5 giám khảo Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2023

Hội đồng giám khảo gồm 5 nhà khoa học uy tín từ nhiều lĩnh vực, trong đó có nhân vật thuộc top nhà bình duyệt toàn cầu và phó giáo sư sở hữu giải thưởng L’Oreal.

PGS. TS Mai Anh Tuấn

PGS Mai Anh Tuấn hiện là giảng viên cao cấp tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Lyon1 của Pháp năm 2004. PGS Tuấn có gần 19 năm làm việc tại Đại học Bách khoa Hà Nội trước khi chuyển sang phụ trách phòng thí nghiệm công nghệ vi hệ thống và khu chế thử sản phẩm công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ông cũng có 3 năm đảm nhiệm vai trò PGĐ Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, Viện Ứng dụng Công nghệ.

img-1011-1678869218-4314-1678928354-1678987514.jpg
PGS.TS Mai Anh Tuấn. Ảnh: Tùng Đinh

 

PGS Tuấn đã công bố hơn 80 bài báo trong các tạp chí, hội nghị quốc tế và trong nước. Hướng nghiên cứu của ông ở lĩnh vực y sinh, khoa học giấc ngủ và đặc biệt gần đây tập trung cho lĩnh vực thiết kế và chế tạo vi mạch. Ông là một trong những người nêu đề xuất thành lập Liên minh vi mạch Việt Nam với Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2022.

Bên cạnh những nghiên cứu chuyên sâu, cơ bản trong trường đại học, PGS Mai Anh Tuấn rất chú trọng duy trì và phát triển mạng lưới cộng tác với các doanh nghiệp nhằm tìm kiếm cơ hội cho các nhóm nghiên cứu giới thiệu và thương mại hóa sản phẩm. Ông cũng được biết đến là chuyên gia tư vấn công nghiệp cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đặc biệt là với ngành sản xuất điện tử và cơ khí chính xác thuộc chương trình công nghiệp hỗ trợ của Cục Công nghiệp, Bộ Công thương. Ông là Trưởng ban giám khảo Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2022 và có kinh nghiệm chấm thi nhiều chương trình sáng chế và công nghệ.

PGS. TS Hà Phương Thư

PGS Hà Phương Thư hiện là Trưởng phòng Vật liệu nano Y sinh, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST). Chị được gọi với tên "Tiến sĩ nano" khi có hơn 100 công bố khoa học trong lĩnh vực nano y sinh. Năm 2012, chị là một trong 3 nhà khoa học nữ nhận giải thưởng L’Oreal – UNESCO "Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học".

img-1067-1678869068-8416-1678928354-1678987526.jpg
PGS. TS Hà Phương Thư. Ảnh: Tùng Đinh

 

PGS Thư cũng là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do tạp chí Forbes bình chọn năm 2016. Năm 2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã trao tặng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam cho chị vì những đóng góp trong công cuộc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

PGS. TS Hà Phương Thư sở hữu 6 bằng độc quyền sáng chế, 1 giải pháp hữu ích và 5 đơn đăng ký sáng chế đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận, đồng thời làm chủ nhiệm nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam và Quỹ Nafosted. Nghiên cứu của PGS Thư hướng tới ứng dụng công nghệ nano cho các sản phẩm chức năng hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân ung bướu, hỗ trợ điều trị loãng xương, đồng thời nghiên cứu chế phẩm từ cây cỏ để phục vụ trong lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi và trồng trọt. Hiện chị là thành viên của Hội đồng Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Nafosted và là thành viên Hội đồng khoa học Viện Khoa học vật liệu và Hội đồng ngành Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Tiến sĩ Đào Văn Dương

TS Đào Văn Dương là nhà nghiên cứu trong lĩnh vực vật liệu mới. Anh từng là một trong 5 nhà khoa học Việt nằm trong top các nhà bình duyệt toàn cầu năm 2019. Anh cũng nằm trong top 100.000 nhà nghiên cứu thông qua trích dẫn khoa học và các chỉ số trắc lượng khoa học từ cơ sở dữ liệu Scopus năm 2019. Năm 2022, TS Dương cũng góp mặt vào danh sách 35 người Việt "100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới 2022".

