Doanh nghiệp nội dung số Việt lên tiếng bị thua thiệt trên môi trường số

Nhiều doanh nghiệp cho biết, dù Việt Nam đã có hành lang pháp lý nhưng việc thực thi lại chậm chạp và thiếu công cụ hữu hiệu để bảo vệ các doanh nghiệp nội dung số trên không gian mạng.

Thách thức cạnh tranh của các doanh nghiệp nội dung số

Sáng 28/9, Câu lạc bộ Nhà báo CNTT tổ chức tọa đàm Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số. 

Theo ông Tạ Mạnh Hoàng, CEO Sconnect, Việt Nam vẫn chưa có chính sách cũng như hoạt động hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp nội dung số trong bối cảnh Internet tăng trưởng mạnh và có nhiều đóng góp cho nền kinh tế.

thieu-cong-cu-1664472264.jpg
Toàn cảnh Tọa đàm Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số.

Ông Hoàng cho hay, các lĩnh vực thương mại điện tử, du lịch, vận chuyển hàng hóa trên môi trường số đang chiếm tỷ trọng lớn và có mức độ tăng trưởng gấp 2 - 3 lần so với trước đây, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp công nghệ số. CEO Sconnect cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 700.000 doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế số với nguồn nhân lực trẻ, sáng tạo và dễ dàng thích nghi với công nghệ. 

Dù đánh giá cơ hội lớn nhưng ông Tạ Mạnh Hoàng cho rằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức. Vị này nhận xét dù đã có hành lang pháp lý nhưng thực tế lại rất khó áp dụng cho các nền tảng xuyên biên giới. Đồng thời, thiếu công cụ hữu hiệu để chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ các doanh nghiệp Việt trên không gian mạng.

canh-tranh-tren-khong-gian-mang-2-1664472298.jpg
Ông Tạ Mạnh Hoàng, CEO Sconnect Việt Nam

Việc áp dụng quy định pháp luật hiện hành với chủ thể nước ngoài còn có nhiều hạn chế dẫn đến những thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong nước. Đó là chưa kể những rủi ro khi đối mặt với các cuộc tấn công trên không gian mạng hay tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong vận hành.

Nêu dẫn chứng ở chính doanh nghiệp của mình, ông Hoàng cho biết Sconnect đang phải đối mặt nhiều vấn đề khi đối thủ (Entertainment One UK Limited) lợi dụng chính sách của các nền tảng xuyên biên giới để cạnh tranh không lành mạnh trong vụ việc “Sói Wolfoo” và “lợn Peppa Pig”. Đến nay, các hoạt động của Sconnect đang bị gián đoạn khi phải dồn nguồn lực triển khai các hoạt động pháp lý và không thể kinh doanh với các đối tác.

Trước tình trạng này, ông Tạ Mạnh Hoàng bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện sớm quy định của pháp luật, cơ chế áp dụng pháp luật phù hợp với nền kinh tế số và áp dụng với cả các chủ thể nước ngoài; Hướng dẫn và có định hướng các doanh nghiệp số phát triển theo chủ trương định hướng kinh tế số của Chính phủ; Tăng cường hợp tác quốc tế, ký kết những hiệp ước tương trợ pháp lý với các quốc gia khác nhằm đảm bảo giá trị pháp lý của các quy định pháp luật Việt Nam cũng có giá trị toàn cầu.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm này, ông Trịnh Quốc Khánh, Giám đốc đào tạo Ant Group – công ty chuyên sản xuất âm nhạc cho hay, công ty đã có gặp vấn đề bản quyền bên Mỹ khi tranh chấp với các đơn vị khác trên YouTube. Cụ thể bài hát do Ant Group sản xuất, sau đó một đơn vị khác ở nước ngoài lấy bản quyền, đăng ký giai điệu bài hát. Khi đó, Ant Group chưa có giấy tờ pháp lý trên nền tảng YouTube nên bị đánh bản quyền và không thể sản xuất nội dung về bài hát đó. Công ty đang gửi giấy phép cho YouTube nhưng YouTube yêu cầu phải có đơn vị pháp lý ở Việt Nam chấp nhận vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, lúc đó mới có thể xử lý được toàn bộ vấn đề. Hiện công ty đang cần giấy tờ xác minh và sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, khi đó các đơn vị bên Mỹ mới giải quyết được.

 Chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam, ông Võ Thanh Hải, CEO Viettel Media đánh giá bản quyền vi phạm tại Việt Nam là một bài toán tương đối nhức nhối. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp mới, startup, nguồn lực, kinh phí thực hiện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế. “Do đó, cần có sự chung tay của cơ quan quản lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng đối với cộng đồng sáng tạo - một cộng đồng mong manh, thiếu nguồn lực” ông Võ Thanh Hải nói.

TÀI TRỢ

Doanh nghiệp nội dung số phải có ý thức về quyền sở hữu trí tuệ

Theo ông Huy Phạm, Giám đốc Văn phòng MeTub tại Hà Nội, bản thân các nhà sáng tạo nội dung phải có ý thức về bản quyền. Các doanh nghiệp cần đăng ký ngay tác quyền, quyền sở hữu trí tuệ ngay khi sản xuất nội dung và đưa sản phẩm lên mạng. Thậm chí, cần đăng ký ngay khi đang là ý tưởng và đăng ký cả trên thị trường quốc tế. Chỉ khi đó, doanh nghiệp mới có được căn cứ pháp lý khi tranh chấp xảy ra.

canh-tranh-tren-khong-gian-mang-1664472335.jpg
Tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp và các hiệp hội.

Đồng tình với ý kiến trên, Luật sư Hà Liên cho rằng, ngay từ thời điểm đăng tải sản phẩm tinh thần lên không gian số, chủ sở hữu nên cân nhắc vấn đề ghi danh của mình. Liên quan đến vấn đề xác lập quyền sở hữu bản quyền và xác lập quyền đối với quyền sở hữu công nghiệp như nhãn hiệu - đây là hai cơ chế bảo vệ bản quyền khác nhau theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. 

canh-tranh-tren-khong-gian-mang-3-1664472358.jpg
Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ

Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức nhất là phía doanh nghiệp. Điều này thể hiện trong thực tiễn khi cơ quan quản lý có nhiều hoạt động phổ biến, hỗ trợ nhưng lại chưa được doanh nghiệp quan tâm. Nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp cần thay đổi căn bản, nếu không sẽ chẳng thể giải quyết được các vụ việc phát sinh.

Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ nhận định, quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề phức tạp, có chuyên môn sâu. Do đó, các doanh nghiệp cần có cách tiếp cận rõ ràng, chuyên nghiệp và đầu tư đúng mức, đặc biệt là về nguồn lực con người. Các cơ quan Nhà nước đã nỗ lực xây dựng và phát triển môi trường lành mạnh về sở hữu trí tuệ nên doanh nghiệp phải chung tay hưởng ứng.

Duy Vũ

Link nội dung: https://vsta.org.vn/doanh-nghiep-noi-dung-so-viet-len-tieng-bi-thua-thiet-tren-moi-truong-so-22397.html