Ứng dụng công nghệ AI trong quản trị sáng tạo nội dung ở tòa soạn: Từ góc nhìn sở hữu trí tuệ

Ai là tác giả, chủ sở hữu nội dung do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra? Người dùng có thể sử dụng nội dung này không? Nếu xảy ra xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì ai là người chịu trách nhiệm, có nghĩa vụ pháp lý hoặc giải trình?

Tiến sĩ Khổng Quốc Minh - Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu ý kiến tại Hội thảo. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Tiến sĩ Khổng Quốc Minh - Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu ý kiến tại Hội thảo. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Trên đây là 3 vấn đề được Tiến sĩ Khổng Quốc Minh - Cục Sở hữu trí tuệ đặt ra trong bài tham luận gửi đến Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn” diễn ra trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023 sáng 18/3. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu toàn văn tham luận.

Các ứng dụng công nghệ AI có tính năng chatbot (ví dụ như ChatGPT) ngày càng được hoàn thiện và áp dụng trong nhiều lĩnh vực. Người dùng sử dụng tính ưu việt của các AI này để phục vụ cho các hoạt động như tóm tắt nội dung văn bản và tài liệu lớn, tạo câu hỏi với một chủ đề mà người dùng không quen thuộc hoặc đang tìm kiếm những góc nhìn mới, tìm kiếm câu trích dẫn từ một nhân vật nào đó, dùng để đặt tiêu đề bài viết, dịch thuật nội dung bài từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, và các thử nghiệm khác nhau.

Việc sử dụng các ứng dụng công nghệ AI này đã thúc đẩy đổi mới sáng tạo nội dung trong báo chí truyền thông. Tuy nhiên, ở khía cạnh quyền sở hữu trí tuệ, ngăn ngừa nguy cơ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi sử dụng nội dung được tạo bởi các AI này là một thách thức lớn đối với quản trị sáng tạo nội dung trong toà soạn. Bài viết này nêu một vài vấn đề sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành của Việt Nam khi sử dụng nội dung được tạo bởi các AI như ai là tác giả, chủ sở hữu, người dùng có thể sử dụng nội dung này không, nếu xảy ra xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì ai là người chịu trách nhiệm, có nghĩa vụ pháp lý hoặc giải trình.

1. Dẫn nhập

Ứng dụng công nghệ để sáng tạo nội dung trong báo chí truyền thông là xu hướng tất yếu. Các ứng dụng công nghệ AI có khả năng tự tạo ra nội dung dựa trên yêu cầu đầu vào, được lập trình để tự học dựa vào dữ liệu và tương tác với con người nên càng nhiều người sử dụng ứng dụng công nghệ AI càng khiến cho các AI này ngày càng thông minh, tự hoàn thiện, và rất khó để phân biệt giữa kết quả được tạo bởi các AI này với kết quả được tạo bởi con người. Điều này thúc đẩy người dùng nâng cao khả năng tiếp cận các ứng dụng công nghệ AI này, cũng như có các kỹ năng đặt câu hỏi, tìm kiếm thông tin, kỹ năng phân tích và đánh giá thông tin đối với các nội dung được tạo ra.

Theo thời gian, nếu ứng dụng công nghệ AI có tính năng chatbot ngày càng được hoàn thiện, làm sâu, cung cấp thông tin hữu ích, chính xác, được kiểm chứng, có dẫn nguồn... thì nó càng được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có báo chí truyền thông. Người dùng sử dụng tính ưu việt của nó để phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ như tóm tắt nội dung văn bản và tài liệu lớn, tạo câu hỏi với một chủ đề mà người dùng không quen thuộc hoặc đang tìm kiếm những góc nhìn mới, tìm kiếm câu trích dẫn từ một nhân vật nào đó, dùng để đặt tiêu đề bài viết, dịch thuật nội dung bài từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, và các thử nghiệm khác nhau. Điều này thúc đẩy sáng tạo nội dung, cũng như giúp tăng năng suất lao động, giảm thời gian tìm kiếm và xử lý thông tin, giảm chi phí và góp phần tăng hiệu quả hoạt động báo chí truyền thông.

