Cá tra là đối tượng nuôi chủ lực tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long... với diện tích hàng năm khoảng 5.500 đến 6.000 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 1,3 triệu tấn/năm.
Vì vậy, trong khuôn khổ lễ hội cá tra với chủ đề "Vươn ra biển lớn", ngày 17/12, tại "Thủ phủ cá tra" Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức Hội thảo “Ứng dụng khoa học công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, thúc đẩy liên kết chuỗi cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Tại đây, các chuyên gia đã cùng nhau bàn luận các giải pháp để ngành hàng cá tra phát triển bền vững.
Nhiều bất cập
Theo các chuyên gia, cá tra có nhiều lợi thế trong chế biến xuất khẩu với đặc điểm thịt mềm, giàu dinh dưỡng, chế biến được nhiều món ăn, giá bán rất cạnh tranh và là một trong những loài cá thành công nhất về mặt thương mại của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong sản xuất cá tra còn những bất cập. Trong đó, về kỹ thuật nuôi cá tra dù đã phát triển nhanh trong thời gian qua nhưng cũng bộc lộ nhiều điểm “bất cập” chính được liệt kê như chất lượng con giống đang xu hướng giảm, công tác quản lý chất lượng đàn cá bố/mẹ chưa tốt dẫn đến hiệu quả sinh sản và chất lượng cá sinh sản thấp. Đồng thời, tỷ lệ sống giai của cá giai đoạn ương thấp và chưa cải tiến được nhiều (chỉ đạt 6-10% từ bột lên giống), quản lý môi trường ao nuôi chưa tối ưu và công tác phòng, trị bệnh hiệu quả chưa cao, hệ số thức ăn (FCR) vẫn còn cao (FCR trên 1.5).
Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu nhất là thời tiết cực đoan liên quan xâm nhập mặn, thay đổi mô hình mưa, nhiệt độ tăng và khô hạn bất thường ảnh hưởng đến nghề nuôi cá tra ở hiện tại và trong tương lai.
Ngoài những bất cập trên, TS Huỳnh Văn Hiền - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ nhận định, sản phẩm cá tra tiêu thụ thị trường trong nước chỉ chiếm 6% và sản lượng xuất khẩu chiếm tới 94% sản lượng sản xuất. Vì vậy, vai trò xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL rất quan trọng. Tuy nhiên, khâu tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu tập trung theo phân khúc của nhu cầu thị trường chưa được phân định rõ đã dẫn đến một số khó khăn nhất định.
Ông Hiền cho rằng, muốn giải quyết căn cơ vấn đề cần nâng cao chất lượng cá bố mẹ cũng như cải thiện chất lượng sản xuất giống cá tra. Đây là thế mạnh của ta nhưng nếu không đầu tư sẽ tụt hậu, thua kém các nước mới tham gia. Việc xây dựng thương hiệu cũng phải là bước đi quan trọng trong xu hướng phát triển bền vững với các giải pháp hiện đại, đồng nhất về sản phẩm và dễ dàng truy xuất nguồn từ khâu sản xuất tới bàn ăn.
"Đảm bảo được lợi nhuận tốt và lợi ích cho toàn xã hội về môi trường và đảm bảo chống lãng phí về thức ăn, nếu chúng ta sản xuất tập trung được phân khúc thị trường và nâng cao được giá trị theo chế biến sâu và thiết thực gắn với thương hiệu. Thì cái chúng ta tập trung theo phân khúc thị trường liên kết gắn với thị trường tiêu thụ là một trong những cơ bản rất là quan trọng", ông Hiền nói.
Thiếu bền vững
Tại hội nghị, thông qua những ý kiến tham luận, Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, sự phát triển của ngành cá tra Việt Nam hiện nay có nhiều yếu tố tác động thuận lợi, điều này tạo nên một năng lực cạnh tranh mạnh của sản phẩm cá tra trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, các yếu tố tạo nên năng lực cạnh tranh của sản phẩm cá tra hiện còn thiếu tính bền vững, và điều này có thể làm cho năng lực cạnh tranh của ngành có nguy cơ không ổn định. Sự phát triển của ngành cá tra còn phụ thuộc nhiều vào các thị trường nhập khẩu, với những đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn đối với những yêu cầu cạnh tranh ngoài giá.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, tiền năng, lợi thế của cá tra vùng ĐBSCL rất lớn nhưng chưa được khai thác một cách triệt để. Đặc biệt, các địa phương cần phải kiểm soát tốt diện tích nuôi cá tra, không mở diện tích ồ ạt khi dự báo năm tới sẽ gặp nhiều khó khăn khi thị trường thế giới diễn biến phức tạp, nhu cầu cá tra có thể chững lại. Vấn đề cốt lõi là giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng chứ không phải mở rộng diện tích nuôi.
"Tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn nên đã xuất hiện tình trạng dịch bệnh trên cá giống, nguy cơ tăng trưởng nóng về diện tích, sản lượng nuôi cá tra. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã dự kiến tổng xuất khẩu cá tra năm nay đạt 1,5 đến 1,6 triệu tấn, thực tế là 1,68 triệu tấn, xuất khẩu có 2,2 đến 2,3 tỷ USD, thực tế trên 2,4 tỷ USD, cho nên diện tích chúng ta phải kiểm soát, nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng để nâng cao năng suất, chất lượng con cá tra vùng nguyên liệu như chế biến, chứ không phải tăng trưởng bằng diện tích", Thứ trưởng yêu cầu.
Tăng cường kỹ thuật
Ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ những thực trạng trên, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong tất cả các khâu từ sản xuất giống, sản xuất thức ăn thủy sản, quy trình nuôi, quan trắc môi trường, chế biến và quản lý nhằm giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, để nâng cao sức cạnh tranh và đảm bảo an toàn thực phẩm.
"Đồng thời, hoạt động khoa học công nghệ của ngành cá tra đã từng bước khẳng định được vai trò quan trọng là đòn bẩy, là động lực thúc đẩy, là chìa khóa giúp ngành cá tra vững bước phát triển và vươn xa trong thời gian qua", ông Thiện nhấn mạnh.
Nói về vai trò của khoa học công nghệ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, tăng cường đổi mới công nghệ cũng là một bước đi cần thiết để củng cố sự vững chắc của của ngành cá tra Việt Nam, tạo lập được một lợi thế bền vững trong cạnh tranh trên thị trường trong nước và thị trường thế giới. Để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm cá tra, mỗi doanh nghiệp cần nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chọn, lai tạo con giống mới, cải tiến phương thức sản xuất, chế biến đã và đang làm tăng dần hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm cá tra, góp phần thúc đẩy ngành hàng cá tra nước ta phát triển.
Từ những nhận định đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo, mỗi doanh nghiệp tăng cường đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị công nghệ từ nuôi trồng đến chế biến xuất khẩu, qua đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Chú trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị, đồng bộ hóa và tự động hóa dây chuyền chế biến, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Song song đó, phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển, đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm chế biến, chú trọng phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm giá trị gia tăng nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu của khách hàng và tạo ra sự phong phú về sản phẩm.
"Đây là những bước đi của ngành trong việc thực hiện các mục tiêu tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm thủy sản, phát triển bền vững. Khoa học cộng nghệ đã góp một phần không nhỏ, giúp duy trì ổn định việc nuôi trồng, chế biến cá tra, cung cấp nguồn thực phẩm có chất lượng cho thế giới và trong nước", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Thái Cường
Link nội dung: https://vsta.org.vn/khoa-hoc-cong-nghe-la-chia-khoa-dua-ca-tra-vuon-ra-bien-lon-22639.html