Tại Hội nghị Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới, với chủ đề "Doanh nghiệp số Việt Nam: Hợp tác số toàn cầu – Đối tác tin cậy để xây dựng thế giới số", do Bộ TT&TT tổ chức ngày 23/2, Bộ đã chính thức thành lập và ra mắt Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài.
Hoạt động này nhằm phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra nước ngoài và phát triển hoạt động kinh doanh tại nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT (Bộ TT&TT), thị trường công nghệ thế giới đang có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa phân tích, thị trường phần mềm và dịch vụ CNTT của Việt Nam trong năm 2022 có dung lượng xấp xỉ 2 tỷ USD, tương đương với khối lượng công việc của khoảng 200.000 kỹ sư. Tuy nhiên, Việt Nam lại đang có hơn 40.000 doanh nghiệp và 550.000 kỹ sư. Đặc biệt, lợi thế lớn nhất của doanh nghiệp Việt khi đi ra toàn cầu, đó là nhân lực chất lượng cao. Chính vì vậy, thị trường trong nước đã quá nhỏ hẹp so với quy mô nhân lực ở thời điểm hiện tại.
Bài học của các thương hiệu lớn về CNTT Việt đã thành công như Viettel, hay FPT cũng đã chứng minh có nhiều cách để doanh nghiệp tiến ra nước ngoài.
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel đã chia sẻ những bài học trong hành trình đi ra quốc tế của tập đoàn. Đó là luôn phải tìm hiểu, nghiên cứu để hiểu sâu sắc về văn hóa, con người, hệ thống chính trị của các nước đầu tư; luôn thượng tôn pháp luật; phải có giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, mang những thứ tốt nhất mình có ra nước ngoài cũng như phải tạo sự khác biệt để cạnh tranh.Ông Nguyễn Huy, Giám đốc Công nghệ Công ty KardiaChain cũng chia sẻ mong muốn định hình sự phát triển của ngành công nghiệp blockchain tại Việt Nam bằng cách đổi mới liên tục để tiếp cận với các trào lưu công nghệ mới trên thế giới, hướng tới mục tiêu đưa ngành công nghệ số Việt Nam ra thế giới.
Đánh giá Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh chóng, ông Pavel Poskakukhin, đồng Chủ tịch Tiểu ban kỹ thuật số (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam-EuroCham) nhận định, với dân số trẻ và am hiểu công nghệ, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường châu Âu, đặc biệt là cung cấp giải pháp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Trong tham luận của đại diện Phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam (Incham), ông Ravi Vajpayee cũng đưa ra các khuyến nghị về nhu cầu và tiềm năng của thị trường công nghệ thông tin hiện nay. Nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao chính là yếu tố quan trọng để quyết định sự thành công của doanh nghiệp khi tiến ra thị trường quốc tế.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, internet và công nghệ số ngày càng đóng vai trò quan trọng, nhưng còn khoảng 49% dân số thế giới, tức gần 4 tỷ người chưa được kết nối internet. Đây vừa là cơ hội, vừa là trách nhiệm đóng góp trong việc thu hẹp khoảng cách số, xây dựng tương lai số bền vững, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới đối với doanh nghiệp Việt. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đã đến lúc, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn mới của lịch sử phát triển, khai phá, mở ra không gian mới, mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong năm 2023, Bộ TT&TT sẽ triển khai chiến dịch tổng thể, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang kinh doanh ở nước ngoài, hoặc đi ra nước ngoài. Bộ cùng với các cơ quan liên quan sẽ mở đường, các doanh nghiệp đã đi ra nước ngoài thành công sẽ hỗ trợ, đưa các doanh nghiệp khác cùng đi.
HM
Link nội dung: https://vsta.org.vn/nhung-the-manh-de-doanh-nghiep-cong-nghe-so-viet-nam-di-ra-the-gioi-22848.html