Sáng 29/10, tại TP Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo Thúc đẩy Chuyển đổi số (CĐS) ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hội thảo là dịp để giới thiệu những mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong triển khai chuyển đổi số tại các tỉnh ĐBSCL, từ đó có thể lan tỏa, nhân rộng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số tại khu vực.
Phát biểu tại buổi Hội thảo, Ông Phan Tâm- Thứ trưởng Bộ TTTT cho rằng, nhắc đến Vùng ĐBSC, Trung tâm Vùng là TP Cần Thơ, chúng ta thường gắn với những cụm từ trù phú, lợi thế tài nguyên, thiên nhiên ưu đãi, nguồn lao động dồi dào…. Thực sự vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển: là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới; là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước. ĐBSCL đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước.
Tuy nhiên, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trịvề phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (NQ13)đánh giá kinh tế và xã hội của vùng còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tăng trưởng kinh tế vùng đang chậm lại, ô nhiễm môi trường gia tăng, tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng đang bị suy thoái, các trung tâm logistics lớn chưa được hình thành, xuất khẩu chủ yếu các sản phẩm nông thuỷ sản giá trị gia tăng thấp,…Bên cạnh đó vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu, xâm nhập mận, thay đổi dòng chảy Mê Kông ảnh hưởng ngày càng nặng nề.
Chính vì vậy, chuyển đổi số để cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên đã được Chính phủ xác định là nhiệm vụ ưu tiên trong Chương trình hành động thực hiện NQ13.
Như vậy, Chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn vùng.
Theo TS Nguyễn Quân- nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, CĐS có thể coi là một cuộc cách mạng trong trào lưu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bởi CĐS làm thay đổi căn bản mọi hoạt động xã hội, thay đổi hình thức tương tác và kết nối, làm cho mọi hoạt động trở nên thông minh hơn và hiệu quả hơn. Và chính vì thế CĐS cần một hệ sinh thái tương ứng, trong đó có thể chế, hạ tầng số, cơ sở dữ liệu số và các nền tảng công nghệ số, các sản phẩm công nghệ số. Hệ sinh thái số đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn. Nhà nước có trách nhiệm xây dựng thể chế cho CĐS, bao gồm các đạo luật và các văn bản dưới luật về dữ liệu số, đầu tư hạ tầng cho CĐS, chỉ đạo và điều hành Chính phủ số với các dịch vụ công trực tuyến và các hệ điều hành thông minh.
Các doanh nghiệp lo đầu tư thiết bị công nghệ số, nguồn nhân lực công nghệ số tại chỗ, phát triển thị trường và dịch vụ trong môi trường số. Tất cả các công việc này đều cần nguồn lực đầu tư lớn.
Doanh nghiệp không thể CĐS nếu không có các máy móc ứng dụng công nghệ số, máy gia công công nghệ cao, các dây chuyền tự động, các hệ thống đo lường và giám sát tự động, kỹ sư và công nhân làm chủ công nghệ số và sử dụng thành thạo thiết bị công nghệ số.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, không đủ nguồn lực tài chính để đầu tư cho sản phẩm mới, đổi mới công nghệ và CĐS, cần có cơ chế thích hợp và ưu đãi của nhà nước để CĐS thành công...
Khánh Ngọc