Nghiên cứu công nghệ chế tạo thép đúc hợp kim mác CA15 để làm vỏ lót trục nghiền clinker trong sản xuất xi măng

Hiện nay, các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Đức là những nước xuất khẩu thép không gỉ. Khi làm chủ được công nghệ cán và đúc thép không gỉ, hàng năm Chính phủ các nước này đã tiết kiệm được một số lượng ngoại tệ khổng lồ từ việc không phải nhập thiết bị, sản phẩm thép không gỉ. Ngược lại, họ xuất khẩu một lượng lớn thép không gỉ dùng trong lĩnh vực y tế, hoá chất, xi măng… vào các nước thứ ba, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, công nghiệp sản xuất xi măng ở một số nhà máy Nghi Sơn, Hoàng Thạch, Bút Sơn, Hạ Long… hàng năm phải bảo dưỡng thay thế rất nhiều các sản phẩm chế tạo từ thép chịu nhiệt, thép không gỉ với khối lượng lớn tới hàng trăm tấn, giá thành nhập cao như: vỏ lót trục nghiền clinker, tấm ghi làm nguội clinker, tấm chặn gạch lò nung, các loại ống chứa liệu, ống cao áp… việc nghiên cứu và chế tạo thành công một số mác thép đang được sử dụng phổ biến sẽ góp phần làm giảm chi phí ngoại tệ, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá thiết bị cơ khí, góp phần đẩy ngành công nghệ chế tạo máy phát triển.

Để phát triển sản xuất và đáp ứng nhu cầu sử dụng vỏ lót trục nghiền clinker trong nước, năm 2019, KS. Phạm Thị Minh Phượng cùng các cộng sự tại Viện luyện kim đen, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu công nghệ chế tạo thép đúc hợp kim chất lượng cao mác CA15 để làm vỏ lót trục nghiền clinker”.

Đề tài nhằm mục tiêu xác lập được công nghệ hợp lý để chế tạo thép hợp kim mác CA15 đạt tiêu chuẩn ASTM A743/A743M-03 của Mỹ. Chế tạo Vỏ lót trục nghiền clinker, thử nghiệm và đánh giá chất lượng.

Đề tài thu được các kết quả sau:

1. Đã xác định được công nghệ sản xuất thép CA15 từ nguyên vật liệu và thiết bị trong nước bao gồm: công nghệ luyện thép, công nghệ đúc, công nghệ nhiệt luyện.

2. Đã xác định được các tính chất của thép CA15 (thành phần hóa học, cơ tính và tổ chức tế vi) đạt tiêu chuẩn ASTM A743/A743M-03 của Mỹ.

3. Kết quả dùng thử sản phẩm đã khẳng định chất lượng và khả năng sử dụng của thép CA15 do đề tài chế tạo là tốt.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17054/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

N.P.D (NASATI)

Link nội dung: https://vsta.org.vn/nghien-cuu-cong-nghe-che-tao-thep-duc-hop-kim-mac-ca15-de-lam-vo-lot-truc-nghien-clinker-trong-san-xuat-xi-mang-21974.html