img-1034-1678442969-1685-1678443346-1678987538.jpg
TS Đào Văn Dương. Ảnh: Tùng Đinh

 

TS Đào Văn Dương được đánh giá cao khi theo đuổi các nghiên cứu tổng hợp vật liệu lai và ứng dụng trong thiết bị chuyển đổi năng lượng mặt trời thành điện năng (solar cell), hơi nước (solar to steam), hay các thiết bị tích trữ năng lượng như ăc-quy liti ion, siêu tụ. Anh có hơn 100 công trình khoa học trên tạp chí ISI, sở hữu hai sáng chế cùng một chương sách trên nhà xuất bản Willey (Đức).

Anh nhận bằng tiến sĩ ngành Kỹ thuật hóa học vào tháng 3/2013 tại Đại học Quốc Gia Chungnam, Hàn Quốc. Trước khi trở về Việt Nam năm 2019, anh làm việc theo chương trình Korea Research Fellowship (KRF), sau này là Brain Pool từ Quỹ nghiên cứu quốc gia của Hàn Quốc (NRF). Hiện anh đảm nhiệm vai trò trưởng khoa Công nghệ Sinh học, Hóa học và Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Phenikaa.

Tiến sĩ Nguyễn Phi Lê

TS Phi Lê là Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo (BK.AI); giảng viên trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Chị tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ công nghệ thông tin tại trường Đại học Tokyo, Nhật Bản lần lượt các năm 2007 và 2010. Chị nhận bằng tiến sĩ ngành Tin học tại Viện Tin học quốc gia Nhật Bản năm 2019. Từ chối cơ hội trở thành giảng viên chính thức của một đại học lớn ở Osaka, TS Lê trở về Việt Nam đem khát vọng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giải quyết những bài toán cấp thiết trong nước.

img-1095-1678869455-6549-1678928354-1678987552.jpg
TS Nguyễn Phi Lê. Ảnh: Tùng Đinh

 

Nữ tiến sĩ có hơn 60 kết quả nghiên cứu đã được công bố tại các hội thảo, tạp chí uy tín trên thế giới. Chị tham gia hội đồng kỹ thuật của nhiều hội thảo uy tín như ICC, WCNC, Globecom... Hướng nghiên cứu chính của chị tập trung vào các giao thức trong mạng truyền thông, đặc biệt là các mạng thế hệ mới như mạng điện toán biên, mạng Internet vạn vật. Chị cũng tập trung nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu nhằm giải quyết các bài toán cấp thiết của Việt Nam.

TS Lê từng đoạt huy chương bạc tại Olympic Toán học quốc tế (IMO) lần thứ 41, tổ chức tại Hàn Quốc năm 2000. Lịch sử IMO ghi nhận Việt Nam có 11 gương mặt nữ đoạt huy chương qua các kỳ thi này. Chị cũng đạt nhiều danh hiệu như sinh viên xuất sắc nhất viện Tin học Nhật Bản, năm học 2018, Giải thưởng tại cuộc thi sáng tạo ý tưởng cho mạng SINET Nhật Bản, năm 2018, nhiều bài báo xuất sắc tại các hội nghị quốc tế ISSINP, SoICT, ICT-DM.

Ông David Nguyen

Ông David Nguyen, Chủ tịch Ban Cố vấn Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt Nam tại Australia, đồng thời là trưởng ban công nghệ mới thuộc Hội đồng Doanh nghiệp Australia-Việt Nam.

img-1057-1678442952-3441-1678443347-1678987565.jpg
Ông David Nguyen. Ảnh: Tùng Đinh

 

