnh nhân (BS-loại trừ các chống chỉ định)

Bước 3: Bác sỹ chỉ định kích thích từ (Các mức độ trầm cảm theo phiếu

Bước 4: Chuẩn bị máy và nơi tiến hành điều trị bằng KTTXS (KTV)

Bước 5: Tiến hành kích thích từ (Kỹ thuật viên thực hiện): Tần số 5hz: điều trị trầm cảm nhẹ; Tần số 10 hz: điều trị trầm cảm vừa; Tần số 15 hz điều trị trầm cảm nặng không loạn thần; Tần số 20 hz điều trị trầm cảm nặng có hoang tưởng; Tần số 25 hz điều trị trầm cảm nặng có ảo thanh.

Như vậy, Kỹ thuật kích thích từ xuyên sọ có thể áp dụng cho tất cả các bệnh viện tâm thần và bệnh viện phục hồi chức năng bởi tính hiệu quả và an toàn của kỹ thuật này. Bác sỹ và Kỹ thuật viên phải được đào tạo kỹ thuật này. Điều trị các loại trầm cảm phải theo quy trình. Quy trình kích thích từ xuyên sọ nên đưa vào bảo hiểm y tế và cần đưa kỹ thuật này vào chương trình giảng dạy của các trường Y.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 16679/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)

Link nội dung: https://vsta.org.vn/nghien-cuu-danh-gia-hieu-qua-va-xay-dung-quy-trinh-kich-thich-tu-xuyen-so-trong-dieu-tri-roi-loan-tram-cam-21881.html