Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim: 55 năm hành trình vươn tới những tầm cao

Sáng ngày 29/5/2022, tại Hà Nội, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập (1967 – 2022).

Đến dự buổi lễ có đại diện Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Hà Nội cùng đại diện các tập đoàn, tổng công ty, các công ty đối tác, các hiệp hội, hội, các viện, trường,...cùng các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động của Viện qua các thời kỳ.

Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (Viện hoặc VIMLUKI), tiền thân là Phân viện Luyện kim Màu thuộc Viện Luyện kim được Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công Thương) thành lập vào ngày 29/5/1967, trên cơ sở tách ra từ Viện Thiết kế Tổng hợp. Tới ngày 29/5/2022, Viện đã trải qua 55 năm hoạt động và trưởng thành ở vị trí một Viện Khoa học và Công nghệ hàng đầu trong ngành khai thác và chế biến khoáng sản Việt Nam.

z3455519020081-ab925b14ee68d327f20af4e4e9bcdcfa-1653963300.jpg
TS. Đào Duy Anh – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim đọc diễn văn khai mạc Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Viện.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, TS. Đào Duy Anh – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim cho biết: “Trong 55 năm hoạt động, mặc dù có nhiều lần thay đổi tên gọi cho phù hợp với thay đổi của Bộ chủ quản, song, chức năng, nhiệm vụ cốt lõi của Viện cho đến hiện nay vẫn không thay đổi mà chỉ mở rộng và chi tiết hơn.''

Theo đó, hoạt động chuyên môn của Viện tập trung vào 03 lĩnh vực chính là nghiên cứu - triển khai khoa học công nghệ (KHCN) trong lĩnh vực công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và môi trường công nghiệp; Làm dịch vụ KHCN và thử nghiệm sản xuất kinh doanh để thực hiện 02 chức năng là tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, tham mưu công tác quản lý ngành công nghiệp mỏ cho lãnh đạo bộ và song hành cùng ngành công nghiệp mỏ, các doanh nghiệp trong ngành trong việc đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp mỏ Việt Nam hướng tới ngành công nghiệp phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, tiếp thu và thích ứng với trình độ công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Điểm qua những thành tích đạt được của Viện trong suốt 55 năm qua, Viện trưởng – TS. Đào Duy Anh khẳng định, nhiều thế hệ cán bộ viên chức, người lao động của Viện đã vượt mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực lao động, công hiến để đóng góp vào sự phát triển ngành công nghiệp mỏ nói riêng và xây dựng đất nước nói chung. Thành quả của sự công hiến đó là các công trình khai thác, chế biến khoáng sản ở mọi miền đất nước, các tài liệu bao hàm cơ sở khoa học, pháp lý và thực tế giúp các cấp lãnh đạo quản lý, định hướng phát triển ngành... 

Trong công tác nghiên cứu triển khai KHCN, qua 55 năm hoạt động, Viện đã thực hiện hàng ngàn đề tài, dự án, đề án KHCN các cấp, nghiên cứu giải pháp quản lý. Riêng giai đoạn 2017-2021, Viện đã thực hiện 53 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia và cấp bộ, ngành với tổng giá trị thực hiện đạt trên 54 tỷ đồng. Các nhiệm vụ đều hoàn thành đúng tiến độ, được các hội đồng nghiệm thu đánh giá cao, nhiều công trình đã được chuyển giao kết quả ứng dụng vào sản xuất.

Một số công trình nghiên cứu KHCN tiêu biểu trong 05 năm gần đây có thể kể đến như: đề tài “Công nghệ khai thác và tuyển hợp lý nhằm phát triển bền vững tài nguyên sa khoáng titan-zircon trong tầng cát đỏ khu vực Bình Thuận, Việt Nam”, đề tài “Hoàn thiện công nghệ sản xuất thiếc 99,99% bằng phương pháp điện phân tinh luyện có màng ngăn”, dự án sản xuất thự nghiệm “Hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm đồng kim loại từ dung dịch ăn mòn bảng mạch thải chứa đồng”,…

Đáng chú ý, nhiều kết quả nghiên cứu, triển khai KHCN nổi bật của Viện đã được công bố trên các tạp chí uy tín, các báo cáo và tuyển tập báo cáo tại các Hội nghị KHCN trong và ngoài nước. Trong khi đó, hàng loạt kết quả nghiên cứu của các công trình KHCN do Viện thực hiện cũng đã được cấp bằng sáng chế và giải pháp hữu ích.

z3455519925041-41e6e9d5793db1630a6a24d91edff6ed-1653963300.jpg
Đông đảo đại biểu tới tham dự Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim.

Về dịch vụ KHCN, từ các kết quả nghiên cứu, triển khai KHCN đã tích lũy và thực hiện nghiên cứu dịch vụ cho các doanh nghiệp, Viện đã thực hiện các công tác dịch vụ như: nghiên cứu các giải pháp công nghệ khai thác, tuyển quặng, luyện kim..., tư vấn lập dự án đầu tư, đánh giá tác động môi trường, 

Đặc biệt, trong giai đoạn 2017-2021, toàn Viện đã thực hiện gần 427 hợp đồng trong các lĩnh vực nghiên cứu mẫu công nghệ, tư vấn phát triển dự án, thiết kế thi công và công tác môi trường, với tổng doanh thu hơn 150 tỷ đồng. Một số hợp đồng dịch vụ điển hình đã được Viện thực hiện như: Tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng công trình dự án khai thác và chế biến quặng Điatomit Phú Yên; Nghiên cứu mẫu công nghệ địa chất quặng mangan - sắt khu vực xã Đồng Tâm, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang; Nghiên cứu mẫu công nghệ thuộc đề án thăm dò quặng thiếc - kim loại hiếm khu vực Đồng Răm - La Vi, xã Ba Khâm và xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi; Nghiên cứu mẫu công nghệ đánh giá tính khả tuyển của quặng Graphit Văn Yên, Yên Bái;…

