Viện Nghiên cứu Sành sứ Thuỷ tinh Công nghiệp: Hoạt động KHCN gắn liền với thực tiễn

Với vai trò là một viện nghiên cứu đầu tàu trong lĩnh vực công nghệ sành sứ - thủy tinh, Viện Nghiên cứu Sành sứ Thuỷ tinh Công nghiệp đã thực hiện nhiều nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, đặc biệt là đẩy mạnh nghiên cứu chế biến sâu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành gốm sứ thủy tinh công nghiệp.

Đáng chú ý, các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ của Viện đều theo hướng gắn liền với nhu cầu của thực tiễn sản xuất, qua đó góp phần sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng và thúc đẩy phát triển ngành.

TS. Chu Văn Giáp - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sành sứ Thuỷ tinh Công nghiệp cho hay, trong những năm qua, Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp đã nỗ lực trong các hoạt động khoa học công nghệ (KH&CN) và đã đạt được những kết quả ở cả ba lĩnh vực: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; dịch vụ KH&CN; giới thiệu sản phẩm và chuyển giao công nghệ. 

Cụ thể, năm 2020 việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Viện đã được cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước. Điều này được thể hiện thông qua số lượng nhiệm vụ, năng lực, quy mô cũng như lĩnh vực nghiên cứu. Theo đó, tổng số đề tài/dự án Viện thực hiện tăng từ 09 nhiệm vụ năm 2019 lên 14 nhiệm vụ năm 2020. So với năm 2019, năng lực nghiên cứu năm 2020 cũng tăng hơn 70%.

Đặc biệt, các kết quả nghiên cứu của Viện đã có sự chuyển dịch từ lĩnh vực gốm sứ dân dụng và mỹ nghệ sang các lĩnh vực gốm sứ kỹ thuật và chế biến sâu nguyên vật liệu phục vụ ngành gốm sứ thủy tinh công nghiệp. "Kết quả này góp phần nâng cao vị thế, tạo động lực phát triển cho Viện và cho ngành gốm sứ thủy tinh trong thời gian tới" - TS. Chu Văn Giáp nhấn mạnh.

moc-1654139187.jpg
Viện Nghiên cứu Sành sứ Thuỷ tinh Công nghiệp đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động nghiên cứu KH&CN. (Ảnh: Viện Nghiên cứu Sành sứ Thuỷ tinh Công nghiệp)

Trong khi đó, dịch vụ phân tích và thử nghiệm cũng ghi dấu ấn với nhiều kết quả tích cực. Với hơn 30 chỉ tiêu thử nghiệm hóa học và cơ lý đối với các nguyên vật liệu, sản phẩm gốm sứ thủy tinh, hệ thống phân tích và thử nghiệm của Viện không chỉ được Bộ Công Thương cấp chứng nhận hoạt động thử nghiệm mà còn được Văn phòng Công nhận chất lượng Việt Nam công nhận phù hợp theo ISO/IEC 17025:2017.

Bên cạnh đó, Viện còn đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao công nghệ và phát triển sản phẩm theo các lĩnh vực chế biến nguyên liệu gốm sứ thủy tinh công nghiệp, gốm sứ dân dụng và gốm sứ kỹ thuật. Điều đáng nói là số lượng các công nghệ có khả năng chuyển giao là tương đối lớn. Nhiều công nghệ tiêu biểu có thể kể đến như: Công nghệ chế tạo tấm xốp >95% Al2O3 nhằm sử dụng làm vật liệu kết cấu cách nhiệt trong chế tạo lò nung nhiệt độ cao; công nghệ sản xuất tấm gốm chịu nhiệt, chịu sốc nhiệt làm đầu đốt hồng ngoại; công nghệ sản xuất chén nung, thuyền nung làm việc ở nhiệt độ cao tới 1700oC hệ alumin,...

Đặc biệt, hoạt động sản xuất thử nghiệm và giới thiệu sản phẩm của Viện có nhiều chuyển biến theo hướng hoàn thiện đến sản phẩm cuối cùng. Một số các sản phẩm đã được đưa ra thị trường như: Trống sứ và trục sứ cách điện, thủy tinh thạch anh cách điện và chịu nhiệt, cyclon thủy lực, các loại nguyên vật liệu sản xuất gốm sứ chất lượng cao (cao lanh, bột talc). Trong đó, nhiều sản phẩm thử nghiệm đã khẳng định được chất lượng, được sử dụng thử nghiệm và quy mô bán công nghiệp, đáp ứng và thay thế một phần sản phẩm nhập khẩu.

Trong giai đoạn vừa qua, Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp đã tận dụng các nguồn lực, tập trung triển khai thực hiện các dự án, nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN theo hướng thúc đẩy hiện đại hóa của ngành sản xuất sành sứ-thủy tinh. Trong thời gian tới, Viện định hướng tiếp tục phát huy thế mạnh nghiên cứu, tích cực đẩy mạnh các dự án sản xuất thử nghiệm kết hợp chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp.

Link nội dung: https://vsta.org.vn/vien-nghien-cuu-sanh-su-thuy-tinh-cong-nghiep-hoat-dong-khcn-gan-lien-voi-thuc-tien-22182.html