Vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sinh thái thuận lợi phát triển nông lâm nghiệp và là vùng kinh tế trọng điểm của các tỉnh phía Nam, có vai trò quyết định trong chiến lược phát triển nông nghiệp cho cả khu vực hiện nay cũng như trong tương lai. Trong những năm gần đây, đậu tương là một trong những cây trồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quan tâm phát triển để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất chuyên canh cây trồng cạn và trên đất lúa kém hiệu quả.
Tuy nhiên, hiện nay diện tích cây trồng này bị giảm nghiêm trọng. Sự sút giảm diện tích có nhiều nguyên nhân, ngoài giá cả đậu tương hạt thấp, còn có nhiều giống chưa đạt được năng suất cao thuyết phục được người gieo trồng. Hệ quả của sự suy giảm diện tích đã làm thiếu nguyên liệu trầm trọng, với nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng cao, hằng năm Việt Nam đã phải nhập khẩu đậu tương một lượng rất lớn để đáp ứng nguyên liệu thức ăn gia súc, dầu thực vật, sữa và nước giải khát. Năm 2016, Việt Nam phải nhập khẩu 4,5 triệu tấn đậu tương, năm 2017 là 5,2 triệu tấn. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2014-2020, Đông Nam bộ và ĐBSCL phải chuyển đổi được 21 ngàn ha đậu tương. Đây là một thách thức rất lớn đối với cây trồng này trước tình hình giá đậu tương hạt luôn bị cạnh tranh gay gắt bởi nhập khẩu. Trước những yêu cầu về hiệu quả, sản xuất luôn đòi hỏi nhiều giống đậu tương mới, có tiềm năng năng suất, phù hợp với điều kiện sinh thái, đất đai và tiêu thụ tại địa phương để ứng dụng chuyển đổi cơ cấu. Vì vậy, chọn tạo và phát triển được giống đậu tương mới, có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu khá đối với một số sâu bệnh hại chính, thích hợp cho vùng Đông Nam bộ và trên đất lúa chuyển đổi ở Đồng bằng sông Cửu Long để sản xuất có hiệu quả là vấn đề rất quan trọng và cấp thiết hiện nay.
Với thực tiễn đó, nhóm nghiên cứu do ThS. Nguyễn Văn Chương, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chọn tạo giống đậu tương cho vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long” nhằm chọn tạo và phát triển được giống đậu tương mới, có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu khá đối với một số sâu bệnh hại chính, thích hợp cho vùng Đông Nam bộ và trên đất lúa chuyển đổi ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Sau 5 năm thực hiện (từ 2014 - 2018), Đề tài đạt được các kết quả sau:
1) Đã hoàn thiện Báo cáo chuyên đề - Tình hình sản xuất đậu tương của vùng ĐBSCL. Báo cáo đã nêu bật thực trạng sản xuất, nhu cầu phát triển, tiêu thụ đậu tương cũng như những thuận lợi, khó khăn đang gặp phải và đề ra định hướng phát triển cây đậu tương tại Đồng bằng sông Cửu Long.
2) Đã thu thập, nhập nội nhiều giống và nguồn gen tốt, có nhiều tính trạng liên quan đến tính chống chịu khô hạn, úng, mặn, bệnh và chất lượng. Hiện đã và đang lưu giữ tập đoàn đậu tương gồm 650 mẫu giống và một số lượng lớn các dòng tái tổ hợp khác. Đã lai tạo thành công 48 tổ hợp, đã xử lý đột biến 6 giống đậu tương với nguồn phóng xạ Coban60, để tạo nguồn vật liệu khởi đầu.
3) Đã đánh giá quần thể, chọn lọc dòng triển vọng, đến thế hệ F6 đã tuyển chọn được 169 dòng lai; đến đời M6 đã chọn được 34 dòng đột biến.
4) Kết quả so sánh và khảo nghiệm đã chọn tạo được 5 giống đậu tương mới: HLĐN 09-10, HLĐN 09-4; HLĐN 7940; DS 9-3-3; DS 11-5-2. Trong đó 02 giống đậu tương HLĐN 09-10 và HLĐN 09-4 đã đặt lại tên là HLĐN 910 và HLĐN 904, được Bộ NN và PTNT công nhận sản xuất thử cho vùng ĐNB và ĐBSCL tại Quyết định số 118/QĐ-TT-VPPN ngày 25/5/2018. Riêng giống đậu tương HLĐN 910 sau quá trình sản xuất thử đã được Hội đồng KHCN Cục Trồng Trọt đề nghị Bộ NN và PTNT công nhận chính thức tại Biên bản Hội đồng Khoa học chuyên ngành ngày 23/3/2019 và được công nhận giống cây trồng nông nghiệp tại Quyết định số 4046/QĐ-BNN-TT ngày 24/10/2019.
