Đổi mới sáng tạo, động lực tăng trưởng mới - Bài cuối: Nâng cao năng lực của địa phương

Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII).

Năm 2022 là năm đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện và triển khai thí điểm Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, từ đó rút kinh nghiệm cũng như hoàn thiện phương pháp, cách thức triển khai, đánh giá tác động của Bộ chỉ số với các địa phương. PII được kỳ vọng sẽ là công cụ hữu hiệu để mỗi tỉnh, thành phố xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thí điểm tại 20 địa phương

doi-moi-sang-tao-dong-luc-tang-truong-moi-bai-cuoi-nang-cao-nang-luc-cua-dia-phuong-1-1675097644.jpg
Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao nhà màng tại xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

 

Qua thực tế triển khai thí điểm Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước với 6 vùng kinh tế, có mức thu nhập khác nhau, cơ cấu kinh tế khác nhau cho thấy các địa phương còn lúng túng trong việc tham gia thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) cấp quốc gia. Một trong những lí do là chỉ số GII đánh giá ở cấp quốc gia nên nhiều số liệu thống kê tương tự ở cấp địa phương là không có, đồng thời phương pháp đánh giá theo quy chuẩn quốc tế còn mới lạ nên có những điểm không phù hợp với cấp địa phương của Việt Nam.

 

Bên cạnh đó, do có sự khác biệt giữa các địa phương về quy mô kinh tế - xã hội, dân số, đất đai, cơ cấu kinh tế, định hướng phát triển... nên các địa phương cần và phải lựa chọn mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo khác nhau, phù hợp với bối cảnh, điều kiện, đặc điểm riêng có. Điều này làm cho các địa phương không nắm được thực trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương mình, do đó nhiều địa phương kiến nghị cần có bộ chỉ số đổi mới sáng tạo dành riêng cho địa phương để căn cứ vào đó có thể chỉ đạo điều hành tốt hơn, sát với thực tiễn hơn.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, theo kết quả phân tích, đánh giá, 20 địa phương tham gia thử nghiệm được chia thành 4 nhóm, nhóm dẫn đầu gồm 2 địa phương; nhóm thứ hai gồm 4 địa phương; nhóm thứ ba gồm 8 địa phương và 4 địa phương thuộc nhóm cuối cùng. Kết quả đánh giá cho thấy có phù hợp, tương đồng cao với đặc thù mô hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Các địa phương thuộc nhóm dẫn đầu là các địa phương phát triển kinh tế - xã hội và có hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ. Các địa phương thuộc nhóm cuối là các địa phương có hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội và trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo".

Với mỗi địa phương, kết quả đánh giá, xếp hạng của từng chỉ số, nhóm chỉ số và trụ cột được trình bày trong một bảng thông tin tổng hợp đã chỉ rõ 5 điểm mạnh và 5 điểm yếu của mỗi địa phương. Trên cơ sở các thông tin đánh giá, các địa phương có thể nhận diện được các vấn đề cần chú trọng để từ đó có các chỉ đạo, điều hành trong việc xây dựng và thực hiện các biện pháp, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương, góp phần nâng cao năng lực kinh doanh, năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo của địa phương và của quốc gia.

Vừa qua, chuyên gia quốc tế độc lập do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới chỉ định đã tiến hành kiểm định độc lập bộ chỉ số. Kết quả kiểm định của chuyên gia quốc tế đã khẳng định khung chỉ số và các chỉ số thành phần được thiết kế phù hợp, phản ánh được hiện trạng của đối tượng được đo lường; các bước xử lí dữ liệu, tính toán điểm số và thứ hạng đều được thực hiện đầy đủ, chính xác, minh bạch và đáng tin cậy. Kết quả thử nghiệm cho thấy bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương đủ mạnh để đưa ra những kết luận hữu ích. Kết quả kiểm định cũng cho thấy còn một vài chỉ số cần được xem xét khi triển khai trên phạm vi toàn quốc trong thời gian tới. Việc rà soát, xem xét, điều chỉnh hằng năm để phù hợp với bối cảnh và mục tiêu cũng là thông lệ chung trong xây dựng các chỉ số tổng hợp.

