Khẳng định vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ

Cùng với chiều dài lịch sử của đất nước, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam đã có nhiều cống hiến trong các hoạt động phát huy sức mạnh của liên minh công - nông - trí, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

base64-16793089403391090452164-1679331435.png
PGS. TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: Đội ngũ trí thức KH&CN luôn đồng hành cùng dân tộc, có nhiều cống hiến trong các hoạt động phát huy sức mạnh của liên minh công - nông - trí - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Cách đây 60 năm, ngày 18/5, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự, nói chuyện và giao nhiệm vụ cho đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và cách đây 40 năm, ngày 26/3/1983, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) - tổ chức tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN - được thành lập với Chủ tịch đầu tiên là GS.VS. Thiếu tướng, AHLĐ Trần Đại Nghĩa.

Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, VUSTA đã trở thành tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trao đổi với báo chí, PGS. TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch VUSTA cho biết, thấm nhuần lời dạy của Bác: "Là một bộ phận trong lực lượng cách mạng, trí thức có nhiệm vụ thi đua phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân", đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam luôn mang trên mình nhiệt huyết cách mạng, khát vọng vươn lên, đưa KH&CN trở thành động lực, là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước…

Trong 40 năm qua, với 8 kỳ đại hội, VUSTA đã có những bước phát triển lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt vai trò, chức năng tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN người Việt Nam ở trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tính đến nay, VUSTA có 156 hội thành viên gồm: 63 liên hiệp hội địa phương và 93 hội ngành toàn quốc. Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố tiếp tục được củng cố, kiện toàn; quy mô và cơ cấu tổ chức của các hội ngành toàn quốc không ngừng được mở rộng. Hệ thống tổ chức KH&CN trực thuộc Đoàn Chủ tịch cũng tăng lên mạnh mẽ với gần 600 đơn vị. Toàn hệ thống đã thu hút được trên 3,7 triệu hội viên, trong đó, có khoảng 2,2 triệu trí thức.

Các hoạt động của VUSTA trải dài trên các lĩnh vực như: Phổ biến kiến thức, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tôn vinh trí thức, tổ chức các giải thưởng sáng tạo khoa học và kỹ thuật, tư vấn, phản biện và giám định xã hội…

Đặc biệt, đối với hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, từ khi thành lập đến nay, VUSTA tập hợp được đông đảo chuyên gia, trí thức ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau và đã thực hiện hàng nghìn nhiệm vụ tư vấn, phản biện, góp ý khách quan, thẳng thắn và kịp thời nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến chủ trương, chính sách, các dự thảo văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhiều dự án đầu tư trọng điểm có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Các nhiệm vụ tập trung vào góp ý các dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng các cấp, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, KH&CN, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, y tế; các dự thảo luật quan trọng; các dự án đầu tư trọng điểm; các vấn đề nóng cần sự vào cuộc của trí thức KH&CN từ Trung ương đến địa phương.

Nổi bật có thể kể đến như góp ý Báo cáo chính trị trình các Đại hội của Đảng; góp ý dự thảo Hiến pháp năm 2013; Dự án Bauxite Tây Nguyên, góp ý xây dựng sân bay Long Thành, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Dự án mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh, Góp ý Quy hoạch mạng lưới đường sắt, đường bộ và cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050...

"Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương và các hội ngành thành viên đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật. Đồng thời, góp phần thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động này đã và đang trở thành một kênh thông tin đáng tin cậy giúp Đảng và Nhà nước khi xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước", PGS. TS Phạm Ngọc Linh nhấn mạnh.

Ngày 24/3 tới đây, Lễ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ gặp mặt trí thức và 40 năm ngày thành lập VUSTA sẽ được tổ chức tại Hà Nội, với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu gồm các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, các viện nghiên cứu, trường đại học, tập đoàn doanh nghiệp KH&CN, đại diện lãnh đạo 93 hội ngành toàn quốc và 63 liên hiệp hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Đây là sự kiện có ý nghĩa rất lớn của đội ngũ trí thức trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; thể hiện sự quan tâm, coi trọng, ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với trí thức KH&CN có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển đất nước; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức và của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Hoàng Giang

Link nội dung: https://vsta.org.vn/khang-dinh-vi-tri-vai-tro-cua-doi-ngu-tri-thuc-khoa-hoc-cong-nghe-22914.html