Thí dụ:

ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một chatbot do công ty OpenAI của phát triển. ChatGPT được huấn luyện với 300 tỷ từ, 175 tỷ tham số, tổng thời gian huấn luyện gộp là 300 năm với chi phí huấn luyện hơn 5 triệu USD và được OpenAI phát triển từ 2015 với số tiền đầu tư 1 tỷ USD. Hiểu một cách đơn giản, ChatGPT là một ứng dụng công nghệ AI, nhưng điểm khác biệt là nằm ở “kho” kiến thức đã học được, nó có thể hiểu được nội dung câu hỏi một cách chính xác và nhanh chóng đưa ra câu trả lời lưu loát đầy đủ. Các câu trả lời này được ChatGPT tự tổng hợp, và được tạo ra từ dữ liệu lớn đã được huấn luyện trước. ChatGPT còn có thể làm thơ, soạn nhạc, viết thư, thiết kế đồ họa, lập trình...

Tuy nhiên, khi tác phẩm báo chí có sử dụng nội dung được tạo bởi ứng dụng công nghệ AI cũng tồn tại một số vấn đề, tạo thách thức cho nhà quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn như: làm thế nào để xác định, loại bỏ nội dung chứa các thông tin chưa được kiểm chứng, không trích dẫn nguồn gốc, sai lệch... Hơn nữa, các AI này cũng có thể được huấn luyện có chủ ý với mục đích tạo thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc tạo ra các chỉ dẫn không đúng… nhằm phát tán thông tin sai lệch, lúc này việc sử dụng nội dung, kiểm duyệt nội dung được tạo bởi AI cũng là một thách thức lớn.

Đặc biệt các vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, nhất là quyền tác giả như ai là tác giả, chủ sở hữu nội dung được tạo ra bởi ứng dụng công nghệ AI; người dùng có thể sử dụng nội dung này không, nếu xảy ra xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì ai là người chịu trách nhiệm, có nghĩa vụ pháp lý hoặc giải trình..., làm thế nào để ngăn ngừa nguy cơ “vô ý” xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi tác phẩm báo chí sử dụng nội dung được tạo bởi các AI này là một thách thức lớn đối với quản trị sáng tạo nội dung trong toà soạn.

2. Một số vấn đề quyền sở hữu trí tuệ khi ứng dụng công nghệ AI trong quản trị sáng tạo nội dung ở tòa soạn

Tùy theo yêu cầu của người dùng (khả năng đặt câu hỏi) mà ứng dụng công nghệ AI có thể làm thơ, soạn nhạc, viết thư, tạo bài luận, tạo tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, thiết kế logo và các đồ họa khác, lập trình.... Nội dung được tạo bởi các AI rất đa dạng, ở khía cạnh quyền sở hữu trí tuệ, nội dung này có thể chứa các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ như (i) nhóm đối tượng quyền tác giả: tác phẩm văn học, khoa học, bài giảng, bài phát biểu, tác phẩm báo chí, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm kiến trúc, bản họa đồ, bản vẽ liên quan đến kiến trúc...; (ii) nhãn hiệu; (iii) bí mật kinh doanh và các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ khác.

2.1. Vấn đề bảo hộ quyền tác giả đối với nội dung được tạo bởi ứng dụng công nghệ AI

Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký .Khi người dùng đặt câu hỏi cho ứng dụng công nghệ AI, nội dung phản hồi của các AI này có thể là đối tượng được xem xét bảo hộ quyền tác giả.

Người dùng có thể sáng tạo trong cách đặt câu hỏi, hoặc cũng có thể sáng tạo nhiều câu hỏi nhỏ cho một câu hỏi lớn, nhưng một điều chắc chắn là người dùng không phải là người tạo ra tác phẩm, họ chỉ là người “gợi ý” thông qua việc đặt câu hỏi, và chính các AI này đã trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm đó.

Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ AI không phải là con người nên một vấn đề được đặt ra là tại thời điểm tác phẩm được tạo bởi ứng dụng công nghệ AI, tác phẩm này có được bảo hộ quyền tác giả, và ứng dụng công nghệ AI có được coi là tác giả của tác phẩm đó không, ai là người sở hữu tác phẩm đó, người dùng có thể sử dụng không, người dùng hoặc chủ sở hữu các AI này có nghĩa vụ pháp lý hoặc giải trình khi sử dụng nội dung do AI tạo ra xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ?

