Dùng ngân sách làm “vốn mồi” để thúc đẩy nghiên cứu khoa học
Ngày 31/3/2023, Đoàn công tác của Bộ KH&CN do đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng, Bộ trưởng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh Thái Nguyên bàn giải pháp đưa KH,CN&ĐMST vào các lĩnh vực để tạo tăng trưởng nhanh và bền vững. Cùng tham dự buổi làm việc, về phía Bộ KH&CN còn có đồng chí Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Thường trực Bộ KH&CN; các đồng chí đại diện lãnh đạo các đơn vị chủ chốt của Bộ KH&CN.
Về phía tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các ban xây dựng Đảng thuộc Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành của tỉnh và Đại học Thái Nguyên (ĐHTN).
Báo cáo kết quả hoạt động KH,CN&ĐMST trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2022, định hướng đến năm 2030 cho thấy, Thái Nguyên có hạ tầng phục vụ phát triển KH&CN tương đối đồng bộ; toàn tỉnh có 28 tổ chức KH&CN; thời gian qua đã ban hành kịp thời các chính sách, cụ thể hóa các quy định về hoạt động KH&CN của Trung ương sát với tình hình thực tế. Công tác quản lý nhà nước về KH&CN tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh. Hoạt động khởi nghiệp, ĐMST đã tạo thành phong trào rộng khắp trong các trường đại học, cao đẳng. Giai đoạn 2020-2022, Sở KH&CN đã tham mưu triển khai thực hiện 83 đề tài, dự án KH&CN các cấp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải khẳng định, trong các nguồn lực phát triển KT-XH, KH&CN là một thành tố rất quan trọng. KH&CN thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực; giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế. Thái Nguyên có được thành tựu phát triển kinh tế như trên là nhờ có sự tác động của KH&CN: đó là sự hội tụ của các tập đoàn công nghệ cao đầu tư vào Thái Nguyên, sự mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Thái Nguyên cũng đã quan tâm, đầu tư phát triển KH&CN trên địa bàn bằng việc dùng ngân sách làm “vốn mồi” thúc đẩy nghiên cứu khoa học, như: ký Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ KH&CN giữa UBND tỉnh và Đại học Thái Nguyên giai đoạn 2017-2022; nhiệm vụ hợp tác đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, đã thực hiện đầy đủ, toàn diện và hiệu quả theo 7 lĩnh vực hợp tác trong Chương trình với tổng kinh phí huy động từ các nguồn đạt hơn 197 tỷ đồng. Hiện nay tỉnh đang tiến hành sơ kết, đánh giá lại toàn diện Chương trình hợp tác hướng đến việc tiếp tục ký Chương trình cho giai đoạn tiếp theo. “Với nguồn lực KH&CN hiện có của tỉnh, chúng tôi tin tưởng rằng Thái Nguyên sẽ phát triển nhanh và mạnh hơn, nếu khai thác được hết thế mạnh của nguồn lực này”.
Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Đoàn công tác của Bộ KH&CN đến thăm và làm việc là dịp để Thái Nguyên có cơ hội trao đổi, học hỏi, tìm ra giải pháp thúc đẩy hoạt động KH&CN, đặc biệt là nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đưa KH&CN vào tạo đà tăng trưởng nhanh, bền vững giúp Thái Nguyên luôn “bình yên, hạnh phúc, sung túc và phát triển”.
Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao những thành tựu nổi bật tỉnh Thái Nguyên đạt được trong thời gian qua, nhất là việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong mọi mặt của đời sống xã hội. Có thể nói, Thái Nguyên có những điều kiện tốt để phát triển các hoạt động KH,CN&ĐMST. Trong giai đoạn 2020-2022, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành 04 văn bản quy phạm pháp luật, 17 nghị quyết, quyết định, kế hoạch mang tính chiến lược, dài hạn cho hoạt động KH&CN của tỉnh đến 2025 và tầm nhìn đến 2030; chú trọng đầu tư nguồn lực tài chính, chủ động bố trí nguồn ngân sách sự nghiệp KH&CN địa phương cao hơn mức Trung ương thông báo.
Các nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đã bám sát định hướng phát triển ngành, lĩnh vực mũi nhọn, then chốt của tỉnh, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Số lượng các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng và triển khai nhân rộng được tăng lên, đặc biệt trong lĩnh vực y - dược, nông nghiệp và kỹ thuật công nghệ.
Quản lý nhà nước về KH&CN có nhiều đổi mới; thị trường KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST được tăng cường hỗ trợ hình thành và phát triển; hệ thống tiêu chuẩn, đo lường chất lượng; bảo hộ, khai thác, phát triển và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục được củng cố, hoàn thiện, góp phần phục vụ đắc lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu của địa phương. Hoạt động liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế về KH&CN được chú trọng.
Để thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trên địa bàn tỉnh, Bộ trưởng đề nghị tỉnh quan tâm hơn nữa đến việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại vào giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương. Bên cạnh đó, tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực trọng điểm. Đối với đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Bộ KH&CN ghi nhận và sẽ tích cực hỗ trợ để Thái Nguyên thực hiện Dự án xây dựng trại thực nghiệm của Trung tâm Phát triển KH&CN.
Trong chương trình, Đoàn công tác của Bộ KH&CN đã làm việc, khảo sát thực tế tại ĐHTN. Lãnh đạo ĐHTN đã báo cáo với Đoàn về những kết quả hoạt động KH,CN&ĐMST của ĐHTN trong giai đoạn 2020-2022, định hướng đến năm 2030. Theo đó, 1 trong 3 trụ cột được ĐHTN xác định để phát triển là công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thành công. Năm năm qua, ĐHTN đã triển khai 8 chương trình KH&CN, 74 đề tài cấp nhà nước, 408 đề tài cấp bộ; thực hiện gần 200 đề tài cấp tỉnh với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng và 18 dự án hợp tác quốc tế với tổng kinh phí 3,44 triệu USD.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo ĐHTN đề nghị được đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm phục vụ thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp nhà nước.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao những kết quả nổi bật trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của ĐHTN.
Bộ trưởng mong muốn tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ ĐHTN trong lĩnh vực nghiên cứu KH,CN&ĐMST. Bộ trưởng cũng ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của ĐHTN và bày tỏ tin tưởng trong giai đoạn sắp tới, ĐHTN sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tích hơn nữa, đặc biệt là trong lĩnh vực KH&CN, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận.
Nhân dịp này, Đoàn công tác của Bộ KH&CN đã thăm Trung tâm số thuộc ĐHTN.
Link nội dung: https://vsta.org.vn/thai-nguyen-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-dua-tren-khoa-hoc-va-cong-nghe-22962.html