Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 2 doanh nghiệp công nghệ số

Theo Kế hoạch mới được ban hành, đến năm 2025, Đồng Tháp có ít nhất 2 doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới và co ít nhất 5 doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trong tất cả ngành, nghề, lĩnh vực.

Ngày 1/4, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, vừa ban hành Kế hoạch số 120/KH-UBND, về việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh, thay thế Kế hoạch số 158/KH-UBND ngày 7/7/2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, Kế hoạch này triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 01/CT-TTg, gắn với nhiệm vụ thực hiện các chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông của tỉnh đã ban hành. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên địa bàn từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động tiếp cận, xây dựng các sản phẩm và sáng tạo ra các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số (dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật…) để tạo ra sản phẩm thương hiệu Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế tỉnh Đồng Tháp bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

caadongthap-1680372562.jpg
Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 2 doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới; ít nhất 5 doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trong tất cả ngành, nghề, lĩnh vực.

Kế hoạch lần này, hướng đến các mục tiêu tuyên truyền sâu rộng các giải pháp và nhiệm vụ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, tầm quan trọng của doanh nghiệp công nghệ số; tạo sự đồng thuận, quan tâm của xã hội đối với doanh nghiệp công nghệ số và sản phẩm Make in Viet Nam (làm tại Việt Nam).

Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh; phát triển và ứng dụng công nghệ số vào mọi mặt đời sống, khởi tạo cuộc sống số, tạo ra những cơ hội mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tạo điều kiện phát triển môi trường làm việc số phục vụ nhu cầu công việc trên các lĩnh vực y tế, giao thông, giáo dục, nông nghiệp, du lịch… Song song đó, hoàn thiện xây dựng hệ thống thông tin chính quyền điện tử, kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái mở phục vụ nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, Đồng Tháp có ít nhất 2 doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới; ít nhất 5 doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trong tất cả ngành, nghề, lĩnh vực; xây dựng hoàn thành hệ thống thông tin ngành Công Thương; 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 50% doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh; doanh số thương mại điện tử B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 20%/năm.

Đến năm 2030, có ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số; ít nhất 10 doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trong tất cả ngành, nghề, lĩnh vực (ít nhất 2 doanh nghiệp làm chủ công nghệ, cung cấp các sản phẩm, giải pháp phần mềm được đưa vào ứng dụng thực tế trên địa bàn tỉnh và các địa phương khác trên cả nước); 80% doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh, khoảng 20% doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ số, vận hành thông minh trong sản xuất.

 

dongthap1-1680372576.jpg
Đại diện các nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số giới thiệu sản phẩm cho khách hàng tại một sự kiện được tổ chức ở Đồng Tháp.

 

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh cũng đưa ra các giải pháp xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương như: Hạ tầng số; sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam; nhân lực công nghệ số; thị trường cho doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số; phát huy vai trò tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương.

Trong kế hoạch này, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND huyện, thành phố cùng “chung tay” thực hiện. Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập và phát triển “Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp” để tăng cường đầu tư ứng dụng đổi mới công nghệ, đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Đơn giản hoá các thủ tục quản lý và sử dụng quỹ để tăng cường đầu tư cho ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Sở Thông tin và Truyền thông, làm đầu mối thực hiện tổng hợp, điều phối, tổ chức hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp số hoạt động trên địa bàn. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ định hướng thông tin tuyên truyền cho các cơ quan báo, đài về vai trò và tầm quan trọng của doanh nghiệp số. Triển khai hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử tỉnh, kho dữ liệu dùng chung tiến đến chính quyền số.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, kết nối, chia sẻ dữ liệu liên quan đến doanh nghiệp công nghệ số theo lộ trình của Bộ KH&ĐT. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến doanh nghiệp, khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển mô hình và hoạt động kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số như kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo.

 

Thái Cường

Link nội dung: https://vsta.org.vn/dong-thap-phan-dau-den-nam-2025-co-it-nhat-2-doanh-nghiep-cong-nghe-so-22952.html