Doanh thu công nghiệp ICT tiếp tục tăng trưởng mạnh và là điểm sáng xuất khẩu trong quý 3. Theo số liệu của Bộ TT&TT, doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT ước đạt 2,55 triệu tỷ đồng (tương đương 109,5 tỷ USD) tăng 13% so với cùng kỳ.
Chiếm tới 90% tổng doanh thu của ngành là từ phần cứng, điện tử với 2,27 triệu tỷ đồng (tương đương 97 tỷ USD). Doanh thu từ lĩnh vực này đã đạt 74% so với kế hoạch năm 2022 (148 tỷ USD).
Các số liệu thống kê cho thấy giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử đạt 90,7 tỷ USD, đã tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, trị giá xuất khẩu máy tính và linh kiện ước đạt 43,1 tỷ USD, tăng trưởng 17,9%; còn xuất khẩu điện thoại và linh kiện có tốc độ tăng trưởng 5,6% với trị giá ước đạt 43,3 tỷ USD. Phần lớn doanh thu xuất khẩu phần cứng, điện tử vẫn đến từ khu vực FDI với khoảng 90%.
Theo Bộ TT&TT, doanh thu tăng đột biến do chính sách mở cửa nền kinh tế của Chính phủ tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu và sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng. Theo dự báo, doanh thu lĩnh vực này sẽ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh do từ quý 3 đến cuối năm là mùa cao điểm, khi các doanh nghiệp FDI tăng công xuất xuất khẩu các đơn hàng.
Theo ước tính từ nay đến cuối năm, doanh thu lĩnh vực dự kiến đạt 3,55 triệu tỷ đồng (tương đương 152 tỷ USD), vượt 2,7% so với kế hoạch năm.
Tiến gần mục tiêu phát triển doanh nghiệp công nghệ số
Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 đặt mục tiêu phát triển 80.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2025.
Theo thống kê, kể từ tháng 8 đến nay, Việt Nam đã có thêm 400 doanh nghiệp công nghệ số. Như vậy, Việt Nam đã có khoảng 68.800 doanh nghiệp công nghệ số, với tỷ lệ vào khoảng 0,698 doanh nghiệp/1.000 dân. Con số này đã gần sát với mục tiêu đặt ra trong năm 2022 về tỷ lệ doanh nghiệp.
Dù vẫn còn chiếm phần doanh thu nhỏ trong “miếng bánh” của ngành, nhưng bước tiến đáng ghi nhận không chỉ ở số lượng, bởi các doanh nghiệp công nghệ “đầu đàn” đã có nhiều nỗ lực trong việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất thiết bị với mục tiêu có thể làm chủ được công nghệ.
Theo ước tính, đến cuối năm nay, Việt Nam sẽ có thêm 1.400 doanh nghiệp công nghệ số, đưa số doanh nghiệp lên mức 70.200 theo lộ trình phát triển của Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025.
Để có thể thực hiện các mục tiêu chiến lược, Bộ TT&TT sẽ sớm hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số để bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, cũng trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định mở rộng CNTT tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng.
Duy Vũ
Link nội dung: https://vsta.org.vn/viet-nam-sap-dat-muc-tieu-70000-doanh-nghiep-cong-nghe-so-22452.html