PII triển khai trên cả nước

doi-moi-sang-tao-dong-luc-tang-truong-moi-bai-cuoi-nang-cao-nang-luc-cua-dia-phuong-2-1675097658.jpg
Các Trung tâm điều khiển xa đang được các công ty điện lực tích cực triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động. Ảnh (tư liệu) minh họa: Ngọc Hà/TTXVN

 

Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã khẳng định phải đổi mới mô hình tăng trưởng của nước ta theo hướng “chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

 

Tuy nhiên, chưa có các mô tả định lượng để giúp hình dung và cụ thể hóa thành các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, do đó cần thiết phải có một bộ chỉ số mô tả hiện trạng mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn về điểm mạnh, điểm yếu, về các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết, giúp cho các nhà hoạch định chính sách và các cấp lãnh đạo có cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định, lựa chọn các định hướng, giải pháp phù hợp cho phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng Bộ chỉ số cấp địa phương theo 10 bước như hướng dẫn của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế với 34 thành viên, chủ yếu là các nước phát triển) cho xây dựng bộ chỉ số tổng hợp, phù hợp với bối cảnh thực tiễn, đặc điểm của các địa phương ở Việt Nam. Theo đó, Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương của Việt Nam có 51 chỉ số, chia làm 7 trụ cột theo nguyên lý của Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu với 5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo bao gồm: Thể chế, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển của thị trường và trình độ phát triển kinh doanh; 2 trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm: Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ, tác động.

Ở cấp quốc gia, từ năm 2017, Việt Nam đã sử dụng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII nhằm qua đó xác định các điểm mạnh, điểm yếu của quốc gia để từ đó đưa ra các giải pháp, biện pháp cải thiện phù hợp, cũng như để kịp thời xây dựng, ban hành các chính sách có liên quan. Ở cấp địa phương, thực tế cho thấy việc tham gia thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện chỉ số GII cấp quốc gia còn thấp bởi chỉ số GII đánh giá ở cấp quốc gia không phù hợp với cấp địa phương của Việt Nam. Vì vậy việc triển khai bộ chỉ số đổi mới sáng tạo dành riêng cho địa phương là cần thiết. Sau khi thí điểm tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ triển khai trên cả nước để căn cứ vào đó công tác chỉ đạo điều hành tốt hơn, sát với thực tiễn hơn.

Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương của Việt Nam có 51 chỉ số, chia làm 7 trụ cột theo nguyên lý của bộ chỉ số GII. Quá trình thử nghiệm bộ chỉ số cho thấy, hệ thống thống kê của Việt Nam chưa bắt kịp với quốc tế nên một số chỉ số theo thông lệ quốc tế hiện chưa được thống kê cả ở cấp quốc gia và địa phương, điều này cần được khắc phục để đánh giá xác thực hơn hiện trạng của các địa phương cũng như của quốc gia. Bên cạnh đó, các chuyên gia quốc tế độc lập do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới chỉ định đã tiến hành kiểm định độc lập bộ chỉ số và khẳng định khung chỉ số và các chỉ số thành phần được thiết kế phù hợp, phản ánh được hiện trạng của đối tượng được đo lường; các bước xử lí dữ liệu, tính toán điểm số và thứ hạng đều được thực hiện đầy đủ, chính xác, minh bạch và đáng tin cậy. Kết quả thử nghiệm cho thấy bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương đủ mạnh để đưa ra những kết luận hữu ích.

Trên cơ sở kết quả thử nghiệm thành công bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức triển khai bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương trên phạm vi toàn quốc từ năm 2023. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đề nghị: Năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố xác định việc triển khai thực hiện Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) là nhiệm vụ trọng tâm hằng năm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; bố trí nguồn lực để tổ chức thu thập và cung cấp dữ liệu kịp thời, chính xác phục vụ tính toán; sử dụng các kết quả đánh giá vào công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng và thực hiện các biện pháp, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương.

Link nội dung: https://vsta.org.vn/doi-moi-sang-tao-dong-luc-tang-truong-moi-bai-cuoi-nang-cao-nang-luc-cua-dia-phuong-22744.html