Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng tại Hội nghị trao đổi về hoạt động khoa học và công nghệ năm 2022, xây dựng kế hoạch khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2023 giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công Thương mới đây.
Ghi nhận những thành tựu về khoa học và công nghệ
Trong năm 2022, cùng với cả nước, ngành Công Thương đứng trước những cơ hội thuận lợi mới để phát triển, đồng thời cũng phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức do tình hình dịch bệnh Covid-19. Trong bối cảnh đó, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ngành Công Thương đã có những chuyển biến tích cực, phù hợp với tình hình mới.
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục ghi nhận nhiều cải tiến tích cực trong công tác quản lý và thực thi các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp (cấp Quốc gia và cấp Bộ) của Bộ Công Thương.
Cụ thể, tiếp tục giảm dần số lượng, tăng quy mô của đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ các cấp; đã xuất hiện những đề tài nghiên cứu cấp Bộ có quy mô về kinh phí và sản phẩm tương đối lớn, có sự tham gia đối ứng của doanh nghiệp, đơn vị.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hình thức cung cấp thông tin, dữ liệu, tư vấn công nghệ, áp dụng mô hình quản trị, quản lý tiên tiến và công cụ cải tiến năng suất; đẩy mạnh các hoạt động kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trong triển khai nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ.
Trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp thời gian qua đã có những đóng góp tích cực cho quá trình đổi mới, nâng cao trình độ kỹ thuật - công nghệ của các doanh nghiệp trong ngành Công Thương.
Nhiều công trình nghiên cứu, sản phẩm của các đề tài, dự án đã được áp dụng hiệu quả vào sản xuất - kinh doanh ở các doanh nghiệp ngành, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty, góp phần nâng cao năng lực, chất lượng sản xuất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như tạo tiền đề để tổ chức chủ trì tiếp tục phát triển nguồn lực nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Cũng trong giai đoạn 2021-2022, từ kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, các đơn vị trong ngành Công Thương đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng cao quý: 3 công trình được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ và 5 công trình được xét tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.
Tuy nhiên, do đặc thù của hoạt động sản xuất công nghiệp, yêu cầu triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thường kéo dài nên kết quả, hiệu quả của việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất kinh doanh vẫn cần thời gian để minh chứng.
Đối với lĩnh vực nghiên cứu, tư vấn chính sách, kết quả thực hiện các đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2021 - 2022 đã cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn giúp Bộ Công Thương xây dựng, triển khai những định hướng lớn, quan trọng gắn với mục tiêu, yêu cầu phát triển ngành giai đoạn 2021- 2030.
Chẳng hạn như: Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương, Chiến lược phát triển thị trường trong nước, Chiến lược xuất nhập khẩu, Chiến lược phát triển công nghiệp...; cung cấp luận cứ cho quá trình đàm phán, triển khai các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và xây dựng, hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật phục vụ quản lý ngành.
Ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, Bộ Khoa học và Công nghệ luôn luôn đánh giá cao và ghi nhận các thành tựu trong hoạt động khoa học và công nghệ ngành Công Thương, đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn.
Dẫn ví dụ từ chương trình nội địa hóa thiết bị nhà máy nhiệt điện, thủy điện, ông Nguyễn Đình Hậu cho hay, sau khi nội địa hóa được các thiết bị cơ khí thủy công, với các công trình thủy điện Sơn La, Lai Châu đã giúp tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng cho nhà nước. Gần đây nhất, liên quan đến nội địa hóa các thiết bị nhiệt điện, các dự án nghiên cứu cũng có tác động rất tốt, qua đó năng lực của ngành được khẳng định.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu trong ngành thiết bị điện. Trong đó, có thể kể đến, Công ty Cổ phần Thiết bị điện Đông Anh là một trong những đơn vị hàng đầu sản xuất được máy biến áp cỡ lớn ở Đông Nam Á…
Tạo điều kiện cho phát triển khoa học và công nghệ
Theo ông Trần Việt Hòa, căn cứ trên những định hướng lớn của ngành, lĩnh vực và yêu cầu thực tiễn trong công tác khoa học và công nghệ, Bộ Công Thương đã xác định một số định hướng ưu tiên trong Kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2023.
