Năm 2021 được coi là năm bùng nổ của các công nghệ tiên phong, có thể kể đến như Metaverse (hay còn gọi là vũ trụ kỹ thuật số), Robotic và trí tuệ nhân tạo. Các nghiên cứu về những công nghệ mới này không chỉ là lý thuyết mà đã được ứng dụng thành các sản phẩm phòng chống dịch COVID-19 và rất hữu ích cho nhiều lĩnh vực trong đời sống.
Tại Việt Nam, các nhà khoa học cũng đang phát triển các công nghệ đón đầu để bắt kịp xu hướng. Thiết bị bay giao hàng là một ví dụ.
Hạ cánh ngay trên nóc tòa nhà, vận tốc bay hơn 100 km/giờ, giao hàng nặng 4 kg. Đây là thiết bị bay giao hàng vừa được các nhà khoa học Việt nam nghiên cứu và sản xuất thành công. Ý tưởng về thiết bị bay giao hàng ra đời trong những ngày đại dịch COVID-19. Khi trường học Phenikaa trở thành điểm cách ly, nhu cầu giao thuốc men, thực phẩn trở nên cấp bách.
Kỹ sư Phạm Hoàng Sơn phụ trách nhóm Thiết bị bay giao hàng cho biết: "Không chỉ phục vụ trong đại dịch hay các khu cách ly, các kỹ sư trẻ hướng đến việc phát triển thiết bị bay này trở nên phổ biến vào mọi lĩnh vực trong đời sống, từ giao hàng thông thường đến theo dõi, phòng chống hỏa hoạn, cháy rừng… hay vận chuyển hàng đến vùng sâu, vùng xa".
Thiết bị được lập trình để có thể tự quay về sau khi giao hàng, tích hợp công nghệ 5G và trí tuệ nhân tạo. Thiết bị được kỳ vọng sẽ giúp thay đổi cách giao hàng truyền thống.
"Người dân có thể lên nóc các tòa nhà để nhận hàng và thay đổi cách nhận hàng truyền thống" - Kỹ sư Phạm Hoàng Sơn chia sẻ.
Thiết bị bay giao hàng này không phụ thuộc vào đường sá có tắc hay không, ban ngày hay ban đêm. Vì thế, thiết bị có thể giao hàng nhanh và chi phí giảm chỉ còn một nửa. Nhận thấy tiềm năng này, các hãng công nghệ trên thế giới đã đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ này
"Dự báo thị trường robot giao hàng sẽ tăng rất nhanh, không những một vài chục lần mà có thể tăng nhanh hơn thế" - ông Khổng Minh, Trưởng phòng Robotics, Viện nghiên cứu và công nghệ Phenikaa, cho biết.
Phương pháp giao hàng này hiện vẫn chỉ dừng ở mức độ thử nghiệm là chính. Nó chưa thể bay rộng rãi trên bầu trời do vướng các quy định về cấp phép bay. Ngoài ra, thiết bị cũng cần hoàn thiện để an toàn hơn cho người dân. Tuy nhiên, với tiềm năng vô cùng to lớn, các nhà khoa học Việt Nam đang đẩy mạnh nghiên cứu để không bỏ lỡ cơ hội. Việt Nam sẽ làm chủ công nghệ mà không phải nhập khẩu các thiết bị bay này.
Link nội dung: https://vsta.org.vn/tiem-nang-cua-thiet-bi-bay-giao-hang-san-xuat-tai-viet-nam-21955.html