Đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Sáng ngày 15/12, tại Sóc Trăng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.

Bộ Trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt dự và chủ trì Hội thảo. Cùng tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan, ban ngành của Trung ương, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở KH&CN, các viện trường, doanh nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Hội thảo nhằm nghiên cứu, trao đổi, thảo luận đề xuất những giải pháp hiệu quả nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ, đổi mới, chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động; đổi mới khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL nhanh bền vững.

f98bt-phat-bieu-1671294810.jpg
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội thảo.

Theo báo cáo tại hội thảo, vùng ĐBSCL là một trong 6 vùng kinh tế trọng điểm, là vựa lúa, đồng thời là vùng nuôi trồng, chế biến thủy hải sản lớn nhất nước. Những năm qua, ĐBSCL khẳng định vị thế trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản, trái cây hàng đầu của cả nước, đóng góp quan trọng vào việc bảo đảm an ninh lương thực cũng như kim ngành xuất khẩu của quốc gia.


Bên cạnh tiềm năng, lợi thế to lớn thì vùng BBSCL vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là vùng được các nhà môi trường và tổ chức về môi trường ở trong nước và ngoài nước đánh giá là sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng khẳng định: Phát triển mạnh mẽ KHCN&ĐMST và chuyển đổi số để tạo phát triển bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. KHCN&ĐMST là một trong những đột phá, chiến lược góp phần phát triển bền vững đất nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng nền kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, với tinh thần xác định rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức và những tồn tại hạn chế, trên cơ sở định hướng phát triển KHCN&ĐMST đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, tại hội thảo lần này, tôi mong muốn các đại biểu nghiên cứu, trao đổi, thảo luận đề xuất những giải pháp hiệu quả để triển khai thành công các mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đặt ra cho vùng ĐBSCL. Trong đó, tập trung làm rõ giải pháp, cơ chế, chính sách khuyến khích, nghiên cứu, ứng dụng, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ, đổi mới, chuyển giao công nghệ và tham gia chuỗi giá trị của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động; khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, đổi mới, công nghệ, bảo hộ và khai thác phát triển các tài sản trí tuệ, phát triển sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…

6a0h1-pbht-1671294827.jpg
Các đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo.

Những ý kiến tại hội thảo sẽ là căn cứ khoa học quan trọng để giúp cho các cấp lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà quản lý định hướng được những nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện thiết thực đối với từng địa phương và của vùng để KHCN&ĐMST thực sự đi vào cuộc sống, tận dụng được các cơ hội phát triển, vượt qua thách thức, thiết thực phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH của vùng nhanh và bền vững.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho biết, hoạt động KHCN&ĐMST của tỉnh Sóc Trăng thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần khai thác hiệu quả các nguồn lực của tỉnh, phục vụ phát triển sản xuất nâng cao đời sống nhân dân. Thực tiễn cho thấy, đổi mới sáng tạo không chỉ của các nhà khoa học mà còn ở chính người sản xuất và vai trò của các doanh nghiệp, vì thế cần khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức đầu tư cho KHCN, tăng cường thực hiện chuỗi liên kết, đặc biệt, cần có sự liên kết 6 nhà: Nhà nông - Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà băng - Nhà khoa học - Nhà phân phối”. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp phải được khẳng định trong việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và nâng cao giá trị thương mại của các sản phẩm.


 

Theo Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, các tỉnh thành trong vùng cần tập trung đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và phù hợp với phương hướng phát triển KT-XH theo Nghị quyết số 13, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị để làm động lực cho tăng trưởng với tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.

h1-bo-truong-bo-khcn-1671294843.jpg
Bộ Trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và các đại biểu tham gia các hoạt động tại hội thảo.

Thông qua hội thảo, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cũng mong muốn các tỉnh, thành giải quyết những khó khăn do biến đổi khí hậu, phát huy những lợi thế của vùng ĐBSCL, thúc đẩy phát triển chung của vùng nhanh và bền vững, góp phần phát triển KHCN, phát triển kinh tế đất nước.

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ KH&CN, tổ chức khoa học và công nghệ, Viện nghiên cứu, Trường Đại học, Sở KH&CN các tỉnh thành trình bày các tham luận về chiến lược KHCN&ĐMST đến năm 2030; Ứng dụng công nghệ tự động hóa đẩy mạnh phát triển vùng ĐBSCL; KHCN&ĐMST phục vụ phát triển vùng ĐBSCL; Vai trò KHCN phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn đối với một số sản phẩm chủ lực vùng ĐBSCL; Thực trạng giải pháp ứng dụng tiến bộ KHCN trong phát triển lúa gạo chất lượng cao vùng ĐBSCL; Ứng dụng và định hướng tiến bộ KHCN và chuyển đổi số phát triển ngành nghê nuôi cá tra vùng ĐBSCL…

 

Hòa Minh

Link nội dung: https://vsta.org.vn/day-manh-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-phat-trien-vung-dong-bang-song-cuu-long-22637.html