Chương trình dành cho lập trình viên độ tuổi 18-35, có sở thích và chuyên môn lĩnh vực AI. Sau thời gian đăng ký, vòng loại kéo dài từ ngày 22/8 đến 30/8. Các đội có thể lựa chọn giải quyết một trong hai bài toán: Menu thông minh (thiết kế phần mềm nhận tên và giá của các món ăn trên menu sau đó chuyển đổi ngôn ngữ qua tiếng Anh) và Phân tích nhận xét (thiết kế hệ thống tự động phân tích các bài đánh giá từ khách du lịch, đưa ra thang điểm về sự hài lòng từ một đến 5).
Bài toán số một, điểm của đội thi sẽ được tính bằng trung bình điểm của từng ảnh trong bộ dữ liệu. Trên mỗi ảnh, điểm được tính trên cặp điểm F1 (tên món ăn tiếng Việt, giá tiền) cộng với điểm số F1 của món ăn tương ứng dịch ra tiếng Anh. F1 của tiếng Việt có trọng số là 0,9; phần dịch sang tiếng Anh có trọng số là 0,1.
Hiện có hơn 20 đội thi đã được ghi nhận điểm ở đề một. Mỗi ngày đội thi có thể nộp bài một lần, tối đa ba lần suốt thời gian thi. Đội đạt điểm cao nhất là "Laugh Tale" với 0,56 điểm, thời gian chạy 163 giây.
Ở bài toán số hai, mỗi mẫu có đầu ra dạng vector 6 chiều ứng với 6 khía cạnh, mỗi chiều nhận thuộc đoạn nguyên giá trị [0,5] tương ứng: 0 là không có cạnh và 1-5 đánh giá số sao của biểu cảm mức độ nếu khía cạnh đó xuất hiện. Riêng với đề hai, đội có thể nộp tối đa 10 lần suốt từ nay đến 30/8. Ở đề hai hiện có 20 đội nộp mô hình, điểm cao nhất thuộc về CTA Matrix với số điểm 0,75, thời gian chạy 290 giây.
Thời gian xử lý trên tập dữ liệu riêng tư là 20 phút, ban tổ chức sẽ chạy mô hình với thử nghiệm trên CPU. Các đội được sử dụng thêm dữ liệu ngoài cuộc thi để cải tiến mô hình, dữ liệu phải được công khai và báo nguồn cụ thể. Mô hình nào không thỏa mãn tiêu chí sẽ phải điều chỉnh và nộp lại bài.
Điểm tối đa từ ban tổ chức là một. Số điểm cao nhất trong các lần nộp sẽ được tính là thành tích cuối cùng. Trường hợp hai đội có cùng điểm, ban tổ chức sẽ kiểm tra các mức độ ưu tiên như: thời gian chạy, kích thước mô hình.
Ông Vũ Tự Cường - Chuyên gia công nghệ tại QAI, thành viên ban giám khảo đánh giá chất lượng các bài thi khá tốt. Dữ liệu ban tổ chức cung cấp có rất nhiều điểm gây nhiễu, tuy nhiên trong khoảng thời gian ngắn có nhiều đội đã cho ra kết quả mô hình khả quan.
Sáu bài thi có điểm cao nhất ở hai thử thách này sẽ tranh tài trong chung kết ngày 10/9 tại Quy Nhơn. Tại chung kết, các đội cần thiết kế một hệ thống tự động đề xuất lịch trình du lịch cho công ty. Lịch trình dựa trên yếu tố về thời gian, địa điểm và mức độ ưu tiên cho từng điểm tham quan của từng thành viên trong đoàn.
Các đội tham gia chung kết có cơ hội trực tiếp tham quan Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn (QAI - FPT Software), giúp lập trình viên có cảm nhận tốt hơn về công việc sau này.
"Nhóm dự chung kết sẽ được giao lưu chia sẻ với các chuyên gia, những người đang trực tiếp xây dựng phần mềm AI hiện nay ở FPT. Các đội cũng được giao lưu với các lãnh đạo về định hướng của Việt Nam cho các ngành công nghệ cao, có thêm kiến thức về chuyên môn", ông Cường cho biết.
Giải thưởng tiền mặt gồm: giải nhất 150 triệu đồng, giải nhì 70 triệu đồng và giải ba 30 triệu đồng. Các ứng dụng trợ lý ảo đạt giải sẽ được bảo trợ để hoàn thiện và ứng dụng vào thực tế, hỗ trợ trải nghiệm du lịch địa phương.
"Quy Nhơn AI Hackathon 2022" do QAI, FPT Software tổ chức dưới sự bảo trợ truyền thông và chuyên môn của AI4VN. Chương trình AI4VN là ngày hội lớn nhất về AI tại Việt Nam, tổ chức thường niên bởi Bộ Khoa học Công nghệ và Aus4Innovation; báo VnExpress là đơn vị đồng hành truyền thông và phối phợp tổ chức.
Minh Tú
Link nội dung: https://vsta.org.vn/ai-hackathon-2022-thu-hut-nhieu-mo-hinh-thong-minh-22296.html