Chính sách hỗ trợ tìm kiếm, kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo

anh-4-toan-canh-hoi-thao1-1659317017.jpg
Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có: ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; cùng hơn 200 đại biểu là Lãnh đạo ĐHQGHN, các nhà khoa học, lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN, ĐHQGHN, ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh, Sở KH&CN một số tỉnh/thành phố, hiệp hội, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học…

Doanh nghiệp là trung tâm của Đổi mới sáng tạo

Hội thảo nhằm mục đích cung cấp thông tin về chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động tìm kiếm, kết nối, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo; nắm bắt nhu cầu chuyển giao, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp và khả năng đáp ứng của các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong và ngoài nước. Hội thảo còn mở ra cơ hội kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp với các đơn vị nghiên cứu nhằm giải quyết các bài toán lớn của quốc gia, tăng cường đóng góp của KH&CN vào phát triển kinh tế - xã hội.

anh-1-bo-truong-bo-khcn-3-1659317017.jpg
Ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt chia sẻ, với triết lý lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN đang thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ KH&CN với mục tiêu cung cấp các hỗ trợ đồng bộ, từ hoạt động tìm kiếm, xác định nhu cầu công nghệ đến hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của riêng ngành KH&CN mà còn là nhiệm vụ của tất cả các ngành, các cấp. Nhiệm vụ này rất cần sự chủ động tham gia tích cực và sự đồng hành xuyên suốt của tất cả các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học…

anh-3-vnu-giam-doc-dhqghn-le-quan-2-1659316934.jpg
Ông Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, là một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu KH&CN hàng đầu đất nước, ĐHQGHN luôn chú trọng mục tiêu làm chủ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ phục vụ tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, xã hội. ĐHQGHN được Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao nhiều chương trình, nhiệm vụ KH&CN trọng điểm như: Chương trình KH&CN trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc, Dự án Dịch thuật và phát huy tinh hoa giá trị các tác phẩm kinh điển phương Đông, Nhiệm vụ xây dựng Bộ Địa chí quốc gia Việt Nam. Mới đây nhất, ĐHQGHN đã phê duyệt chương trình trọng điểm “Khoa học và công nghệ phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh ven biển”. Đây là một điển hình cho mô hình hợp tác phát triển sản phẩm ứng dụng giữa ba bên Trường Đại học - Doanh nghiệp - Địa phương.

Ông Lê Quân cho rằng, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm tạo điều kiện để các sản phẩm KH&CN trở thành hàng hóa, nhanh chóng chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Hoàn thiện cơ chế chính sách

Chia sẻ về chính sách hỗ trợ tìm kiếm, kết nối, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo, ông Phạm Thế Dũng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ, Bộ KH&CN cho biết, trong khuôn khổ đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Bộ KH&CN đã xây dựng và triển khai Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2030 và Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030. Các chương trình, đề án đã hình thành hành lang pháp lý và chuỗi hỗ trợ có hệ thống, tập hợp được các nguồn lực cần thiết trong và ngoài nước để hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia nói chung.

Theo ông Phạm Thế Dũng, để các chương trình, đề án đi vào thực tiễn, cần có sự tham gia phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp để triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, đáp ứng nhu cầu ngày càng cấp thiết của doanh nghiệp và nền kinh tế. Hoạt động hỗ trợ, tìm kiếm, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo là cần thiết và quan trọng, giúp doanh nghiệp phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước hội nhập với quốc tế.

Trao đổi tại Hội thảo, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn đánh giá cao những kết quả nghiên cứu mà ĐHQGHN đã chuyển giao cho thành phố Hà Nội trong thời gian qua nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển của Thủ đô và đất nước. Ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, ĐHQGHN và Sở KH&CN Hà Nội cần tiếp tục phối hợp đề xuất, nghiên cứu một số chương trình KH&CN tổng thể, thay vì triển khai các nhiệm vụ đơn lẻ, để ứng dụng trực tiếp các kết quả nghiên cứu cho Thủ đô. Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội cũng đề xuất với Bộ KH&CN nghiên cứu tháo gỡ các vướng mắc về hành lang pháp lý trong quản lý, đồng thời tạo điều kiện cho các đơn vị nghiên cứu chuyển giao kết quả nghiên cứu cho các doanh nghiệp.

Ông Trần Quang Tuấn - Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ tìm kiếm, kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương. Theo đó, thành phố Hải Phòng đã triển khai xây dựng sàn giao dịch KH&CN, khảo sát nhu cầu, tạo lập mạng lưới kết nối cung - cầu trong và ngoài nước. Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng đề xuất đặt hàng các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ biển, đặc biệt là công nghệ khai thác năng lượng biển, công nghệ sinh vật biển và hậu cần nghề cá của địa phương, công nghệ chế biến thủy hải sản, công nghệ đóng tàu, logistics, nghiên cứu giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển…

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN, KH&CN hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội: kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch. GS.Vũ Minh Giang đưa ra đề xuất ứng dụng KH&CN trong khai thác các tiềm năng du lịch, khai thác di sản văn hóa như nguồn tài nguyên. Để làm được việc này, ông cho rằng, nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp cần có chính sách kết nối cùng cơ chế phối hợp chặt chẽ, từ đó rà soát các hiện trạng để đưa ra giải pháp tháo gỡ nhằm đưa ngành công nghiệp du lịch, văn hóa phát triển bắt kịp xu hướng của khu vực và quốc tế.

anh-2-thu-truong-bo-khcn-1659316934.jpg
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại Hội thảo

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đánh giá cao các ý kiến tâm huyết đến từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp và các nhà khoa học đóng góp cho hoạt động tìm kiếm, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thứ trưởng nhấn mạnh, thông qua Hội thảo này nhiều thông tin hữu ích về vai trò của các trường đại học và kinh nghiệm, đề xuất để tăng cường kết nối giữa khu vực nghiên cứu và khu vực sản xuất, tạo lập hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở quốc gia đã được cung cấp. Các ý kiến đóng góp ngày hôm nay là thông tin quan trọng và có ý nghĩa để Bộ KH&CN sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản luật có liên quan nhằm tăng hiệu quả hỗ trợ tìm kiếm, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo nói riêng, triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo nói chung, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Link nội dung: https://vsta.org.vn/chinh-sach-ho-tro-tim-kiem-ket-noi-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-22251.html