Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo - 'nền tảng của công nghiệp hóa - hiện đại hóa'

Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, diễn ra từ ngày 3 - 9/10 tại Hà Nội, đã thu hút sự quan tâm theo dõi của cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước. Nhiều ý kiến nhận xét, Hội nghị đã bàn thảo, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của Đảng, của đất nước.

huynh-thanh-dat-141022a-1666545726.jpg
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Ảnh: Dương Giang/TTXVN


Trực tiếp tham dự Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt "tâm đắc" về Đề án "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã được chuẩn bị công phu, khoa học, có tính lý luận và thực tiễn cao, nội dung bao quát rộng, đầy đủ. 

Đề án đã kế thừa và phát triển nền tảng tư tưởng về đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như đã nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, bối cảnh trong nước và quốc tế cho thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khác so với những giai đoạn trước. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình chuyển đổi số đang diễn biến rất nhanh, có tính đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu, làm thay đổi căn bản tư duy về công nghiệp hóa - hiện đại hóa, làm chuyển đổi căn bản và toàn diện các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nói chung.

Bộ trưởng bày tỏ đồng tình với các quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ nêu trong Đề án, trong đó, vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi trọng và nhấn mạnh khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là "nền tảng của công nghiệp hóa - hiện đại hóa".

Thực tiễn của công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa khẳng định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có những đóng góp quan trọng trong thành tựu phát triển chung của đất nước. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam (GII) trong 10 năm gần đây có xu hướng tăng. Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 48/132 quốc gia, đứng thứ 2 trong số 36 quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp được xếp hạng, đứng thứ 4 trong ASEAN. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển nhanh, đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 trong Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, số lượng bài báo, công trình khoa học được công bố tăng dần trên các tập chí quốc tế ISI, Scopus. Giai đoạn 2016 - 2020, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam tăng trung bình 20%, riêng năm 2020, số công bố quốc tế tăng tới 40% so với năm 2019 và giữ thứ hạng cao trong khu vực ASEAN.

Theo đánh giá của Tổ chức năng suất châu Á (APO), giai đoạn từ 2010 - 2019, Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng TFP dương và thuộc nhóm các nước tăng TFP cao nhất. Năm 2021, TFP ước tính đóng góp khoảng 37% vào tăng trưởng kinh tế. 

Đáng chú ý, khoa học công nghệ ứng dụng đã mang lại những kết quả tích cực mà có thể được thấy qua trình độ công nghệ nước ta có những bước tiến rõ nét. Khoa học và công nghệ ngày càng đóng góp nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa với trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi... Hoạt động khoa học và công nghệ liên tục được đổi mới, thúc đẩy và có mặt ở tất cả các khâu trong quá trình sản xuất của các ngành, lĩnh vực như: y tế, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, xây dựng…

Thu Hà 

Link nội dung: https://vsta.org.vn/khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-nen-tang-cua-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-22461.html