Từ những am hiểu về nhu cầu của thị trường toàn cầu đối với các công nghệ tiên phong như Big Data, AI, IoT, Robotics va Blockchain cùng mối liên kết chặt chẽ với các nhà khoa học cấp cao tại các trường đại học hàng đầu của Australia, ông sáng lập N2N AI Australia va DigitalX Technology Group. Công ty có trụ sở chính tại Sydney, hướng tư vấn và sản xuất sản phẩm công nghệ tiên phong, chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ cao phục vụ cho quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp trên quy mô toàn cầu. Nhiều năm đảm nhiệm vai trò tư vấn cấp cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ mới, ông tham gia hỗ trợ các nhà khoa học nghiên cứu trong các dự án được tài trợ bởi Hội đồng nghiên cứu Hoàng gia Australia (Australian Research Council - ARC), như cung cấp hiểu biết, ứng dụng công nghệ; đồng thời giúp thương mại hóa và triển khai các dự án trên thực tế.

Hiện ông David Nguyen và công ty N2N AI Australia, DigitalX Technology Group đang là đối tác công nghiệp chính của nhiều dự án nghiên cứu khoa học trọng điểm tại các trường đại học đang được chính phủ Australia tài trợ kinh phí. Trong đó có những dự án lên tới 25 - 35 triệu AUD nghiên cứu về thiết kế và sản xuất vi mạch, chipsets bằng công nghệ vật liệu mới, vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, thu giữ và giảm thiểu phát thải carbon từ các nhà máy điện than, sản xuất gang thép...Những dự án này kỳ vọng đóng góp vào quá trình kiểm soát và giảm thiểu khí thải carbon cho Việt Nam hiện nay.

Tại Cuộc thi Sáng kiến Khoa học (Creative Science Contest) năm 2023, 5 thành viên Hội đồng chuyên môn sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò "cầm cân nảy mực", lựa chọn các sản phẩm/giải pháp nổi bật và xứng đáng nhận giải thưởng, tổng giá trị lên tới 300 triệu đồng.

Trong đó, giải đặc biệt 100 triệu đồng, giải nhất 70 triệu đồng, giải nhì 50 triệu đồng, giải ba 30 triệu đồng cùng giải khuyến khích 20 triệu đồng. Đặc biệt cuộc thi có thêm hạng mục "Giải sáng kiến" được trao cho sản phẩm, sáng kiến đặc biệt phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, miền núi trị giá 30 triệu đồng.

Toàn bộ tiền giải thưởng do Quỹ Hy vọng (Hope Foundation) tài trợ. Đây là quỹ xã hội - từ thiện hoạt động vì cộng đồng, không lợi nhuận, được vận hành bởi Báo VnExpress và Công ty cổ phần FPT. Quỹ theo đuổi hai mục tiêu: hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển. Một trong các hoạt động của quỹ là thúc đẩy ứng dụng công nghệ, trang bị công cụ phát triển bền vững cho các cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là trang bị tri thức thông qua giáo dục.

Ngoài phần thưởng tiền mặt, các tác giả dự thi còn có các lợi ích khác như cơ hội được truyền thông trên các nền tảng của Báo điện tử VnExpress, được kết nối tới các đối tác quan tâm để phát triển sản phẩm.

Sau hơn 2 tháng phát động, ban tổ chức nhận được hơn 130 hồ sơ tham dự, trong đó lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất là y sinh- hóa sinh, công nghệ, nông nghiệp. Các sản phẩm, giải pháp cho thấy các tác giả hướng tới những ứng dụng thiết thực giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, phục vụ trực tiếp sức khỏe con người, hướng tới miền núi, vùng sâu vùng xa.

Từ ngày 10 - 14/3, Ban tổ chức Cuộc thi Sáng kiến Khoa học (Creative Science Contest) năm 2023 đã sàng lọc 118 hồ sơ hợp lệ bước vào vòng 2 - vòng loại (diễn ra từ ngày 14/3/- 31/3). Các hồ sơ được duyệt vào vòng bình chọn đã được đăng tải trên trang của cuộc thi.

Thông tin về cuộc thi tại đây

 

Như Quỳnh

Link nội dung: https://vsta.org.vn/5-giam-khao-cuoc-thi-sang-kien-khoa-hoc-2023-22898.html