Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ (BTB&DHTB) có vị trí địa lý khá đặc thù, tạo nên lợi thế địa kinh tế, địa chính trị của vùng, nằm trên các trục giao thông huyết mạch của cả nước.
Đây là vùng có tiềm năng rất lớn về nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản, nghề muối, cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, phát triển rừng.
Để góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của vùng, trong thời gian qua, nhiều sản phẩm nghiên cứu đã được chuyển giao vào sản xuất làm tăng năng suất hiệu quả kinh tế xã hội của vùng BTB & DHTB.
Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16/8/2004 và Kết luận số 25KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng BTB & DHTB đến năm 2020; giai đoạn 2004-2020, phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng BTB & DHTB có nhiều thành tựu to lớn, đặc biệt trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
“Sản xuất nông nghiệp chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu, từ sản xuất nhỏ lẻ dựa vào kinh tế hộ sang sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, ứng dụng công nghệ cao và tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả và tăng thu nhập cho nông dân”, ông Hoan nói.
Bên cạnh đó, vùng BTB & DHTB là vùng có số lượng các sản phẩm OCOP đứng thứ 3 trên cả nước (sau Trung du miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng).
Tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực nông lâm thủy sản (NLTS) bình quân giai đoạn 2005-2020 vùng BTB & DHTB đạt 3,36%/năm, cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân của cả nước (3,19%).
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp tại vùng BTB & DHTB còn gặp nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến điều kiện tự nhiên cũng như điều kiện xã hội.
Đặc biệt, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn còn chậm chuyển đổi để thích ứng với yêu cầu của thị trường, thể hiện tính chất tự cung tự cấp. Qui mô sản xuất nhỏ, chất lượng sản phẩm thấp.
Nguy cơ mất đất nông nghiệp, ô nhiễm môi trường; chi phí vật tư, công lao động cho sản xuất nông nghiệp cao.
Vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp còn chưa đáp ứng so với yêu cầu và chưa khai thác được nhiều nguồn vốn đầu tư. So với cả nước, BTB & DHTB vẫn là vùng kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Đầu tư cho khoa học công nghệ nông nghiệp trong vùng đã được quan tâm, nhưng so với khu vực khác và nhu cầu thực tế vẫn còn có khoảng cách lớn, đặc biệt số cơ quan nghiên cứu trong vùng quá ít, thiếu đội ngũ cán bộ khoa học trong lĩnh vực công nghệ cao.
Để triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ông Hoan nhấn mạnh về giải pháp phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng BTB & DHTB giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu phát triển nông nghiệp vùng BTB & DHTB trở thành vùng sản xuất nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá, hiệu quả và bền vững.
Cơ cấu lại nông nghiệp, trong đó tập trung khai thác nuôi trồng thủy sản gắn với công nghiệp chế biến; đẩy mạnh phát triển hạ tầng và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong vùng BTB & DHTB cần thống nhất các quan điểm phát triển cốt lõi trong phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, giải pháp quan trọng cho sự phối hợp này là cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vùng BTB & DHTB gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn theo hướng mở; đẩy mạnh liên kết phát triển giữa vùng BTB & DHTB với các vùng khác trong cả nước.
Tận dụng tốt các lợi thế của vùng, phát huy hiệu quả các nguồn lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phát huy tối đa nhân tố con người để nâng cao giá trị gia tăng ngành nông nghiệp và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, gắn với phát triển bền vững.
Chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm, ưu tiên phát triển có trọng tâm đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của vùng.
“Cần thúc đẩy cơ chế hợp tác vùng, liên vùng; mở rộng hợp tác, liên kết về phát triển nông nghiệp, nông thôn giữa các địa phương trong vùng để phát huy tối đa và có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế.
Tăng cường hợp tác để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, xây dựng vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”, ông Hoan nhấn mạnh.
Hà Anh
Link nội dung: https://vsta.org.vn/ung-dung-cong-nghe-cao-phat-trien-nong-nghiep-bac-trung-bo-duyen-hai-trung-bo-con-han-che-22773.html