Đáng chú ý trong năm 2021, với kinh nghiệm đã từng chủ trì 12 nhiệm vụ lập Quy hoạch thăm dò, khai thác - chế biến và sử dụng khoáng sản do Bộ Công Thương quản lý, Viện đã tham gia dự thầu, trúng thầu và ký hợp đồng với chủ đầu tư Bộ Xây dựng năm 2021 để thực hiện Gói thầu TV-02 “Lập Quy hoạch thăm dò, khai thác - chế biến và sử dụng khoáng sản làm Vật liệu xây dựng và lập Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược”. Đây là hợp đồng tư vấn lập quy hoạch lớn lần đầu tiên Viện thực hiện với cơ quan ngoài Bộ Công Thương. Quy hoạch này sẽ là cơ sở phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, đồng thời sẽ là tiền đề mở ra một lĩnh vực dịch vụ khoa học công nghệ mới cho Viện.

z3455520686667-c96fc718393fb1d986d614868b5cfb4e-1653963300.jpg
 

Về hoạt động sản xuất kinh doanh, giai đoạn 2017-2021, tổng doanh thu từ hoạt động dịch vụ và sản xuất kinh doanh tại 3 khu vực Hà Nội, Thái Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh là khoảng 1.780 tỷ đồng. Các sản phẩm chủ lực của Viện là thiếc kim loại có độ sạch 99,75%, 99,95%, và 99,99 % Sn, các hợp kim thiếc hàn, các sản phẩm hợp kim thép có tính năng chịu mài mòn, va đập, các loại hợp kim đồng, máy móc, thiết bị cho ngành công nghiệp mỏ,... được sản xuất từ việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu đã đem lại doanh thu trung bình trên 350 tỷ đồng/năm trong giai đoạn này.

Về hoạt động hợp tác quốc tế, hiện tại, Viện đã xây dựng được quan hệ hợp tác về R-D, trao đổi đoàn tham quan, thực tập ngắn hạn KHCN… với các tổ chức khoa học công nghệ của quốc gia, trường đại học, tập đoàn công nghiệp… ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Thụy Điển, Nga, Úc, Mỹ, Canada, Nam Phi, Phần Lan… Thông qua hoạt động hợp tác Quốc tế, cán bộ khoa học của Viện đã học hỏi được nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý, đặc biệt là qua hợp tác phát triển một số dự án, đội ngũ cán bộ của Viện đã tự tin khi tự phát triển các dự án lớn tương tự. Đồng thời, thông qua hợp tác, các đối tác nước ngoài cúng hiểu thêm về tiềm lực cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ KHCN của Viện, qua đó, một số nhiệm vụ dịch vụ KHCN của các tập đoàn nước ngoài đã được tin tưởng giao cho Viện thực hiện.

z3455521432260-e21fc1ac41a9ec3520ec00990ed67191-1653963300.jpg
 

Tới dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) chúc mừng những thành tựu mà các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động của Viện đã đạt được trong 55 năm xây dựng và phát triển, đồng thơi cho rằng thành tích hoạt động Viện đã đạt được là rất đáng tự hào. 

Mỗi cá nhân, từng đơn vị trong toàn Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ -Luyện kim cần nhận thức sâu sắc và nỗ lực phát huy những kết quả đạt được, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo để tranh thủ cơ hội và khắc phục khó khăn, chủ động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Theo đồng chí Lý Quốc Hùng, phải xác định: Mọi hoạt động KHCN phải gắn với sản xuất; Những đề tài nghiên cứu, đề án thiết kế, nhiệm vụ tư vấn và các dịch vụ chuyên môn phải bắt nguồn trước hết từ yêu cầu sản xuất của ngành mỏ và luyện kim, làm sao nhanh nhất trở lại phục vụ sản xuất; Đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác chuyên môn giữa Viện với các doanh nghiệp, gắn bó bằng những lợi ích chính đáng của các bên và theo những nguyên tắc của cơ chế thị trường.

Trên cơ sở định hướng hoạt động KHCN ngành Công Thương, định hướng chiến lược phát triển của lĩnh vực khai thác mỏ, tuyển khoáng, luyện kim, vật liệu mới, môi trường công nghiệp và phân tích hóa-lý và thực trạng phát triển trong 55 năm qua, đồng chí Lý Quốc Hùng lưu ý Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim cần tập trung thực hiện một số định hướng chính như: Tái cơ cấu Viện một cách toàn diện theo chỉ đạo của Bộ Công Thương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả; thực hiện tốt chức năng tham mưu công tác quản lý ngành cho lãnh đạo Bộ Công Thương và Chính phủ; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu triển khai, tăng cường sự gắn kết giữa các tổ chức về nghiên cứu, đào tạo trong nước trong lĩnh vực KHCN; gìn giữ sự đoàn kết và thống nhất trong toàn Viện với vai trò lãnh đạo của Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể....


 Nguồn:https://khcncongthuong.vn/

Link nội dung: https://vsta.org.vn/vien-khoa-hoc-va-cong-nghe-mo-luyen-kim-55-nam-hanh-trinh-vuon-toi-nhung-tam-cao-22177.html