Tham dự sự kiện có trên 600 đại biểu trong nước và quốc tế dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, trong đó khoảng 300 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 300 đại biểu tham dự trực tuyến với nhiều đại sứ quán các nước như: Pháp, Úc, Israel, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Cộng hòa Séc, Thái Lan, Đan Mạch...
Diễn đàn là nơi chia sẻ, thảo luận về các chính sách, giải pháp công nghệ và chương trình hỗ trợ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh và bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, chuyển đổi năng lượng sang hệ thống phát thải không carbon đòi hỏi cả sự chuyển dịch năng lượng từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo và việc gia tăng mạnh mẽ về tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả. Tại Việt Nam, từ năm 2003, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả được xem là những nội dung quan trọng trong chính sách phát triển năng lượng của Việt Nam, cho đến nay đã có nhiều quy định được ban hành ở nhiều cấp như Luật, Nghị định, thông tư, quyết định, quy chuẩn, tiêu chuẩn, trong đó đề cập tới nội dung về công nghệ và sự cần thiết ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong phát triển năng lượng. Có thể thấy, định hướng của Đảng và Chính phủ là rất phù hợp với xu thế chung toàn cầu, đặc biệt trong việc sử dụng khoa học và công nghệ để đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế không đánh đổi môi trường cũng như đảm bảo những cam kết của Việt Nam với quốc tế, trong đó có cam kết trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại COP26 năm 2021.
Do vậy, Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam được tổ chức định kỳ hằng năm theo từng chủ đề được tổ chức để tạo cơ hội trao đổi, cập nhật, thảo luận các chính sách tại Việt Nam đồng thời giới thiệu, cập nhật những thông tin công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng.
Thông tin từ Ban Tổ chức Diễn đàn cho biết, Việt Nam là quốc gia xếp thứ sáu trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, đồng thời có tổng lượng phát thải khí nhà kính hằng năm lớn. Theo báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam năm 2021 đã nêu, nước ta có nhiều tiềm năng chuyển đổi xanh để trở thành một nền kinh tế có mức phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Theo đó, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Trên thế giới, các cuộc xung đột chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về khí hậu diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn, những tác động của hiện tượng ấm lên, nước biển dâng, cháy rừng, lũ lụt đang ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh năng lượng, lương thực, nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe doạ sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư.
Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2022, Ngân hàng Thế giới nhận định sau hơn 2 năm đại dịch, cùng với tác động lan toả từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina, hoạt động kinh tế toàn cầu giảm mạnh, dự kiến chỉ đạt 2,9% năm 2022, một trong những lý do là giá năng lượng ngày một tăng, tình trạng thiếu hụt và giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao đã xảy ra trong các chuỗi giá trị toàn cầu, dẫn tới sản xuất đình trệ và giá sản xuất tăng lên.
Trong bối cảnh trong nước và thế giới như hiện nay, giải pháp thúc đẩy sử dụng tiết kiệm và hiệu quả về năng lượng cần đặt lên hàng đầu. Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022 được tổ chức góp phần thực hiện tốt các cam kết tại Hội nghị COP26 và theo tinh thần của Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An, cường độ sử dụng năng lượng Việt Nam luôn ở mức 2 con số, trong bối cảnh nguồn cung sơ cấp thiếu, phụ thuộc nguồn nước ngoài cần đặt bài toán để sử dụng năng lượng ít, làm thế nào để hệ số tăng trưởng điện trên trên GDP giảm xuống dưới 1. Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng là giải pháp rẻ nhất để tăng cường nguồn cung, đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn tiếp cận được các công nghệ mới của thế giới, hơn nữa là ứng dụng những công nghệ này cho Việt Nam.
Được biết, Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng” mã số KC.05/21-30 với mục tiêu chính ứng dụng và làm chủ các công nghệ, thiết bị tiên tiến trong thăm dò, khai thác, sản xuất và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp, năng lượng sạch, năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo góp phần giảm phát thải khí nhà kính, đáp ứng chiến lược và định hướng phát triển năng lượng quốc gia; Phát triển công nghệ, thiết bị tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, độ an toàn, tin cậy trong sản xuất, truyền tải, phân phối và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Tiếp thu, ứng dụng, phát triển công nghệ lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu và công nghệ bức xạ, đồng vị phóng xạ trong các ngành, lĩnh vực.
Diễn đàn gồm hai phiên, tại Phiên đầu tiên đã giúp các nhà hoạch định chính sách, các đơn vị quản lý nhà nước, chuyên gia tư vấn chiến lược và cộng đồng nhà khoa học trong và ngoài nước cùng chia sẻ và thảo luận chính sách đồng thời cung cấp thông tin hữu ích trong các chương trình hỗ trợ sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh góp phần thực hiện các mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26.
Phiên thứ hai đặc biệt quan trọng với sự tham gia của cộng đồng các viện trường, các nhà khoa học công nghệ trong và ngoài nước sẵn sàng tiếp nhận các đặt hàng từ các nhà quản lý, địa phương và doanh nghiệp của Việt Nam. Đồng thời, giới thiệu các xu hướng công nghệ mới tới cộng đồng giúp sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm trong bối cảnh mới.
Bên cạnh đó, Diễn đàn đã đưa ra bức tranh tổng quan về nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới; tiếp nhận ý kiến đóng góp từ chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong nước và quốc tế ... đề xuất các giải pháp xây dựng hoàn thiện chính sách ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển năng lượng bền vững; Thảo luận về lộ trình thực hiện cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26 đặc biệt nhấn mạnh về công nghệ khuyến cáo nên sử dụng; Đưa lĩnh vực ứng dụng công nghệ trong năng lượng trở thành một lĩnh vực đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và bảo vệ môi trường; hình thành và đưa vào hoạt động có hiệu quả mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong hoạt động quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, trong các tòa nhà và trong đời sống xã hội...
Cùng với đó, Diễn đàn đề ra định hướng và phương án phát triển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo, chú trọng hiệu quả hoạt động, ứng dụng công nghệ mới, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, phát triển nguồn nhân lực; vận động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các địa phương trong từng lĩnh vực, trong doanh nghiệp và từng cá nhân; Từng bước tiếp nhận, chuyển giao và làm chủ công nghệ tiên tiến nhập khẩu, xây dựng và phát triển năng lực nội sinh về công nghệ trong doanh nghiệp, tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật làm nền tảng phục vụ ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Với 17 tham luận được trình bày tại Diễn đàn đã cho thấy tiềm năng khoa học và công nghệ, tâm huyết của các nhà khoa học, doanh nghiệp với năng lượng nước nhà là rất lớn. Năng lượng là điều kiện tiên quyết để phát triển đất nước. Chủ đề công nghệ là chủ đề lớn xuyên suốt của Diễn đàn được thảo luận nhằm hướng đến đảm bảo an ninh năng lượng. Tại Diễn đàn, ngoài việc đưa ra những định hướng lớn, những ý kiến thảo luận của những chuyên gia, doanh nghiệp đã nhận diện, tháo gỡ một số tồn tại, xác định nhu cầu thực tế cũng như đánh giá tính khả thi, tính ứng dụng, tính phù hợp và khả năng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam để làm cơ sở cho các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương trong công tác xây dựng chính sách cũng như thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ sau này.
Link nội dung: https://vsta.org.vn/su-dung-tiet-kiem-va-hieu-qua-ve-nang-luong-can-dat-len-hang-dau-22367.html