- Giống đậu tương HLĐN 910, có TGST từ 80 - 83 ngày, có khả năng chống chịu tốt với bệnh Gỉ sắt (điểm 1-2), chín tập trung, ít tách hạt ngoài đồng; đóng trái cao thích hợp với thu hoạch bằng cơ giới hóa, có hàm lượng Protein 33,7%, Lipid 19%. Năng suất tại ĐNB trong vụ Đông Xuân đạt từ 2,21 - 2,56 tấn/ha, tương đương với 2 giống đối chứng đã được công nhận chính thức và sản xuất thử; tại ĐBSCL trong vụ Xuân Hè năng suất biến động từ 3,2 - 3,39 tấn/ha, khác biệt rất có ý nghĩa với đối chứng, năng suất trung bình 3,31 tấn/ha vượt 15% so với đối chứng.
- Giống đậu tương HLĐN 904, có TGST từ 78 - 83 ngày, có khả năng chống chịu tốt với bệnh Gỉ sắt (điểm 1-3), chín tập trung, ít tách hạt ngoài đồng, có hàm lượng Protein 33,7%, Lipid 19%. Năng suất tại ĐNB trong vụ Đông Xuân biến động từ 2,23 - 2,58 tấn/ha, trung bình 2,42 tấn/ha, tương đương với 2 giống đối chứng; tại ĐBSCL trong vụ Xuân Hè năng suất biến động từ 3,13 - 3,34 tấn/ha, khác biệt rất có ý nghĩa với đối chứng, năng suất trung bình 3,24 tấn/ha vượt 13% so với đối chứng.
- Ngoài ra, còn rất nhiều giống khác đã hoàn tất công tác khảo nghiệm cơ bản, có triển vọng giới thiệu cho sản xuất cho những năm tới.
5) Kết quả hoàn thiện biện pháp kỹ thuật đã xác định được mật độ gieo trồng và nền phân bón thích hợp cho 5 giống đậu tương ưu tú HLĐN 29; HLĐN 904; HLĐN 910; DS 9-3-3 và HLĐN 7940, cụ thể:
Tại Đông Nam bộ: Các giống đậu tương HLĐN 904, HLĐN 29 và DS 9-3-3 trồng mật độ thích hợp là 40 cây/m2 (khoảng cách 50cm x 15cm x 3 cây), lượng phân bón thích hợp 60N + 60 P2O5 + 60 K2O; Giống đậu tương HLĐN 910 và giống HLĐN 7940 trồng mật độ thích hợp là 38 cây/m2 (khoảng cách 40cm x 20cm x 3 cây), lượng phân bón thích hợp 60N + 60 P2O5 + 60 K2O.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long: Lượng giống sạ lan và công thức phân bón thích hợp cho các giống là: giống đậu tương HLĐN 910 sạ với lượng giống 80 kg/ha với nền phân 60N + 60 P2O5 + 60 K2O; Giống HLĐN 904 sạ 90 kg/ha với nền phân 80N + 60 P2O5 + 60 K2O; giống đậu tương HLĐN 29 sạ 80 kg/ha với nền phân 40N + 60 P2O5 + 60 K2O; giống DS 9-3-3 sạ 100 kg/ha với nền phân 60N + 60 P2O5 + 60 K2O và giống HLĐN 7940 sạ 90 kg/ha với nền phân 60N + 60 P2O5 + 60 K2O.
Đã xây dựng được 2 QTKT cho giống đậu tương HLĐN 910 cho vùng ĐNB và ĐBSCL được Hội đồng KHCN cấp cơ sở nghiệm thu và cho phép phổ biến trong sản xuất tại Quyết định 269/QĐ/VNNMN-KH ngày 21/8/2018.
6) Đã xây dựng 18 mô hình sản xuất đậu tương thử nghiệm trên đất lúa chuyển đổi vùng ĐNB và ĐBSCL (18 ha) vượt 2 ha so với Thuyết minh. Tại ĐNB, các giống có TGST từ 83 - 85 ngày, cho năng suất bình quân đạt từ 2,57 - 2,68 tấn/ha, vượt từ 11 - 17% so với giống đối chứng địa phương. Tại ĐBSCL, các giống có TGST từ 85 - 87 ngày, cho năng suất bình quân đạt từ 2,90 - 3,24 tấn/ha, vượt từ 13 - 19% so với giống đối chứng địa phương.
Kết quả đề tài đã được công bố trên Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam (VAAS). Nhóm đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiệm thu và cho phép phổ biến giống và tiến bộ kỹ thuật mới ra sản xuất, tạo điều kiện cho các giống ưu tú còn lại tham gia các dự án sản xuất thử để có cơ sở phổ biến giống mới cho sản xuất.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 16915/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)
Link nội dung: https://vsta.org.vn/nghien-cuu-chon-tao-giong-dau-tuong-cho-vung-dong-nam-bo-va-dong-bang-song-cuu-long-21920.html