Cụ thể, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2023 chú trọng vào hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường, nâng cao năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh.
“Chúng tôi sẽ ưu tiên triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ có quy mô lớn, theo cụm nhiệm vụ để giải quyết những vấn đề cấp thiết, trọng điểm; đẩy mạnh sự phối hợp, liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu khoa học với các lực lượng khoa học của các doanh nghiệp” - ông Trần Việt Hòa nhấn mạnh.
Theo đó, về phân bổ nguồn lực, được tái cấu trúc theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tăng quy mô đối với từng nhiệm vụ, tránh việc giao và thực hiện một cách dàn trải; tăng tỷ lệ các dự án đầu tư, sản xuất thử nghiệm ngay cả trong các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ; gia tăng mức độ đóng góp của các doanh nghiệp trong triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Đặc biệt, trong Kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2023, Bộ Công Thương tập trung nâng cao nguồn lực kinh phí cấp Bộ, do có nhiều Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn trước được phê duyệt thực hiện ở cấp Bộ trong giai đoạn này và việc mở mới một số Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ theo nội dung nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của ngành.
Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí kiến nghị Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành đang tập trung chủ yếu vào quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ mà chưa tập trung vào chính sách hỗ trợ, phát triển.
Do đó, Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi trong giai đoạn tới nên tập trung, cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, phát triển cho các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ; xây dựng các cơ chế ưu tiên và cách thức để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các quy định hiện hành.
“Khi xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển các ngành kinh tế của đất nước cần nghiên cứu để lồng ghép các nội dung, mục tiêu khoa học và công nghệ cần đạt được và có cơ chế ưu đãi, lộ trình cụ thể để ưu tiên phát triển các sản phẩm khoa học và công nghệ cho các dây chuyền thiết bị liên quan” - tiến sĩ Phan Đăng Phong nêu đề xuất.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập toàn cầu cùng với sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng những công nghệ mới từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ mới trong công tác nghiên cứu khoa học, phát triển.
Các ý kiến đóng góp tại hội nghị không chỉ cho thấy các kết quả đạt được của hoạt động khoa học và công nghệ mà còn từ đó thấy được các thuận lợi, khó khăn và bàn thảo các giải pháp để khắc phục cũng như đề xuất những hướng đi mới để xây dựng kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ ngành trong thời gian tới.
Mong muốn hai bên sẽ tiếp tục thiết lập cơ chế để trao đổi thường xuyên hơn, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị hai đơn vị: Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) và Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) rà soát lại các chương trình hợp tác giữa hai Bộ để cụ thể hóa các nội dung hợp tác, cập nhật tình hình mới, đồng thời, trên cơ sở đồng ý của hai Bộ trưởng có thể tiến tới ký kết một chương trình hợp tác mới.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, hiện nay, quan điểm, mô hình phát triển đều khẳng định công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đó là nền tảng cho phát triển bền vững, phát triển xanh, bao trùm…
Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ đang thực hiện tái cơ cấu các chương trình, xây dựng các nội dung liên quan về chính sách quản lý khoa học và công nghệ, để làm sao đảm bảo sử dụng nguồn lực nhà nước cấp cho ngành khoa học và công nghệ một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước còn có rất nhiều khó khăn, nguồn lực cho khoa học công nghệ và các ngành khác có hạn.
Tuy nhiên, ngành Công Thương là ngành “xương sống” trong phát triển kinh tế đất nước. “Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ luôn đồng hành, tạo điều kiện cho phát triển khoa học và công nghệ ngành Công Thương” - Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.
Link nội dung: https://vsta.org.vn/dong-hanh-tao-dieu-kien-cho-phat-trien-khoa-hoc-va-cong-nghe-nganh-cong-thuong-22550.html