Tác phẩm được bảo hộ phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác và mục đích bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả nói riêng là nhằm thúc đẩy các sản phẩm trí tuệ được tạo ra từ hoạt động tư duy, sáng tạo của con người. Bảo hộ quyền tác giả nhằm trao cho người tạo ra tác phẩm này hoặc chủ sở hữu chúng độc quyền việc sao chép, phân phối và sử dụng chúng. Điều này có nghĩa là chỉ người tạo ra tác phẩm hoặc người đã được sự cho phép của người tạo mới có thể sao chép, phân phối hoặc sử dụng tác phẩm một cách hợp pháp theo những cách nhất định.

Ứng dụng AI được đào tạo, huấn luyện trên một tập dữ liệu văn bản lớn, tự học dựa vào dữ liệu và tương tác với con người và có thể tạo phản hồi theo cách giống con người. Các AI này không có suy nghĩ, sự sáng tạo hay ý thức riêng nên sản phẩm mà chúng tạo ra không được coi là sản phẩm ban đầu của trí óc con người. Do đó, các phản hồi do ứng dụng công nghệ AI tạo ra không được coi là sáng tạo ban đầu của tâm trí con người không đáp ứng điều kiện bảo hộ quyền tác giả.

Như vậy, ứng dụng công nghệ AI không được coi là tác giả, chủ sở hữu các AI này cũng không được coi là chủ sở hữu nội dung được tạo ra, và tất nhiên, người dùng cũng không được coi là tác giả hay chủ sở hữu nội dung phản hồi do ứng dụng công nghệ AI tạo ra.

Ví dụ:

Khi đặt câu hỏi “Ai sở hữu nội dung do ChatGPT tạo ra?”, ChatGPT trả lời như sau: “Tôi không sở hữu nội dung mà tôi tạo ra.Tôi là một mô hình học máy do OpenAI phát triển và sở hữu, đồng thời nội dung do tôi tạo phải tuân theo giấy phép và điều khoản sử dụng của OpenAI”.

2.2. Nguy cơ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba

Mặc dù, nội dung do ứng dụng công nghệ AI tạo ra không được bảo hộ quyền tác giả. Điều này không có nghĩa nội dung được tạo bởi ứng dụng công nghệ AI có thể được sử dụng tự do hoặc sử dụng không quan tâm đến quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Nội dung được tạo bởi ứng dụng công nghệ AI có thể chứa thông tin được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của người khác (bên thứ ba). Quyền sở hữu trí tuệ ở đây chủ yếu là quyền tác giả, cũng có thể có quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, bí mật kinh doanh, sáng chế... do người khác không phải là cá nhân, tổ chức sở hữu ứng dụng công nghệ AI nắm giữ. Nếu nội dung được tạo bởi ứng dụng công nghệ AI chứa thông tin đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của người khác, việc sử dụng nội dung này có nguy cơ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba.

Thí dụ:

+ Người dùng có thể bị coi là có hành vi tự sao chép, trích dẫn làm sai ý tác giả, mạo danh tác giả, công bố, phân phối tác phẩm,sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm đã được công bố, bảo hộ quyền tác giả của người khác. Tùy theo mục đích sử dụng và ngữ cảnh sử dụng mà các lỗi hành vi này có thể bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

+ Các đồ họa, hình ảnh có thể được tạo ra trên cơ sở nhãn hiệu đang được bảo hộ, hoặc tác phẩm mỹ thuật, ứng dụng đang được bảo hộ của người khác. Nếu người dùng sử dụng đồ họa, hình ảnh này làm nhãn hiệu, nguy cơ nhãn hiệu này có thể bị coi là tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang được bảo hộ của người khác cho các hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự hoặc bị coi là xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật, ứng dụng đang được bảo hộ quyền tác giả của người khác.

3. Kết luận

Ứng dụng công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ AI để sáng tạo nội dung trong báo chí truyền thông là xu hướng tất yếu. Ở khía cạnh quyền sở hữu trí tuệ, việc tác phẩm báo chí sử dụng nội dung được tạo bởi ứng dụng công nghệ AI có nguy cơ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba, nhất là quyền tác giả của người khác và dẫn đến các hậu quả pháp lý. Khi xảy ra việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, người sử dụng nội dung được tạo bởi các AI này là bên chịu trách nhiệm và có nghĩa vụ pháp lý hoặc giải trình. Điều này gây thách thức lớn cho hoạt động quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn.

Tiến sĩ Khổng Quốc Minh

Link nội dung: https://vsta.org.vn/ung-dung-cong-nghe-ai-trong-quan-tri-sang-tao-noi-dung-o-toa-soan-tu-goc-nhin-so-huu-tri-tue-22906.html