Gặp mặt vinh danh doanh nghiệp sẽ trở thành hoạt động thường niên
Chiều ngày 16/1, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các Thứ trưởng Phạm Đức Long, Nguyễn Huy Dũng và lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT đã gặp mặt, tri ân các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Tham dự buổi gặp mặt nhân dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023 do Bộ TT&TT tổ chức là người đứng đầu của 18 doanh nghiệp công nghệ số tiêu biểu, gồm: Viettel, VNPT, MobiFone, FPT, CMC, Vietnam Post, Be Group, VNPay, Giao hàng tiết kiệm, MISA, VCCorp, Sao Bắc Đẩu, Bkav, VieON, MK, VMO, Savis và NTQ. Đây là những doanh nghiệp đại diện cho hơn 70.000 doanh nghiệp công nghệ số đã được thành lập, trong đó có 48.000 doanh nghiệp đang hoạt động.
Trong năm qua, ngành TT&TT tiếp tục nỗ lực và đã đạt được nhiều kết quả với "mục tiêu kép" là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới. Công cuộc chuyển đổi số quốc gia do ngành TT&TT chủ trì đã ngày càng được lan tỏa sâu rộng.
Công nghiệp công nghệ số tiếp tục là một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam. Doanh thu của ngành năm 2022 ước đạt được 148 tỷ USD, tăng trưởng trên 10% so với năm 2021. Xuất khẩu của ngành ước đạt 136 tỷ USD. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Bộ TT&TT tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiêu biểu để nói lời cảm ơn chân thành, vinh danh các doanh nghiệp và doanh nhân. Người đứng đầu ngành TT&TT cũng mong rằng điều này sẽ trở thành hoạt động thường niên của Bộ.
“Nhà nước cảm ơn doanh nghiệp, vì chính doanh nghiệp đã tạo ra sự phát triển của đất nước, tạo ra nguồn thu cho nhà nước, từ đó mà nuôi sống bộ máy nhà nước, phát triển hạ tầng, xóa đói giảm nghèo. Thời chiến thì vinh danh quân đội, tướng lĩnh và người lính. Thời bình thì vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân và người lao động… Đất nước muốn phát triển hùng cường thì phải dựa vào các doanh nghiệp và doanh nhân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Sứ mệnh mới của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch VNPT nhận định: Trong công cuộc chuyển đổi số, việc rất nhiều. Điều quan trọng là các doanh nghiệp có sản phẩm, giải pháp phù hợp. Các doanh nghiệp công nghệ cũng cần hợp tác với nhau, hạn chế tình trạng cạnh tranh quyết liệt chủ yếu về giá như giai đoạn vừa qua.
Đồng quan điểm, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel cho rằng để có sự phối hợp, hợp tác giữa khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước thì các doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau. Thực tế, Viettel đã và đang làm một số việc cùng các doanh nghiệp tư nhân như FPT, CMC.
Khẳng định doanh nghiệp đi ra nước ngoài sẽ lớn rất nhanh, ông Tào Đức Thắng cũng mong muốn có cơ chế hợp tác để các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đi phát triển thị trường nước ngoài cùng nhau, từ đó tận dụng được các thế mạnh của nhau.
Chia sẻ góc nhìn của một doanh nghiệp công nghệ đã có những chuyển mình mạnh mẽ từ gia công phần mềm sang Make in Vietnam, Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa cho biết, đến nay doanh nghiệp này đã có hơn 200 sản phẩm Make in VietNam và đặt mục tiêu thời gian tới ít nhất mỗi năm phải có 10 sản phẩm mới. Theo lãnh đạo FPT, để làm được Make in Vietnam thì đòi hỏi quyết tâm của doanh nghiệp phải rất cao.
Tại cuộc gặp mặt, các doanh nghiệp cũng đã nêu ra một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất với Bộ TT&TT như: Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với cơ sở đào tạo để giải quyết khó khăn về nguồn nhân lực CNTT; nghiên cứu xây dựng Lab đánh giá an toàn, an ninh mạng cho thiết bị phần cứng; có hướng dẫn, kêu gọi các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng sản phẩm Make in VietNam; miễn giảm thuế thu nhập cho người làm ra các sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam để có thể thu hút nhân tài…
Với các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ TT&TT đều đã giải đáp và giao các đơn vị chức năng làm đầu mối xử lý, hỗ trợ doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo xúc tiến thành lập Hội đồng chính sách, với nhiều nhóm lĩnh vực có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, tiêu biểu trong lĩnh vực đó.
Nhận định cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mang đến cơ hội cho các nước đang phát triển như Việt Nam thay đổi vận mệnh, có thể “hóa rồng, hóa hổ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, mỗi cuộc cách mạng công nghiệp cũng chỉ vài nước “hóa rồng”, đó là những nước nắm bắt được cơ hội và dũng cảm tiên phong đi đầu. “Vậy chúng ta hãy dũng cảm tiên phong đi đầu”, Bộ trưởng kêu gọi.
Theo Bộ trưởng, lực lượng góp phần tạo nên sự thay đổi này, chính là những doanh nhân, doanh nghiệp xuất sắc, là các doanh nghiệp công nghệ số. “Vậy là thế hệ chúng ta được trời đất, được cha ông, được lịch sử trao cho sứ mệnh dùng công nghệ số để làm cho Việt Nam hóa rồng hóa hổ”.
Điểm ra những nét chính trong bức tranh tương lai của ngành, Bộ trưởng mong muốn các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã thành danh hãy thượng tôn pháp luật, hãy nhận sứ mệnh giúp Việt Nam “hóa rồng, hóa hổ”, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. “Hãy gắn sứ mệnh của mình với sứ mệnh quốc gia, hãy gắn vận mệnh của mình với vận mệnh quốc gia. Gìn giữ non sông và làm rạng danh non sông là sứ mệnh mới của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”, Bộ trưởng nhắn nhủ các doanh nghiệp.
Vân Anh
Link nội dung: https://vsta.org.vn/doanh-nghiep-cong-nghe-so-hay-gan-minh-voi-van-menh-quoc-gia-22726.html